Hàng trăm, hàng ngàn đội nhóm từ thiện hình thành; hàng ngàn tấn rau, củ quả từ khắp nơi được đưa về TP HCM, tất cả đều miễn phí… Những nghĩa cử cao đẹp, nhân ái đó đã giúp cho biết bao người vơi đi nỗi khốn khó giữa lúc dịch bệnh hoành hành.
Đoàn Phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức hỗ trợ thực phẩm cho người dân khó khăn
Tấm lòng “tương thân tương ái”
Tối 25/7, hơn 34 tấn rau quả từ Đà Lạt về TP HCM của nhóm thiện nguyện Nhà báo & Doanh nghiệp chung tay phát động hướng về Sài Gòn.
Tưởng mọi chuyện êm xuôi, bỗng nhiên xe tải bể bánh, về trễ 3 tiếng. Đêm, hàng chục tấn rau trên xe, cần người bốc dỡ. Ai nấy lúng túng, các thành viên nữ đã rơi nước mắt…
Bối rối nhưng chị Nguyễn Lê Na - một doanh nghiệp trong nhóm, lập tức lên facebook cầu cứu.
Ngay trong đêm, rất nhiều người dù không quen biết đã tức tốc liên lạc. Hàng tập kết ở Nhà Bè, có người từ Bình Thạnh chạy qua lúc nửa đêm, rất xa.
Khoảng 20 bạn trẻ tập hợp, kịp dỡ 34 tấn hàng xuống để chia ra phân phối đi các quận, huyện khi tờ mờ sáng. Vị chi mỗi người bốc khoảng 1,5 tấn hàng. “Rất xúc động”, chị Lê Na nói.
Nhóm thiện nguyện của TP Thủ Đức mỗi ngày nấu hàng trăm suất cơm tặng người dân trong khu cách ly
Nhóm thiện nguyện của chị là nhóm gồm các nhà báo và doanh nghiệp. Ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Ai có xe thì góp bằng xe chuyên chở như đội xe bán tải Nam Á, taxi Thành Hưng.
Doanh nghiệp nào có xe cũng huy động luôn như Địa ốc Tài Tuân, chỉ đêm 25 rạng 26/7 đã chạy 4 chuyến liên tục ở gần 20 điểm ở các quận, huyện…
Rồi các nhóm thiện nguyện khác hay tin, cùng chung tay giúp đưa rau cũ kịp đến các nơi, từ khu dân cư đến nơi cách ly, phong tỏa, nhất là các bếp ăn từ thiện.
Chị Lê Na cho biết, trong những ngày tới, nhóm sẽ đưa 20 tấn rau ngót từ Gia Lai về TP HCM: “Nhóm vừa làm nhiệm vụ giúp đỡ thực phẩm cho bà con TP HCM, vừa là mua giúp nông sản cho bà con nông dân bởi điều kiện vận chuyển khó khăn, rau củ vào vụ mà không thu hoạch thì cũng chết!”.
Nhóm nhà báo và các doanh nghiệp chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn đội, nhóm được hình thành mới đây tại TP HCM.
Đến nay, dù TP HCM đang thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, các điều kiện hoạt động hỗ trợ cộng đồng khắt khe hơn nhưng các nhóm vẫn duy trì.
Ngoài các đội, nhóm tự phát như trên, ở các quận, huyện, phường còn có các nhóm nhỏ, hoạt động ở phạm vi hẹp.
Ngay từ khi dịch bùng phát, Đoàn Thanh niên của phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức đã tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân.
Anh Nguyễn Quang Linh, Bí thư Đoàn phường Hiệp Phú cho biết, từ cuối tháng 5, Đoàn phường đã hỗ trợ được gần 3.000 phần quà cho người dân trong khu cách ly, người bán vé số, công nhân, những người bị “mắc kẹt” lại thành phố. Mỗi phần quà gồm thực phẩm thiết yếu như: Mì, gạo, dầu ăn, trứng, rau, củ quả...
Nối tiếp hành trình tình nguyện, gian hàng 0 đồng được đặt tại các khu phong tỏa, khu cách ly trên địa bàn phường. Nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ thuê xe 3 bánh, xe bán tải cho đoàn viên tự lái đưa “Gian hàng 0 đồng di động” đến tận nhà dân.
Hay anh Nguyễn Giang Sơn, Đội trưởng Đội Bảo vệ Khu công nghệ cao TP Thủ Đức cũng đã cùng với nhóm bạn thành lập đội “Thiện Tâm”, đi quyên góp để giúp đỡ những người khó khăn.
Từ đầu mùa dịch đến nay, nhóm đã tặng 1.200 phần quà, mỗi phần quà trị giá 200.000 - 250.000 đồng.
Những suất ăn đượm nghĩa tình
Nhóm từ thiện phát rau đến các khu nhà trọ
Từ 4h30 sáng, các tình nguyện viên nhóm y, bác sĩ thiện nguyện và nhóm những người bạn phường Long Bình, TP Thủ Đức đã có mặt tại bếp ăn nghĩa tình để chuẩn bị 200 phần cơm.
Mỗi người một việc, cùng nhau mang đến bữa cơm miễn phí cho công nhân, người lao động trong các khu nhà trọ bị cách ly, phong tỏa trên địa bàn phường.
Anh Đặng Đức Tính, Bí thư Đoàn phường Long Bình chia sẻ, bếp ăn đã trao 2.800 suất cơm và tiếp tục đến khi hết dịch.
Từ khi TP HCM giãn cách xã hội, mỗi ngày, anh Châu Hoàng Du, chủ nhà hàng Thớt (phường Bến Thành, quận 1) ủng hộ 200 suất cơm cho lực lượng chống dịch của phường.
Sau gần 2 tháng, anh cũng đuối vì vừa trả lương cho 8 nhân công vừa lo gạo, thức ăn nhưng vẫn đang cố. “Tới đâu hay tới đó, còn giúp được thì giúp, hết sức thì nghỉ!”, anh Du chia sẻ.
Không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều người khốn khó do ảnh hưởng của đại dịch, bà Nguyễn Thị Hòa (quận 10) bàn với các thành viên trong gia đình góp tiền nấu cơm phát cho những hộ nghèo và người bán vé số, xe ôm...
Điểm phát cơm của bà ở trước hẻm 523 đường Nguyễn Tri Phương vào 10 giờ mỗi ngày. Bà Hòa chia sẻ, gia đình không khá giả, cũng phải buôn bán chạy cơm từng ngày. Tuy nhiên, thấy nhiều người còn khổ hơn mình nên đã giúp đỡ mọi người trong khả năng cho phép.
Những hành động trên không còn là hiếm giữa Sài Gòn vốn nghĩa tình, nhân ái.
Trên các con đường, ngõ nhỏ hay giữa trung tâm TP, ngày ngày đều có vô vàn suất cơm, thùng nước, tủ bánh mì miễn phí hay những cây ATM gạo miễn phí, siêu thị - cửa hàng 0 đồng, điểm sửa xe, quán ăn miễn phí cho người nghèo và người khuyết tật...
Doanh nghiệp tham gia bằng “quân chủ lực”
Gian hàng 0 đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn tại các khu cách ly
Ngày 25/7, đội tàu cao tốc Greenlines DP đã tập kết gần 40 tấn rau quả tại bến Bạch Đằng, TP HCM.
Trước đó, hãng tàu này cũng nhập về đây 20 tấn hàng từ các tỉnh miền Tây về bằng đường thủy. Đây là những chuyến tàu vận chuyển thực phẩm miễn phí của hãng tàu “cứu viện” cho TP HCM những ngày đầu giãn cách.
Ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Greenlines DP cho biết, đội tàu vận chuyển là 5 chiếc tàu cao tốc cao cấp chở khách, được công ty gỡ bỏ hàng ghế chở người, lấy sàn chở rau củ.
“Người TP HCM cần rau để ăn và người miền Tây cần thu hoạch rau để bán. Chúng tôi kết nối bằng công sức, nhân tài vật lực của mình để phục vụ cộng đồng”, ông Hải bày tỏ.
Sở GTVT TP HCM đánh giá đây là một kênh vận chuyển quan trọng để “chia lửa” với đường bộ trong vận chuyển hàng hóa trong điều kiện cần thiết, nhất là lúc dịch bệnh chia cắt các địa phương.
Cũng trong thời gian này, trên đường bộ, đội quân chủ lực của Công ty Kamaz Việt Nam huy động hàng chục xe tải hạng nặng với gần trăm lượt xe, từ các tỉnh hướng về Đà Lạt, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, chở hàng ngàn tấn rau quả tại vườn đưa về phục vụ nhân dân TP HCM.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, việc làm này vừa giải quyết vụ thu hoạch cho bà con nông dân và các doanh nghiệp, vừa ứng cứu, không để TP HCM khan hiếm thực phẩm.
Trong khi đó, Kamaz Việt Nam đưa đội xe chuyên chở miễn phí. “Chúng tôi coi đây là trách nhiệm xã hội”, lãnh đạo Kamaz Việt Nam cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận