Xem - ăn - chơi

Lan tỏa sự tử tế của người Việt

10/11/2017, 07:58

Người Việt tử tế là cuốn sách gồm 52 câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày....

25

Nhà văn Nguyễn Một và nhà báo Lê Thanh Phong

Người Việt tử tế là cuốn sách gồm những câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, được nhà báo Lê Thanh Phong và nhà văn Nguyễn Một chắp bút. 52 câu chuyện là 52 bài học về sự tử tế mà mỗi người đều có thể bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày của chính mình.

Nói mặt xấu cũng để tử tế hơn!

Giết người, cướp của, trộm cắp, vô cảm, tham nhũng… là những thông tin không hiếm gặp trên các phương tiện báo chí truyền thông hiện nay. Trước một cuộc sống bất toàn, lắm điều tiêu cực đang được trưng ra trên truyền thông, nhà báo Lê Thanh Phong đã cùng nhà văn Nguyễn Một quyết định phải làm điều gì đó cho cuộc sống vui hơn. Thế là, cả hai bắt tay cho ra đời những cuốn sách Người Việt tử tế. Cuốn sách gồm những bài viết, những câu chuyện về sự tử tế mà hai tác giả đã chứng kiến hoặc trải nghiệm. Người Việt tử tế ra đời với mục đích “để mọi người cùng nhìn nhận, nhắc nhở nhau sống đúng, sống đẹp với thái độ xây dựng, bằng tấm lòng quảng đại và sự chân thành, chắc chắn sẽ thay đổi được những hành vi chưa đúng, chưa đẹp còn tồn tại”.

"Sống tử tế không khó, đừng đổ cho xã hội, mà phải xem lại chính bản thân mình. Nói một câu xin lỗi, xin vui lòng, xin cảm ơn có gì là khó. Đừng xả rác, biết xếp hàng và đúng giờ có gì là khó? Để cho sự tử tế lan tỏa, chỉ có cách duy nhất là mỗi người hãy sống tử tế, mỗi ngày cố gắng làm một việc tử tế."

Nhà báo Lê Thanh Phong

Thoạt nghe tên Người Việt tử tế, hẳn nhiều người sẽ nghĩ tất cả là những câu chuyện về lòng tốt, sự tử tế, nhưng không phải vậy. Vẫn có những câu chuyện mà đọc xong sẽ khiến không ít người giật mình tự hỏi, người Việt trở nên xấu xí đến vậy từ lúc nào. Họ ăn cắp ở sân bay, ăn trộm khi đi du lịch ở nước ngoài, hút thuốc lá nơi công cộng, chen lấn để giành giật “nửa chiếc bánh xe” khi lưu thông trên đường… Nhà báo Lê Thanh Phong lý giải, việc nêu những chuyện chưa tử tế là một cách khơi gợi cảm xúc, phê phán trên tinh thần xây dựng để cộng đồng sống tử tế hơn. Mọi người phải đối mặt với những việc xấu, hành vi tiêu cực, phân tích để thấy được tác hại của nó đối với cộng đồng. Anh khẳng định, những câu chuyện được viết ra đều từ thực tế, có nhân vật, sự kiện, mỗi chuyện đều là những điều để suy nghĩ. Thế nhưng, câu chuyện khiến anh trăn trở nhiều nhất chính là trong bài viết “Hãy làm gì để lấy lại danh dự đi!”.

“Bạn biết không, người Việt Nam ra nước ngoài ăn cắp ở các siêu thị bị bắt, rồi xả rác, dẫm lên cỏ, tranh nhau ăn tiệc buffet, đến nỗi nhiều nước phải ghi vào bảng bằng tiếng Việt để cảnh báo. Thậm chí, tại một nhà hàng buffet ở Singapore, tôi đọc bảng cảnh báo bằng tiếng Việt là “Để thức ăn thừa sẽ bị phạt tiền”. Người Việt chúng ta ra nông nỗi thế này sao?”, anh chua chát.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Một lại thủ thỉ kể về những bài học từ thuở niên thiếu anh đã trải qua cho tới bây giờ. Từ những bài học đầu đời như “học ăn, học nói” tới những câu chuyện tưởng chừng rất giản đơn như dừng lại và ngả nón chào một xe tang qua đường, không đánh phụ nữ, biết nói lời xin lỗi khi làm sai và cảm ơn khi người khác giúp đỡ mình… Rõ ràng, ai cũng biết đó là những việc làm tử tế, nhưng không phải ai cũng làm được hay chịu làm.

Thế nào là sự tử tế?

Đại văn hào Mark Twain từng khẳng định: “Sự tử tế là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể đọc”. Năm 1987, phim điện ảnh tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy ra mắt đã gây “sốt” trong công chúng. Bộ phim đi vào thân phận của những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội để đi tìm khái niệm “thế nào là sự tử tế?”. Đã ra đời cách đây 30 năm, nhưng phim vẫn còn nguyên tính thời sự khi hiện nay, sự tử tế vẫn luôn là đề tài nóng khiến nhiều người trăn trở trong sự phát triển của xã hội hiện đại.

Có thể nói, trong xã hội hiện nay, khi những hành vi và lối sống thiếu chuẩn mực, người ta lại càng tha thiết kêu gọi sự tử tế từ mỗi cá nhân con người. Sự tử tế ấy không cần phải đao to búa lớn, mà có thể xuất phát từ chính những hành động giản dị hàng ngày chúng ta giao thiệp. Như quan niệm của nhà văn Nguyễn Một, tử tế không phải là làm những điều to tát cao siêu, mà làm những điều giản dị trong cuộc sống và bất cứ ai cũng có thể làm được. Một cử chỉ thân thiện, lời nói lịch sự, một hành động giúp đỡ, cử chỉ chia sẻ với tha nhân… Tất cả đều là tử tế.

Còn với nhà báo Lê Thanh Phong, anh tin người Việt Nam chỉ cần làm được ba việc thì đất nước sẽ trưởng thành. Đó là không xả rác, đúng giờ và biết xếp hàng. Anh ngao ngán: “Sự tử tế chỉ giản dị như vậy thôi nhưng mãi vẫn không làm được”. Theo Lê Thanh Phong, khi xã hội đang tồn tại những điều xấu khiến người ta phải lên tiếng phê phán,thì càng cần “thuốc thang” bằng những điều tử tế. “Tôi không dám nghĩ rằng cuốn sách nhỏ này có tác dụng như một thang thuốc để điều trị chứng suy đồi đạo đức, nhưng ít ra nó cũng giúp người đọc điều chỉnh hành vi. Dù chỉ một người cảm nhận những câu chuyện của cuốn sách và sống tử tế thôi cũng đã quý lắm rồi”, anh bộc bạch.

Rõ ràng, khi sự tử tế được nhân rộng trong xã hội, cuộc sống cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn, lịch sự và văn minh hơn. Sống tử tế, mỗi người không chỉ góp phần giúp xã hội tiến bộ hơn mà còn tìm thấy được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Và lẽ dĩ nhiên, như lời Lê Thanh Phong, những điều đó chỉ có người tử tế mới cảm nhận được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.