Dịch Covid-19 đã lan ra gần như khắp các quốc gia trên toàn thế giới. Cứ mỗi tin tức về ca nhiễm tại những điểm dịch mới lại khiến người dân các nước lo sợ, thậm chí hoảng loạn đến mức nháo nhào đi mua tích trữ nhu yếu phẩm, trong đó có giấy vệ sinh. Chính việc đổ xô chen chúc này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Mạng xã hội “đổ dầu vào lửa”?
Tình trạng một số nhóm người ra sức tích trữ lương thực đang xảy ra tại gần như tất cả các quốc gia kể cả các nước đã phát triển như: Australia, Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc…
Những mặt hàng “cứ bày ra là hết” phải kể đến là nước khử trùng, giấy ăn, lương thực (gạo, mỳ…). Đáng chú ý, lần đầu tiên, giấy vệ sinh đã trở thành mặt hàng được tích lũy nhiều nhất vì lo sợ thiếu nguồn cung.
Nhu cầu trội lên đột ngột khiến nhiều chủ cửa hàng, người bán chưa kịp bổ sung nguồn cung ứng. Thậm chí, tại đặc khu hành chính Hong Kong, các băng nhóm vũ trang phi pháp còn thực hiện hành vi cướp bóc ngay khi xe hàng tới siêu thị. Bạo lực cũng xảy ra tại Sydney, Australia khi một người rút dao đe doạ trong khi ẩu đả do tranh giành hàng hoá.
Tình trạng “sốt” giấy vệ sinh cũng xảy ra tại Nhật - một đất nước vốn nổi tiếng vì sự trật tự và văn minh. Cảnh tượng này từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu năm 1973.
Theo các chuyên gia tâm lý, tích trữ là phản ứng tự nhiên của con người trong lúc lo lắng cực độ. “Khi chúng ta mua sắm, những thứ gần gũi với con người nhất tạo cảm giác thoải mái, bất kể đó là thực phẩm, sản phẩm chăm sóc thân thể hoặc trong trường hợp này là giấy vệ sinh” - ông Adam Ferrier, một nhà tâm lý học làm việc tại Melbourne chuyên nghiên cứu hành vi tiêu dùng cho biết.
Sở dĩ nhiều người nhao đi mua giấy vệ sinh vì “kích cỡ của mặt hàng này lớn giúp chúng ta cảm thấy như đã mua sắm được một thứ cần thiết và lớn lao, tạo cảm giác đã làm được một việc gì cần thiết đó để bảo vệ bản thân, gia đình và phần nào kiểm soát được tình hình” - ông Ferrier nói thêm.
Các chuyên gia tâm lý khác tại Singapore là Roland Bouffanais và Lim Sun Suncho thì cho rằng, một nguyên nhân khác đó là do mạng xã hội đã “đổ dầu vào lửa” làm thổi bùng nỗi lo sợ thiếu giấy vệ sinh cũng như một số mặt hàng thiết yếu.
Chính quyền các nước đã làm gì?
Trước sự lo lắng thái quá của người dân tại nhiều nước, chính phủ cùng doanh nghiệp đã hợp tác để định hướng lại hành vi cũng như trấn an dư luận. Tại Nhật Bản, Bộ Kinh tế nước này mở chiến dịch cộng đồng kêu gọi người dân bình tĩnh; đăng tải hình ảnh xe tải nườm nượp chở giấy vệ sinh tới các cửa hàng cung ứng trên khắp cả nước lên tài khoản Twitter để trấn an người dân.
“Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới khách hàng rằng, hàng hoá vẫn đang được vận chuyển thêm theo từng ngày”, phát ngôn viên Bộ Kinh tế Nhật, ông Yasushi Nozawacho biết và một lần nữa khẳng định, Nhật không thiếu hụt nguồn cung giấy vệ sinh. “Toàn bộ hệ thống phân phối đều nỗ lực để bắt kịp nhu cầu. Hàng hoá đã chất đầy trong kho. Chúng tôi đề nghị tăng gấp đôi sản lượng giao hàng hàng ngày từ 20 triệu cuộn lên 40 triệu cuộn” - ông Nozawa khẳng định.
Mặt khác, sự lo sợ thái quá của người dân khiến không ít chính trị gia châu Á đưa ra những bình luận thẳng thắn đến bất ngờ. Chẳng hạn, tại Singapore, truyền thông địa phương từng dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing đã chỉ trích hành vi tích trữ của người dân trong cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp. “Tại sao lại tích trữ giấy vệ sinh? Chả lẽ khi ăn hết gạo, mỳ ăn liền thì sẽ bị tiêu chảy?” - ông nói.
Sau 1 tuần căng thẳng vì mua sắm tích trữ, chuỗi siêu thị lớn nhất của Nhật Bản Aeon đã phải dùng đến biện pháp xếp các túi giấy 12 cuộn thành chồng lớn tại khu vực trưng bày nổi bật nhất ở một số cửa hàng để trấn an khách hàng rằng, hàng hoá còn rất nhiều.
“Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu tối đa nỗi sợ của con người nên chúng tôi xếp chồng giấy vệ sinh lên thành những tháp cao khổng lồ để họ biết là nguồn cung vẫn tràn trề” - người phát ngôn Aeon Daisuke Yokota.
Tại Australia, các cửa hàng, siêu thị lớn hiện đã phải hạn chế tăng nguồn cung bất thường trong những ngày qua bằng cách quy định mỗi người chỉ được mua một túi/gói giấy vệ sinh mỗi lần vào siêu thị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận