Thời sự Quốc tế

Lần đầu tiên Mỹ điều oanh tạc cơ tập trận gần khu vực tranh chấp Ấn-Trung

21/04/2023, 14:04

Hai máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh B-1B của Mỹ bất ngờ được điều tới tham gia cuộc tập trận "Cope India" ở gần biên giới Trung - Ấn.

Oanh tạc cơ B-1B sẽ thực hiện nhiệm vụ gì?

Báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn các nguồn tin cho biết, hai máy bay ném bom B-1B đang ở Bangalore, miền Nam Ấn Độ, sẽ tham gia cuộc tập trận chung do lực lượng Mỹ và Ấn Độ tiến hành cách biên giới Trung Quốc chưa đầy 700 km.

Các máy bay sẽ tham gia giai đoạn diễn tập không chiến từ ngày 13-24/4 tại Căn cứ Không quân Kalaikunda của Ấn Độ - nằm ở phía Đông bang Tây Bengal, giáp với Bangladesh và Bhutan.

Đây sẽ là lần đầu tiên B-1B Lancer tham gia một cuộc tập trận ở Ấn Độ.

img

Không quân Mỹ quyết định cho ngừng hoạt động các máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer.

Nhật Bản, một đối tác quan trọng khác trong quan hệ Mỹ - Trung, cũng tham gia vào cuộc tập trận quân sự "Cope India" nhưng ở vai trò là người quan sát.

Ấn Độ và Nhật Bản đều là các thành viên của “Bộ tứ kim cương” (Quad) – một khối an ninh do Mỹ dẫn đầu với mục đích duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Song Trung Quốc chỉ trích "Bộ tứ kim cương" là đại diện cho tâm lý chiến tranh lạnh và 100% lỗi thời.

Chuyên gia Trung Quốc nói gì về động thái đặc biệt của Mỹ?

Giới quan sát nhận định động thái đưa máy bay ném bom của Mỹ tham gia cuộc tập trận này nhấn mạnh mong muốn của Washington nhằm thúc đẩy Ấn Độ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc nhưng New Delhi khả năng cao sẽ giữ vị thế cân bằng.

Nhận định về động thái đặc biệt này từ Mỹ, Cựu huấn luyện viên Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc Tống Trung Bình cho biết: "B-1B là máy bay ném bom chiến lược, vì vậy dù nó có tỷ lệ tham gia (trong các cuộc tập trận) tương đối thấp do phải bảo dưỡng nhiều, song nó thể hiện khả năng tấn công sâu chiến lược mạnh mẽ hơn và khả năng tấn công bên ngoài khu vực phòng thủ”.

“Mục đích của Mỹ khi điều máy bay ném bom chiến lược này là nhấn mạnh mối quan hệ đối tác đang ngày càng phát triển với Ấn Độ và việc hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược", theo ông Tống.

Thậm chí, chuyên gia này nhấn mạnh, rõ ràng, ý định của Mỹ là khiêu khích mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, khuyến khích Ấn Độ thực hiện chiến lược tấn công đối với Trung Quốc.

“Điều Trung Quốc cần quan tâm nhất là mức độ hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ kéo dài và kiên định như thế nào” - ông Tống nhận định.

Tờ SCMP cho biết, Mỹ đang đóng vai trò hỗ trợ cho Ấn Độ trong căng thẳng biên giới giữa nước này với Trung Quốc.

Năm 2020, khi xảy ra xung đột biên giới tại Ladakh, quân đội Mỹ đã chia sẻ thông tin với các lực lượng Ấn Độ về hoạt động quân sự của Trung Quốc trong vùng núi này, theo hồi ký của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vừa công bố năm ngoái.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.