Thị trường

Lần đầu công bố Báo cáo thường niên FDI: Làm gì để "lót ổ đại bàng"?

10/05/2022, 13:54

Theo VAFIE, đầu tư mới là loại hình chủ yếu; Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tiếp tục là hình thức quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài…

Ngày 10/5, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (VAFIE) đã chính thức công bố Báo cáo thường niên về FDI năm 2021. Đây là lần đầu tiên Báo cáo này được công bố tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội VAFIE cho biết, báo cáo này phân tích môi trường đầu tư, gắn với cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI.

Từ đó, kiến nghị với nhà nước định hướng, chính sách, luật pháp theo hướng đổi mới và sáng tạo để gia tăng số lượng dự án và vốn FDI, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực FDI.

img

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (VAFIE)

GS-TSKH. Nguyễn Mại – người chủ biên báo cáo, Chủ tịch Hiệp hội VAFIE thông tin thêm, Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ ba trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI qua nhiều năm.

Tuy nhiên, đầu tư mới vẫn là loại hình chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong 3 năm 2019-2021. Cụ thể, chiếm tới 99% năm 2020 và 93,1% trong năm 2021 trong tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực chế tạo, phân phối điện, khí, cấp nước và điều hòa.

Các địa phương thu hút nhiều vốn FDI mới là Long An, Cần Thơ, Bắc Ninh và Quảng Ninh.

Ngoài ra, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tiếp tục là hình thức quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài…

Dù vậy, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%; FDI chủ yếu tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động rẻ, hưởng ưu đãi đầu tư;…. Vẫn còn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, ảnh hưởng đến môi trường...

Vì thế, để tiếp tục thu hút “đại bàng” trong bối cảnh hạn chế rủi ro từ cuộc chiến Nga- Ukraine, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới hay rủi ro từ lạm phát, Báo cáo đã xây dựng 3 giải pháp trọng tâm cho Việt Nam.

Đó là, hoàn thiện thể chế, luật pháp có liên quan đến FDI; Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng FDI; Nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước về FDI.

VAFIE cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định về Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI...

Trong năm 2021, vốn đăng ký FDI đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%, vốn thực hiện đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020.

Khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.