QL2 đoạn Tuyên Quang - Hà Giang sau khi được nâng cấp bằng nguồn vốn do WB tài trợ và thực hiện theo mô hình mới |
Dự án bảo trì QL2 qua Tuyên Quang - Hà Giang do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ là dự án đầu tiên thực hiện theo mô hình “quản lý mục tiêu” - tức là Nhà nước sẽ khoán cho nhà thầu thi công xây lắp thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng và chỉ quản lý chất lượng cuối cùng. Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đây sẽ là mô hình thí điểm mẫu để chuẩn hóa hệ thống quốc lộ tại Việt Nam.
Tín hiệu tích cực từ dự án đầu tiên
Ngày 1/10, trực tiếp có mặt tại QL2 từ Tuyên Quang đi Hà Giang, PV Báo Giao thông ghi nhận, chất lượng của tuyến đường được cải thiện đáng kể, chẳng khác một tuyến đường được đầu tư, xây mới với lớp áo đường khá êm thuận, hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, biển báo ATGT khá đồng bộ. Điều này khác xa với hơn một năm trước, đi từ Hà Nội lên Hà Giang theo tuyến QL2 bằng xe ô tô sẽ phải mất từ 7 - 8 giờ với những cung đường rất xấu và cong cua. Giờ thời gian di chuyển có thể rút ngắn khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đây chính là kết quả của Dự án bảo trì QL2 từ Km163 - Km 287, đoạn chạy qua tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nằm trong Dự án quản lý bảo vệ tài sản đường bộ Việt Nam do WB tài trợ được thực hiện theo hình thức quản lý theo mục tiêu (PPC).
"Tổng cục Đường bộ VN đang đề nghị Bộ GTVT làm đề án “Chuẩn hóa quốc lộ Việt Nam” nên dự án này là dự án mẫu để chuẩn hóa các tuyến quốc lộ ở Việt Nam. Điều này sẽ khiến chất lượng của các tuyến đường đảm bảo an toàn hơn cho người tham gia giao thông”. Ông Nguyễn Văn Huyện |
Ông Vince Crosdale, Giám đốc Dự án quản lý tài sản đường bộ VN (VRAM) cho biết: “Hiện, công tác thảm mặt đường đã được thực hiện xong và đang bàn giao cho nhà thầu bảo trì. Tuy nhiên, công tác giám sát thực hiện bảo trì vẫn được tư vấn dự án tiến hành kiểm tra hàng tháng. Chúng tôi đi dọc tuyến nếu phát hiện sai sót sẽ đánh dấu lại và thông báo nhà thầu. Nếu nhà thầu không đáp ứng được tiêu chí đã đưa ra sẽ phải chịu mức giảm trừ vào các khoản thanh toán hàng tháng”.
“Với hình thức bảo trì theo quản lý mục tiêu chất lượng, lợi ích của nhà thầu là phải bảo đảm chất lượng tốt nhất và phải tự tìm ra sai sót để sửa chữa. Bên cạnh đó, nhà thầu phải đảm bảo công tác ATGT trên tuyến, có báo cáo tư vấn về sự cố hay ATGT nếu không muốn bị giảm trừ các khoản thanh toán”, ông Vince Crosdale nói thêm.
Ông Phạm Duy Hưng (thôn Minh Hạnh, xã Việt Minh, Bắc Quang, Hà Giang) chia sẻ: “Tôi thấy dự án này làm rất nhanh, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trước đây, mặt đường nhiều ổ gà, mỗi khi trời mưa xuống nước đọng tràn mặt đường rất bẩn. Ngày nắng, khói bụi mù mịt, đường nhiều ổ gà, thường xuyên xảy ra TNGT. Khi tuyến đường hoàn thành TNGT cũng giảm hẳn”.
Mô hình kiểu mẫu theo tiêu chuẩn quốc tế
Thông tin sâu hơn về mô hình quản lý dự án này, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban QLDA 3 cho biết, theo hợp đồng dự án, nhà thầu triển khai xây lắp 1 năm, còn lại 4 năm làm công tác bảo trì. Vì xác định thời gian gắn bó lâu dài với tuyến đường nên buộc nhà thầu phải đảm bảo được chất lượng trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, do còn 4 năm thực hiện công tác bảo trì sau khi hoàn thành xây lắp nên thời gian gắn bó với tuyến đường này còn dài. Vì vậy, công tác quản lý chất lượng cũng được Ban QLDA thực hiện nghiêm ngặt. Thực tế, đoạn tuyến này đã trải qua một mùa nóng và một mùa mưa nhưng toàn bộ 124km chưa có hiện tượng rạn nứt, hằn lún vệt bánh xe. Công tác bảo trì được thực hiện hàng ngày nên cọc tiêu, biển báo, rãnh thoát nước được Ban QLDA yêu cầu nhà thầu xây lắp phải thường xuyên kiểm tra, có báo cáo, thậm kiểm tra chéo lẫn nhau để tuyến đường luôn đảm bảo tốt nhất.
“Nếu trước đây, tất cả các hợp đồng xây lắp chỉ gắn trách nhiệm nhà thầu với Ban QLDA trong quá trình thi công. Có thể cũng có những dự án bảo hành 2 - 4 năm nhưng các ràng buộc về kinh tế không cao như loại hợp đồng này. Đối với dự án này, sau khi được nghiệm thu, hoàn thành thi công, chỉ được thanh toán 90% còn 10% giữ lại để bảo hành. Qua mỗi năm, Ban QLDA vẫn cùng nhà thầu đi kiểm đếm lại, nếu chất lượng còn tốt mới giảm dần tiền bảo hành trong vòng 4 năm. Đây là một đặc thù mà chưa có hợp đồng nào của Việt Nam áp dụng”, ông Trường cho biết.
Đại diện nhà thầu, ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú cho biết: “Sau khi nghiệm thu công trình, chúng tôi sẽ bảo hành trong 4 năm dưới sự giám sát của Tổng cục Đường bộ VN. Do vậy, chúng tôi không thể xem nhẹ chất lượng vì nếu chất lượng công trình không tốt, nhà thầu sẽ là đơn vị bị thiệt hại”.
Đánh giá về mô hình bảo trì mới này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết: Dự án bảo trì quốc lộ sử dụng nguồn vốn do WB tài trợ được triển khai trên QL2, QL6, QL18 theo hình thức đấu thầu theo tiêu chuẩn quốc tế và có sự giám sát quốc tế. Tổng cục Đường bộ VN đã chỉ đạo tất cả các hệ thống quản lý làm đúng theo quy trình của quốc tế. Công tác đầu tư và hệ thống cống rãnh, hệ thống ATGT, biển báo hướng dẫn rất đầy đủ. Sau 1 năm xây dựng cơ bản, công tác bảo trì đã bắt đầu được thực hiện và sẽ kéo dài trong 4 năm.
“Mô hình quản lý theo mục tiêu chất lượng công trình trên QL2 thành công sẽ là mô hình kiểu mẫu trong quản lý bảo trì đường bộ sau này”, ông Huyện nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận