Số lượng phát hành báo giấy sụt giảm đang khiến lãnh đạo các tòa soạn đau đầu |
Gợi ý cho các đại biểu thảo luận, Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, những vấn đề như: Trách nhiệm cơ quan chủ quản, kinh tế báo chí... cần được quy định lại như thế nào? Hay như tuổi của các tổng biên tập nên như thế nào, vì thực tế có người 90 tuổi vẫn đang làm tổng biên tập.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí đều có chung đánh giá hiện phần lớn cơ quan báo chí đều gặp khó khăn, kể cả báo điện tử. Riêng báo in sụt giảm lượng phát hành theo từng tháng. “Làm tổng biên tập bây giờ khó hơn giám đốc doanh nghiệp nhiều, vừa phải quán xuyến nội dung để đúng định hướng, vừa phải lo tiền bạc để nuôi cán bộ, phóng viên”, Phó TBT Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc nói.
Theo ông Chúc, Luật Báo chí sửa đổi cần quy định cụ thể về trách nhiệm của cả người biên tập, thư ký. Bởi tổng biên tập rất nhiều việc, không thể đọc hết các bài nhưng hiện lại phải chịu trách nhiệm toàn bộ.
Theo Bộ TT&TT, hiện cả nước có 838 cơ quan báo chí in, 90 cơ quan báo chí điện tử và 67 đài phát thanh, truyền hình. Đội ngũ nhân lực làm việc tại cơ quan báo chí khoảng gần 40.000 người, trong đó có gần 18.000 người được cấp thẻ nhà báo. |
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, Luật Báo chí sửa đổi lần này cần phải điều chỉnh thế nào với blog cá nhân, trang tin điện tử. Vì hiện chưa điều chỉnh trong Luật báo chí.
Luật cũng cần có quy định riêng với từng loại hình báo chí. Nên có quy định riêng về thuế với báo chí. Báo nào phục vụ nhiệm vụ chính trị thì thuế giảm tối đa, còn với những báo phục vụ giải trí thì thuế phải khác, đồng thời có cơ chế tài chính hỗ trợ cho các báo làm nhiệm vụ chính trị.
Hiện mới chỉ có báo in được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, còn những loại hình khác thì vẫn cao.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: “15 năm trước khi làm luật không ai có thể tưởng tượng được ở bên này bán cầu có thể trò chuyện và nhìn thấy hình của người ở bên kia bán cầu. Vậy nay chúng ta sửa luật thì lường hóa những vấn đề phát triển của truyền thông thế giới thế nào. Rồi những vấn đề như báo chí hợp tác với doanh nghiệp như thế nào, vì như Đài Truyền hình VN cũng có công ty liên doanh, hợp tác sản xuất chương trình... Đây là một thực tế, vậy luật điều chỉnh thế nào?”, ông Đam nói, đồng thời đề nghị chính các cơ quan báo chí cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc góp ý sửa luật, để khi luật được trình QH có chất lượng tốt nhất.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, khẳng định việc sửa luật lần này nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, nhạy cảm (chỉ riêng việc quy hoạch báo chí được đặt ra từ năm 2006 nhưng nay mới trình Bộ Chính trị và sẽ trình Trung ương tại kỳ họp tới đây), nên rất cần sự góp ý của các cơ quan báo chí.
N.Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận