Thông tin trên được nêu tại công văn mới nhất của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) gửi UBND TP.HCM với nội dung kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Theo kế hoạch ấn định, dự kiến tháng 7 năm nay MAUR sẽ đưa tuyến metro số 1 vào vận hành khai thác thương mại. Tuy nhiên, trong bản kế hoạch chi tiết trình UBND TP, MAUR nêu: Trong quý III sẽ rà soát kết quả đánh giá an toàn hệ thống công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý, bảo dưỡng chủ chốt...
Cùng với đó, các hạng mục còn lại chưa được Hội đồng kiểm tra Nhà nước nghiệm thu nên chưa thể cho tàu vận hành.
Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện và đưa metro số 1 vận hành khai thác vào năm 2024, chủ đầu tư MAUR kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành phối hợp, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc liên quan đến điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Đồng thời, MAUR đề nghị nhà thầu gói CP3 (nhà thầu Hitachi Nhật Bản) hoàn thành các nội dung công việc để đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành khai thác như: đánh giá an toàn hệ thống công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý, bảo dưỡng chủ chốt...
Sau 3 lần gia hạn, đây là lần thứ 4 tuyến metro số 1 dời lịch khai thác vận hành.
Theo MAUR, để bảo tiến độ thực hiện và đưa metro số 1 vận hành khai thác, từ đây đến hết tháng 9, các nhà thầu phải hoàn thành dự án, kiểm tra nghiệm thu, đánh giá công trình với các hạng mục cơ sở vật chất và chỉ dừng ở bước vận hành thử nghiệm. Công trình hiện đạt 97% tổng khối lượng.
Dự kiến trong quý IV, metro số 1 được đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến.
Các đoàn tàu của tuyến metro số 1 sản xuất tại Nhật Bản, mỗi đoàn tàu gồm 3 toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Tuyến tàu điện này sử dụng hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu có công nghệ đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan...
Hệ thống này dựa vào truyền thông không dây, truyền tin hai chiều theo thời gian thực về vị trí, tốc độ đoàn tàu, khoảng cách giữa các tàu để điều khiển trong quá trình vận hành.
Theo thiết kế, đoạn trên cao tuyến metro số 1 cho tàu chạy tốc độ tối đa 110km/h và 80km/h với đoạn ngầm.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đã được khởi động nhiều năm nay. Tuyến này có tổng chiều dài khoảng 11,3km, đi qua địa bàn 6 quận (1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú).
Hiện chủ đầu tư đang khẩn trương làm thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư cho những người dân bị ảnh hưởng liên quan đến dự án metro số 2.
Tuyến metro số 1 dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).
Toàn tuyến metro số 1 có 3 ga ngầm, 11 ga trên cao: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia TP.HCM, Bến xe Suối Tiên.
Metro Bến Thành - Suối Tiên và những lần dời lịch vận hành:
Năm 2007, dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 17.387 tỷ đồng. Năm 2009, tổng mức đầu tư tăng lên 47.325 tỷ đồng.
Năm 2012, khởi công xây dựng dự án và dự kiến hoàn thành năm 2017, đưa vào vận hành khai thác năm 2018.
*Năm 2019, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm còn 43.757 tỷ đồng và quyết định lùi ngày hoàn thành, đưa vào khai thác đến quý IV/2022.
*Tháng 4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, lùi thời gian hoàn thành tuyến cuối quý IV/2023, cam kết không phát sinh chi phí.
*Tháng 10/2023, tiếp tục xin gia hạn thời gian thi công sang năm 2024 và đặt mục tiêu khai thác thương mại vào tháng 7/2024.
*Đến nay, MAUR xác định: không thể vận hành vào tháng 7 mà phải chuyển sang quý IV/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận