Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, nhiều người dân đang tất bật làm cá khô để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bởi đây là một trong những mặt hàng đặc sản chủ lực của “xứ biển Gành Hào”.
Thị trấn Gành Hào cũng là một trong những làng nghề truyền thống, chuyên sản xuất thực phẩm khô nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn lan rộng sang một số địa phương lân cận như: Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Tuy nhiên, không khí năm nay có vẻ trầm lắng hơn so với mọi năm, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng ghe vào bờ cũng ít hơn mọi năm. Trong quá trình làm cá khô, người dân luôn thực hiện 5K để chủ động phòng, chống dịch.
Các loại cá tươi nguyên liệu được các hộ gia đình thu mua từ các ghe hàng trên địa bàn thị trấn Gành Hào.
Phân loại cá làm khô.
Cá làm khô được sắp xếp cẩn thận, phơi đặng nắng mới bảo đảm thơm ngon, hương vị thu hút khách hàng.
Các loại đặc sản khô như: khô cá lù đù, khô cá rún, khô cá khoai, cá đuối, cá sặc bổi, cá dứa, cá lưỡi trâu,... Ngoài ra, còn có các loại tôm khô, mực khô.
Nghề làm cá khô ở thị trấn Gành Hào không chỉ góp phần đa dạng hóa các mặt hàng phục vụ thị trường, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền (người dân ở ấp 1, thị trấn Gành Hào) chia sẻ, chị làm nghề khô đã được khoảng 20 năm qua, năm nay nguồn cá để làm khô so với những năm trước ít hơn, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một phần biển động không đi được.
Cá tươi được rửa sạch, muối nước đá, sau đó sáng để ráo, ướp gia vị sau đó mới đem đi phơi, bảo đảm chất lượng, giữ gìn thương hiệu sản phẩm. Mùa này đặng nắng, dễ phơi hơn.
“Hiện tại, tôi chỉ làm khô cá đuối, cá lưỡi trâu, cá lù đù. Đối với cá đuối giá bán sĩ khoảng 180.000 đồng/kg, còn bàn lẻ khoảng 200.000 đồng/kg. Thời điểm cận Tết có thể nhích lên chút đỉnh, nhưng bảo đảm giá hợp lý”, chị Tuyền chia sẻ thêm.
Khô cá lưỡi trâu được phơi bằng nắng và gió biển mang hương vị rất ngon, đảm bảo chất lượng được người dân quan tâm sử dụng.
Khô được xếp ngăn nắp trên sàn chờ phơi nắng.
Chủ một vựa khô có tiếng ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết, hiện tại vựa cũng đã bắt đầu phân phối khô đi các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Nai. "Năm nay, dù có ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, có nhiều đơn hàng bị hủy, nhưng giá cả các mặt hàng khô ổn định, không tăng giảm giá, chủ yếu khách hàng mua khô mực, tôm khô, khô cá đuối, khô cá khoai…", chủ vựa khô cho biết thêm.
Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, mặc dù địa phương nới lỏng giãn cách, nhưng địa phương vẫn khuyến cáo bà con trong hoạt động sản xuất phải thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K của Bộ Y tế, ưu tiên bảo đảm an toàn phòng dịch bệnh là trên hết. Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phục hồi sản xuất sau dịch
“Đối với huyện Đông Hải, làm cá khô gắn với đánh bắt thủy hải sản. Đây cũng là thế mạnh và là mặt hàng chủ lực của huyện, nhằm phát triển kinh tế của ngư dân ven biển”, ông Hán nói.
Cũng theo ông Hán, thời gian qua, huyện cũng khuyến cáo bà con trong quá trình làm khô phải đảm bảo chất lượng, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm, ý thức bảo vệ sản phẩm của mình, có như vậy mới giữ được lâu bền nghề làm khô, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận