Thời sự Quốc tế

Lần đầu tiên Indonesia công bố chiến lược thành trung tâm vaccine thế giới

16/09/2021, 16:38

Indonesia đang làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng 6 công ty dược phẩm khác để trở thành trung tâm sản xuất vaccine hàng đầu toàn cầu.

Chi tiết chiến lược

Theo hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin công bố chi tiết tham vọng của Jakarta trong phát triển vaccine.

Ông Budi Gunadi Sadikin cho biết, Indonesia sẽ khởi động sáng kiến bằng cách ưu tiên mua vaccine Covid-19 từ các công ty có chia sẻ công nghệ và xây dựng cơ sở sản xuất tại quốc đảo Đông Nam Á.

Theo ông Budi, các công ty dược phẩm của Indonesia đang đàm phán với nhiều nhà sản xuất và phát triển vaccine trên thế giới như Anhui, Walvax, Sinovac, Genexine, Arcturus Therapeutics và Novavax. Phạm vi làm việc bao gồm từ đóng gói và hoàn thiện cơ bản đến sản xuất giai đoạn đầu và nghiên cứu - phát triển.

“Chúng tôi cũng tìm kiếm cơ hội đối với vaccine AstraZeneca và mở cửa với đối tác Pfizer. Indonesia đón chào tất cả các doanh nghiệp”, ông Budi nói.

img

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cầm lọ vaccine Astra Zenecca. Ảnh - Reuters/Moch Asim, Antara Foto.

Cùng lúc, Indonesia cũng làm việc với WHO để hiện thực hoá tham vọng vaccine, trở thành một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu cho vaccine sử dụng công nghệ mới mRNA.

Lãnh đạo ngành Y tế Indonesia đã trực tiếp vận động Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến thăm Châu Âu vào đầu tháng 9.

Ông Sadikin cho biết: “Sau khi WHO chọn Nam Phi là địa điểm đầu tiên, tôi đã nói luôn, về mặt lô-gic, Indonesia nên là địa điểm thứ hai”.

WHO đang chú trọng xây dựng trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine trong chiến lược phân phối vaccine rộng rãi trên toàn cầu, củng cố năng lực sản xuất vaccine thế hệ mới mRNA (như vaccine của Pfizer, Moderna) tại các quốc gia đang phát triển, từ đó nhanh chóng đối phó với biến chủng virus mới.

Theo quan chức cấp cao WHO, cơ sở sản xuất vaccine Covid-19 tại Nam Phi sẽ tập trung sao chép loại Moderna (Mỹ) nhưng tình hình đàm phán với công ty Mỹ chưa tiến triển nên còn mất khá nhiều thời gian.

Điểm mạnh của Indonesia là gì?

Reuters dẫn lời một đại diện WHO xác nhận, Indonesia là một trong 25 nước thu nhập trung bình thấp bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm vaccine nhưng từ chối nhận định đây có phải ứng viên tiềm năng dẫn đầu hay không.

Nhấn mạnh về lợi thế của mình trong cuộc đua vaccine, ông Budi cho biết, Indonesia sẽ là địa điểm rất tốt để xuất khẩu thuốc miễn dịch ra khắp thế giới, đặc biệt vì đây là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất toàn cầu và có thể đảm bảo các mũi tiêm phù hợp theo tiêu chuẩn đạo Hồi.

Hơn nữa, lâu nay, Indonesia đã kiên trì xây dựng chuyên môn về vaccine mRNA cùng các loại vaccine sử dụng công nghệ sản xuất vector virus như Astra Zeneca.

img

Bên trong một nhà máy của Bio Farma. Ảnh - Foto: Antara/M Agung Rajasa

Ông Bambang Heriyanto, lãnh đạo Bio Farma – doanh nghiệp dược phẩm do nhà nước sở hữu lớn nhất Indonesia – xác nhận đã và đang tiến hành nhiều hoạt động đàm phán.

Giai đoạn đầu tiên đó là hợp tác về chuyển giao công nghệ. Sau đó, sẽ mất từ 2-3 năm để xây dựng nhà máy sản xuất vận hành hoàn chỉnh, ông Bambang Heriyanto cho biết.

Lãnh đạo ngành y tế Indonesia khẳng định sẽ tận dụng vai trò là Chủ tịch nhóm các nước G20 vào tháng 12 tới để thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu cũng như chuẩn bị, đề phòng nguy cơ đại dịch tiếp diễn.

“Không ai có thể đảm bảo SARS-CoV-3 hay 4 không xảy ra”, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia nói thêm.

Indonesia đã và đang là một trong 4 đất nước Châu Á đang phải hứng chịu đợt bùng phát dịch nặng nề nhất. Tính đến nay, đất nước đông dân nhất khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận hơn 4,1 triệu người nhiễm, 139.000 người tử vong.

Tỉ lệ nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 đang giảm mạnh tại Indonesia trong vài tuần qua. Song, tỉ lệ dân số Indonesia được tiêm phòng vaccine đầy đủ chỉ chiếm 25% (trong tổng 208 triệu dân). Mục tiêu tiêm phòng trước mắt còn rất xa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.