Người mắc cảm cúm sẽ sốt cao hơn cảm lạnh (Ảnh minh họa)
Hỏi:
Với biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ớn lạnh… bệnh cảm cúm thường dễ nhầm với cảm lạnh thông thường. Mong bác sĩ tư vấn làm sao để phân biệt được 2 bệnh này.
Trần Thanh Mai (Bắc Ninh)
Trả lời:
Cảm lạnh chủ yếu xảy ra do thay đổi nhiệt độ, gây các phản ứng viêm, còn cảm cúm do các virus siêu vi gây ra, thường nặng hơn so với cảm lạnh. Ngoài các dấu hiệu trùng nhau như hắt hơi, sổ mũi, đau họng… thì cúm còn có các dấu hiệu đặc trưng như sốt cao, đau mỏi người, ho đau ngực.
Với cảm lạnh, mọi người chỉ cần giữ ấm cổ, phổi, 2 bàn chân thì có thể phòng bệnh này trong giai đoạn giao mùa. Còn với cảm cúm, có thể ngăn ngừa bằng tiêm vaccine phòng cúm, được chứng minh là có tác dụng giảm bớt mức độ nặng của bệnh cúm, nhất là người già, người có bệnh nền.
Cách phòng ngừa cảm cúm hiệu quả nhất là tiêm vaccine cúm. Lứa tuổi bắt đầu tiêm phòng bệnh cúm: Từ 6 tháng tuổi trở lên. Việc tiêm vaccine là biện pháp chính để phòng ngừa và tránh các biến chứng nặng của cảm cúm. Hiệu quả phòng bệnh bắt đầu khoảng 2 - 3 tuần sau khi tiêm (khả năng bảo vệ là 50 - 80%); thời gian bảo vệ khoảng 6 - 12 tháng sau tiêm, do vậy cần tiêm nhắc lại mỗi năm để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất.
Để phòng ngừa các bệnh cảm cúm nói riêng và bệnh về đường hô hấp nói chung, mọi người cần lưu ý tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống chọi với tác nhân gây bệnh.
Nếu cơ thể khỏe mạnh thì có thể vượt qua bệnh tật, một phần do sức đề kháng của cơ thể tốt. Theo đó, cần ăn uống cân đối, đầy đủ, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, bổ sung vitamin C, D. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh cá nhân bằng việc mang khẩu trang, sát khuẩn tay…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận