Vấn đề là làm cách nào để đảm bảo việc dạy và học được an toàn, hiệu quả, đặc biệt với khối học sinh tiểu học…
Con học trực tuyến, mẹ đổ xô mua kính chống cận
Gần đây, khi thấy con gái vừa vào lớp 1, thường xuyên kêu đau đầu, mỏi mắt sau những giờ học online, chị Nguyễn Mai Thy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đưa con đi khám và bất ngờ khi con đã cận tới 2,5 diop.
Bộ GD&ĐT sẽ sớm có hướng dẫn học tập trực tuyến tại nhà
“Trước đó, con cũng thường có biểu hiện nheo mắt, tiến sát ti vi dù khoảng cách từ bàn nước tới màn hình chỉ khoảng 2m. Dấu hiệu này cứ tăng dần trong những ngày giãn cách ở nhà”, chị Thy chia sẻ.
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô, dù trong bối cảnh dịch phức tạp, song lượng bệnh nhân tới bệnh viện khám tật khúc xạ không hề giảm mà còn có xu hướng tăng.
Nhiều bậc cha mẹ khi đưa con tới khám đều than phiền, gần đây với việc phải học online, tình trạng cận thị trở nên trầm trọng hơn. Cứ 10 trẻ tới khám thì có tới 7 - 8 trẻ bị tăng độ và phải thay kính.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng đã cảnh báo về tình trạng số bệnh nhân tới khám về tật khúc xạ mắt tăng trong thời gian qua. Nguyên nhân lớn nhất là do trẻ chịu tác động mạnh từ việc ở nhà quá lâu.
Trước thông tin trên, nhiều phụ huynh tại các địa phương giãn cách xã hội đổ xô tìm mua kính mắt chống ánh sáng xanh ngay sau khi bước vào năm học mới. Mặt hàng này trở nên sôi động với đủ mức giá từ vài trăm tới hàng triệu đồng… với lời rao “giúp ngăn ngừa cận thị”.
Theo BS. Đặng Xuân Nguyên, nguyên Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội II, nguồn ánh sáng xanh nhân tạo có thể đến từ đèn huỳnh quang, đèn led và tivi màn hình phẳng, màn hình máy tính, điện thoại.
Nếu dùng lâu thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh có thể làm tăng nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng ở đáy mắt khi về già.
Do vậy, kính chống ánh sáng xanh chỉ có tác dụng bảo vệ, giảm nguy cơ thoái hóa mắt khi về già chứ không hề có tác dụng ngăn ngừa cận thị.
“Việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử là một trong những nguy cơ lớn dẫn tới cận thị nhưng không phải do tác động của ánh sáng xanh mà là do mắt phải nhìn gần trong thời gian dài quá mức”, vị chuyên gia nhãn khoa phân tích.
Để ngăn ngừa cận thị, các chuyên gia khuyến cáo, phải tuân thủ những nguyên tắc bảo vệ mắt. Cụ thể, đối với trẻ em, cần ngồi học đúng tư thế, đảm bảo khoảng cách từ mắt tới mặt bàn, sử dụng ánh sáng tự nhiên...
Khi sử dụng thiết bị điện tử, cần giảm độ sáng của màn hình và thường xuyên để học sinh nghỉ ngơi mắt, không dùng liên tục trong một thời gian kéo dài.
“Các phụ huynh nên tập cho con thói quen chớp mắt thường xuyên và nghỉ ngơi mắt bằng cách phóng mắt ra tầm xa, trên 6m để thư giãn, đặc biệt là nhìn vào những khoảng cây cối xanh mát. Ngoài ra, có thể tra một số loại nước mắt nhân tạo, vitamin để đôi mắt đỡ khô và mỏi mệt”, BS. Nguyên cho biết.
Sắp ban hành hướng dẫn học trực tuyến an toàn
Nhắc lại vụ việc bé trai 10 tuổi bị điện giật tử vong khi học trực tuyến trong tuần qua, BSCK Nhi Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, tai nạn thương tích trẻ em có nguy cơ rất cao trong mùa Covid-19.
Ông An cho rằng, trẻ em nhiều địa phương giãn cách đã phải ở nhà trong thời gian dài, không được đi chơi, chạy nhảy nên rất bức bối về thể chất và tinh thần. Do vậy khi phải ngồi vào học trực tuyến sẽ xuất hiện tâm trạng gò bó, mệt mỏi, vừa học vừa chọc chỗ nọ, ngoáy chỗ kia…
Nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy, có tới 50 - 60% tai nạn thương tích với trẻ xảy ra tại chính ngôi nhà của các em như: Điện giật, cháy, bỏng, bị vật sắc nhọn đâm, ngã nhà cao tầng, ngộ độc hóa chất, thậm chí đuối nước trong nhà tắm...
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành hướng dẫn, quy chuẩn về ngôi nhà an toàn với trẻ. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để có hướng dẫn an toàn trong thời kỳ trẻ học trực tuyến; khuyến nghị Bộ KH&CN, Bộ TT&TT ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH
Bên cạnh đó, trong mùa dịch bệnh, các bậc cha mẹ cũng phải dành nhiều thời gian lo chuyện ăn uống sinh hoạt trong gia đình, thiếu thời gian chăm sóc, giám sát con.
Thậm chí, nhiều phụ huynh còn chủ quan mặc kệ con khi thấy chúng chỉ ngồi im trước máy tính, điện thoại...
Chưa hết, câu chuyện vốn dĩ tồn tại rất lâu trong hầu hết gia đình Việt Nam chính là môi trường sống không an toàn.
Từ điện hở, nước sôi, kim nhọn… tới thuốc uống người lớn, hóa chất để bừa bãi…
“Như vậy từ chủ thể bản thân trẻ nhỏ tới khách thể là phụ huynh rồi đến môi trường xung quanh cộng gộp lại khiến nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em rất cao”, ông An phân tích.
Trước bối cảnh trẻ học online kéo dài, ông An khuyến cáo: Các bậc cha mẹ hãy luôn để mắt tới con, đặc biệt trẻ nhỏ. Bởi chưa nói tới chuyện ảnh hưởng tới tính mạng mà nguy cơ dị tật thể chất hiện hữu như tật khúc xạ, gù vẹo, mỏi cơ…
Đáng nói, việc giám sát con khi học online cũng giúp phụ huynh có thể phòng ngừa trẻ có thể bị sa vào web đen trên mạng, gây ảnh hưởng tâm hồn và nhân cách về sau.
Đây cũng là trách nhiệm của bản thân giáo viên trong mỗi buổi học online nhằm nhắc nhở, cảnh báo các con tránh những tai nạn thương tích rình rập.
Chiều 12/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, từ vụ việc học sinh bị điện giật khi đang học trực tuyến, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nhắc nhở, dạy cho các em một số kỹ năng cơ bản, đặc biệt là hướng dẫn và hỗ trợ học sinh tiểu học trong quá trình sử dụng các thiết bị học tập cũng như thiết bị trong gia đình, đảm bảo an toàn, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.
“Bộ GD&ĐT cũng đang rốt ráo đốc thúc các đơn vị chức năng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn tại nhà, để các phụ huynh, thầy cô giáo cùng lưu ý triển khai. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, văn bản hướng dẫn không thể “ôm” hết vấn đề an toàn cho trẻ nhỏ mà mục tiêu quan trọng làm sao đảm bảo việc dạy và học online sao cho hiệu quả, nhất là khối học sinh tiểu học”, vị đại diện cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận