Điều tra

Lâm tặc phá rừng, dân vây bắt, lực lượng chức năng ở đâu?

23/04/2015, 18:10

Lâm tặc rao bán gỗ trên Facebook, người dân tổ chức bắt. Ban quản lý rừng nói không phải địa bàn phụ trách

IMG_1305
Ngày 18/4, hàng chục người dân quá bức xúc đã vào rừng kiểm tra khu rừng bị phá. Trong khi đó lực lượng chức năng phải đến ngày 23/4 thì đoàn khám nghiệm hiện trường huyện Chư Păh mới bắt đầu vào. 

Tung video "khoe" vận chuyển gỗ

Ngày 30/3, một người sử dụng Facebook có tên Vũ Đình Lộc đã đăng những tấm hình của mình cùng những người khác đang tiến hành xẻ gỗ và vận chuyển gỗ với số lượng lớn trong nhóm “81 Gia Lai”.

Theo Facebook trên, địa điểm mà nhóm người này thực hiện hành vi phá rừng là thuộc khu vực dốc Mái nhà, huyện Krông Pa (Gia Lai). Đây là địa điểm thuộc xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa. Bên cạnh đó, người dùng tên Lộc đã để lại số điện thoại cho những người có nhu cầu mua gỗ. Trong phần bình luận, Facebook này cũng cho biết mỗi tuần đều phải “làm luật” 2 triệu đồng để được khai thác gỗ.

Gỗ 7

Lâm tặc phá rừng rồi huênh hoang khoe chiến tích của mình

Ngoài ra, cũng trên trang Facebook Vũ Đình Lộc đã đăng một video clip dài gần 6p ghi lại hoạt động của nhóm lâm tặc đang chuẩn bị vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Trong video, đối tượng này cho rằng: “Quay lên để cho các đồng chí công an biết lâm tặc phá rừng thế này mà điều tra”. Tiếp đến, “Thế tôi hỏi các đồng chí kiểm lâm đang làm cái gì mà lâm tặc phá rừng như thế này?”.

Tiếp đến Lộc phỏng vấn một người trong đoàn: “Hôm nay đã đưa cho kiểm lâm bao nhiêu tiền, mà chở gỗ như thế này?”. Người đàn ông đang chất lại gỗ trả lời: “Mỗi cục mười ngàn”. Lộc cũng nhẩm tính: “Vậy là chỗ này là ba triệu đồng. Được”. Người quay clip tự “dẫn hiện trường”: “Phải quay cái clip này để mấy chú kiểm lâm về mà điều tra ngay cái nạn phá rừng này đi chứ còn…”

Được biết, Facebook Vũ Đình Lộc tên thật là Vũ Đình Lộc (SN 1991, trú tại xã Ua, huyện Krông Pa, Gia Lai).

Bức xúc, dân làng vây bắt vận chuyển gỗ

Mời đây, tại làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh), hàng chục người dân Banar đã phát hiện vụ vận chuyển gỗ trái phép, và tổ chức vây bắt.

Một già làng tại làng Kon Sơ Lăl cho biết, nhiều lần thấy gỗ bị cưa mà xót lắm. Gỗ bị cưa rồi còn vận chuyển ngang qua làng. Nhiều lần thấy như vậy nhưng chẳng mấy khi thấy kiểm lâm, bảo vệ rừng bắt gỗ lậu. Bởi vậy nên khi phát hiện vận chuyển gỗ lậu vào sáng ngày 18/4 nên cả làng vây bắt. Cuộc vây bắt số gỗ này do người dân tự tổ chức, chỉ bằng những khúc gỗ, những cây cột nhà để ngăn cản không cho xe gỗ này đi ngang qua.

20150420_104933[1]
Một phần số gỗ mà làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây (Chư Păh, Gia Lai) bắt được. 

Cũng trong ngày, hàng chục thanh niên đã vượt rừng vào khu rừng để kiểm tra rừng bị phá như thế nào. Một thanh niên cho biết, số cây gỗ bị đốn ở khu rừng lên tới hàng chục cây, nhiều cây có bán kính rất lớn tới 3 người ôm mới xuể. Người dân cũng phản ánh người thường xuyên tổ chức vận chuyển gỗ qua làng là anh Boy hiện là giáo viên của một ngôi trường ở xã Hà Tây.

Sẽ khởi tố vụ án phá rừng

Ngày 22/4, ông Nguyễn Ngọc Cư Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết trên cơ sở kiểm tra sơ bộ hiện trường lâm tặc phá rừng tại tiểu khu 187, đã đủ điều kiện để khởi tố vụ án.

Cơ quan kiểm tra xác định vị trí rừng bị lâm tặc khai thác thuộc tiểu khu 187 do Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah quản lý. Qua điều tra ban đầu có khoảng gần 40 cây bị cắt hạ và còn lại khoảng 10m3 gỗ lâm tặc đã khai thác nhưng chưa đưa ra khỏi khiện trường. “Do trong rừng sóng chập chờn nên khi kiểm lâm báo về chưa rõ đường kính, chủng loại gỗ”, ông Cư nói và để xảy ra sự việc trước tiên trách nhiệm thuộc về chủ rừng. “Sáng mai (23/4) có số liệu kiểm tra hiện trường cụ thể. Chúng tôi sẽ mời Viện kiểm soát, Công an huyện Chư Pah kiểm tra hiện trường, đồng thời làm việc với các bên. Sau đó sẽ tiến hành khởi tố vụ án”, ông Cư nói.

Theo anh Rul (người làng Kon Sơ Lăh) cho biết, cứ mỗi lần xe gỗ vận chuyển ra cũng là lúc kiểm lâm không làm việc hoặc không có mặt tại khu rừng cần bảo vệ. Con đường vận chuyển gỗ qua nhiều đèo, dốc cũng đi qua một trạm bảo vệ rừng.

Ai tiếp tay cho lâm tặc?

Vụ phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép tại khu rừng ở huyện Krông Pa được chính lâm tặc đưa những hình ảnh, video lên Facebook khiến nhiều người dân ngỡ ngàng về sự lạc quan của nhóm tội phạm này. Việc lâm tặc dùng những từ ngữ khó nghe và huênh hoang khoe khoang chiến tích của mình, cần đặt nhiều câu hỏi vì sao (?!) Đáng lý ra việc vận chuyển gỗ phải lén lút, phải nhỏ lẻ, nhưng trong video mà Lộc đăng lại có tới hàng chục chiếc xe vận chuyển gỗ dàn hàng? Chỉ tính số lượng gỗ trong video đăng lên (tháng 2/2014) và đăng ảnh lên Facebook (30/3/2015) của Vũ Đình Lộc có thể thấy số gỗ rất lớn. Vậy biết bao nhiêu số gỗ được vận chuyển ra khỏi rừng mà không bị cơ quan chức năng ngăn chặn trong khoảng thời gian đó? Lực lượng chức năng ở đây đang làm gì? 

Tương tự, việc nhân vật Lộc phỏng vấn "đồng nghiệp" về việc ngã giá với kiểm lâm có đúng sự thật hay không? Vì sao có những cái giá chi tiết đến như vậy? 

IMG_1322
Một cây rừng bị cưa bật gốc

Quay trở lại với vệc hàng chục người dân tại làng Kon Sơ Lăh xã Hà Tây (Chư Păh) vì quá bức xúc về sự ngang nhiên vận chuyển gỗ qua làng nên đã lập mưu bắt lâm tặc. Trong khi lực lượng bảo vệ rừng cũng đã đặt một trạm kiểm soát ngay ở cửa rừng, trên con đường độc đạo vận chuyển gỗ. Người dân nơi đây cũng phản ánh việc vận chuyển gỗ tới mức thường xuyên và có lịch trình sẵn. "Mỗi khi xe chở gỗ qua làng là không có kiểm lâm" một người dân cho biết. "Thì đúng rồi, có kiểm lâm thì làm sao mà vận chuyển gỗ được", người dân khác lập luận. 

Trước đó, ngày 20/4 khi PV Báo Giao thông hỏi trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng của mình, một cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh cho biết rừng bị chặt phá không nằm trong lâm phần của mình mà thuộc diện tích của làng Kon Sơ Lăl bảo vệ chăm sóc. Không hiểu sao những người có trách nhiệm bảo vệ rừng lại nói lên những lời này khi chưa vào rừng kiểm tra.

Liên quan đến vụ phá rừng rồi tung ảnh lên Facebook xảy ra tại huyện Krông Pa, chiều 21/4 một lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai cho biết đoàn kiểm tra hiện trường nơi rừng bị mất vẫn chưa có báo cáo chính thức về sự việc. Chậm nhất ngày 24/4 Sở Nông nghiệp sẽ báo cáo lên UBND tỉnh Gia Lai để xin ý kiến. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.