Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Ngày 17/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ động gọi điện thoại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để cảm ơn ông chủ Nhà Trắng về thông tin mật báo, giúp an ninh Nga chặn đứng một âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào TP St. Petersburg.
Tình cảm nồng ấm giữa mùa Đông giá lạnh
Ngày 17/12, Điện Kremlin và Nhà Trắng đều phát đi tuyên bố cho biết, an ninh Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo cho Nga giúp Moscow chặn đứng một vụ tấn công bằng bom có thể gây chết người ở TP St. Petersburg. Đây là một biểu hiện công khai hiếm hoi cho thấy sự hợp tác của hai nước bất chấp những căng thẳng sâu sắc.
Vụ tấn công lẽ ra được thực hiện nhắm vào Giáo đường Kazan, ở TP St. Petersburg. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ sở Bạch Dương.
Theo hãng thông tấn Mỹ AP, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, có tổng cộng 7 nghi phạm theo nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị bắt và bị buộc tội lên kế hoạch tấn công khủng bố ở St. Petersburg vào cuối tuần vừa qua.
Cơ quan an ninh Nga cho biết, các nghi phạm đã âm mưu một vụ đánh bom tự sát ở nhà thờ Kazan và một loạt các vụ nổ khác ở các khu vực tụ tập đông người ngay trước dịp lễ Giáng sinh theo lệnh IS. Họ đã tìm thấy trong một căn hộ của các nghi phạm với nhiều chất nổ, vũ khí tự động và tài liệu về tư tưởng cực đoan.
Như vậy, thông tin tình báo từ Mỹ đã giúp Nga ngăn được vụ khủng bố nếu xảy ra sẽ cướp đi nhiều sinh mạng vô tội, gây rối loạn cho một thành phố lớn của Nga. Điều này là một dấu hiệu cho thấy Moscow và Washington bắt đầu có những kết quả tích cực khi hai nước hợp tác với nhau.
AP dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho hay, trong cuộc gọi “mang tính lịch sử” của Tổng thống Nga Putin cho người đồng cấp Mỹ Donald Trump, ông Putin còn gửi lời cảm ơn tới Giám đốc CIA Mike Pompeo và các nhân viên điều tra tài năng của CIA - những người đã thu thập thông tin về những kẻ khủng bố nguy hiểm nói trên.
Thông tin của CIA cung cấp cho Nga diễn ra vào thời điểm khi mối quan hệ Nga-Mỹ đã bị tổn hại xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh, đặc biệt sau sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, ủng hộ những người ly khai thân Nga ở Ukraine cũng như cáo buộc từ Mỹ cho rằng, Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để giúp ông Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton vào cuối năm 2016.
Mối nguy từ tư tưởng cực đoan
Những ngày gần đây, một số kênh truyền hình Nga đã phát sóng một vài video chất vấn các nghi phạm. Trong đó, một nghi phạm có tên Yevgeny Yefimov, 18 tuổi đã khai nhận: “Nhiệm vụ của tôi là chế tạo chất nổ, đặt nó trong chai và gắn thêm nhiều mảnh bom”. Cơ quan FSB đã tìm thấy một bình chứa kim loại mà các nghi phạm sử dụng trong phòng thí nghiệm để chế tạo những quả bom chết chóc.
Một số nghi phạm khác đến từ các khu vực Hồi giáo chủ yếu ở vùng mất ổn định phía Bắc Caucasus của Nga và một người đàn ông đến từ quốc gia Tajikistan thuộc Liên bang Xô Viết (cũ), giáp với Afghanistan.
Tuần trước, FSB cho biết, họ cũng bắt giữ một số nghi can liên quan đến IS ở Moscow. Các nghi can này bị cáo buộc lên kế hoạch cho một loạt các vụ đánh bom tự sát trùng với lễ mừng năm mới.
Trước đó, hồi tháng 4/2017, 16 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương khi một vụ nổ xảy ra trong một toa tàu điện ngầm trong một đường hầm tại St. Petersburg.
Cảnh sát Nga nói rằng, một số nghi phạm gây ra vụ nổ đến từ các nước với đa số dân là người Hồi giáo ở Trung Á từng thuộc Liên bang Xô Viết.
Tuy thông tin tình báo của Mỹ đã giúp Nga chặn được một âm mưu tấn công khủng bố nhưng chưa thể “nhổ cỏ tận gốc” vấn nạn này, ngay cả với bản thân nước Mỹ cũng vậy.
Mối nguy hại thực sự nằm ở tư tưởng Hồi giáo cực đoan được lan truyền ngầm thành một mạng lưới, không chỉ ở Nga, mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Trong cuộc điện đàm ngày 17/12, ông Putin nói rằng, Nga sẵn sàng thông báo cho nhà chức trách Mỹ biết nếu họ nhận được thông tin về bất cứ vụ tấn công nào đang được lên kế hoạch nhắm vào Mỹ.
Theo các chuyên gia khủng bố quốc tế, nguy cơ về các “mầm họa” khủng bố vẫn còn rất tiềm tàng và khó phát hiện ở bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là sau khi tổ chức IS bị đánh bật khỏi khu vực Trung Ðông.
Những phần tử bị nhiễm tư tưởng cực đoan có thể thực hiện âm mưu các cuộc tấn công một cách đơn lẻ, khiến các cơ quan an ninh, tình báo khó phát hiện.
Mới đây nhất, ngày 11/12, Akayed Ullah, người nhập cư 27 tuổi từ Bangladesh, đã đặt bom ở ga tàu điện ngầm New York, trả đũa cho các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào tổ chức IS ở Syria.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận