SMS được gửi từ đầu số Sacombank, web khách hàng vào cũng từ Sacombank
Sáng 27/1 Sacombank cho biết, sự cố mà khách hàng dùng thẻ Sacombank bị mất tiền do là do khách hàng đã nhập và làm theo các tin nhắn giả mạo được gửi từ đầu số Sacombank.
Cụ thể sau khi rà soát hệ thống Sacombank và hệ thống các đối tác cung cấp dịch vụ viễn thông cho Sacombank, Ngân hàng khẳng định những tin nhắn OTP giả mạo không được xuất phát từ Sacombank. Tuy nhiên, vấn đề là những tin nhắn giả mạo đó được gởi từ đầu số Sacombank.
Sacombank khuyến cáo các khách hàng tuyệt đối không bấm vào bất cứ đường link nào khác website ngân hàng điện tử chính thức isacombank.com.vn của Sacombank. Khách hàng cũng không cung cấp các thông tin bảo mật như mật khẩu, OTP, mã PIN thẻ… cho bất cứ ai kể cả nhân viên ngân hàng.
Khách hàng nên gõ địa chỉ chính thức vào trình duyệt web thay vì bấm vào link tạo sẵn được gửi qua tin nhắn SMS, email hay do các công cụ tìm kiếm đề xuất vì các đường link có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thực tế.
Trước đó, lúc 22h ngày 19/1, chị T.Q. tại Q.7, TP.HCM nhận được một tin nhắn từ hệ thống tin nhắn của Sacombank (SMS Banking) với nội dung: "Phat hien tai khoan cua ban dang nhap khac vung bat thuong, vui long dang nhap http://i-sacombank.com de xac nhan thong tin và thay doi mat khau".
Điều đặc biệt, tin nhắn này được gửi từ hệ thống tin nhắn của Sacombank chứ không phải một đầu số khác, do đó chị T.Q. đã tin tưởng và truy cập vào đường link web để đăng nhập tài khoản và mật khẩu.
Sau khi nhập tài khoản và mật khẩu, giao diện web hiển thị tiếp ô cần nhập mã OTP (mã xác nhận giao dịch). Sau đó cũng chính hệ thống SMS Banking của Sacombank gửi tin nhắn cấp mã OTP và vào trang web.
Chỉ vài giây sau, chị T.Q nhận được tin nhắn của Sacombank đã bị trừ hơn 38 triệu đồng và 1 tin nhắn tiếp nữa thông báo bị trừ phí chuyển khoản nhanh 13.200 VNĐ. Tất cả giao dịch từ đầu đến cuối đều là tin nhắn từ SMS banking của Sacombank.
Không chỉ chị T.Q. mà cũng có trường hợp tương tự khách hàng khác bị mất tiền như vậy tại Sacombank thông qua việc nhận được tin nhắn nhắn SMS Banking của Sacombank.
Trước đó khoảng 6 năm, một khách hàng tên N.T. ngụ tại P.4 Tân Bình cho hay, thẻ Visa Sacombank của chị đã hết hạn sử dụng, thế nhưng chị vẫn nhận được tin nhắn thông báo giao dịch. Nhưng do thẻ chị không dùng nữa nên không làm theo hướng dẫn...
Theo các chuyên gia, thủ phạm lừa đảo công nghệ ngày càng tinh vi. Trước đây, khi giao dịch ngân hàng sẽ yêu cầu xác minh mã số OTP được gửi qua số điện thoại của khách hàng được bảo mật cao. Nhưng nay tin nhắn giả mạo cũng được gửi từ chính đầu số của ngân hàng khiến khách hàng bị mất cảnh giác, không nghi ngờ. Nếu ngân hàng không có giải pháp kịp thời thì rủi ro mất tiền khi dùng thẻ của Sacombank rất cao.
Phía Sacombank khẳng định, hiện ngân hàng đang phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để tìm ra nguyên nhân sự cố cũng như giải pháp khắc phục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận