Chiều 19/10, Phóng viên Báo Giao thông trở lại làng chài Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam), một trong hai xã ven biển có nhiều ngư phủ không may mắn trong phiên biển vừa qua. Số phận 13 ngư dân mất tích vẫn đau đáu với những người thân và bà con lối xóm.
Thay cha làm điểm tựa tinh thần cho mẹ
Trong căn nhà cấp 4 của vợ chồng bà Nguyễn Thị Đào và Nguyễn Văn Diễn (xã Tam Quang) ba ngày qua trở nên trống vắng dù bà con lối xóm, bạn bè lần lượt đến thăm, động viên bà vượt qua nỗi đau.
Như người mất hồn khi nghe hung tin chồng mình là ông Diễn nằm trong số 13 ngư dân mất tích trong chuyến đi giông bão, lòng bà Đào ngổn ngang. Người đàn bà cao lớn, từng là hậu phương vững chãi để chồng yên tâm mưu sinh trên biển, giờ như đã gục ngã.
Đôi mắt đỏ hoe, tay chân rũ rượi, hai hôm nay bà không tài nào nuốt nổi hột cơm. Bà Đào nấc nghẹn: "Anh ơi, hứa đi chuyến này nữa rồi về nghỉ ngơi, qua mùa mưa đi lại. Sao giờ thế này anh ơi!".
Những ngày chồng mưu sinh trên biển cùng bạn chài, bà Đào xin vào làm việc tại một xưởng làm lưới ở xã Tam Tiến vá lưới thuê kiếm thêm từng đồng để cùng chồng vun đắp hạnh phúc gia đình. Nhưng cái ngày định mệnh 17/10 ập đến.
"Hôm ấy tôi đang vá lưới cho người ta thì có người báo tàu cá chồng tôi bị lốc đánh chìm, mọi người trên tàu trôi tứ xứ, không liên lạc được với ai. Nghe tin mà tim tôi thắt lại. Tôi chạy vội về xã Tam Giang nghe ngóng. Ban đầu trong danh sách những ngư dân mất tích không có chồng mình. Long tôi nhẹ đi phần nào, cầu mong may mắn đến với gia đình tôi. Nhưng sau họ báo lại chồng tôi mất tích. Trời ơi, anh ơi!", bà Đào bật khóc.
Ngồi bên cạnh an ủi người hàng xóm, bà Hòa không kìm được cảm xúc, thấy bà Đào bật khóc, đôi mắt bà Hòa cũng đỏ hoe, bà nén cảm xúc động viên hàng xóm: "Cố gắng lên chị ơi. Chị ngã xuống ai lo cho các cháu".
Những người bà con chòm xóm hết sang nhà bà Đào động viên và lo cơm nước rồi lại chạy sang nhà bà Định Thị Thọ (vợ ngư dân Đặng Tấn Tới, là thuyền viên gặp nạn trên tàu cá QNa-901.29TS.
Căn nhà nhỏ người người lui tới, bà Thọ như người mất hồn, không nói được thành lời khi có ai đó thăm hỏi, động viên.
Hàng xóm cho biết, ông Đặng Tấn Tới, chồng bà Thọ đi biển gần nửa đời người. Từ thuở bé ông đã lênh đênh sóng biển mưu sinh, những con sóng dữ năm nào không làm ông gục ngã, nhưng trận lốc xoáy oan nghiệt hôm rồi đã nhấn chìm lão ngư phủ một đời ngang dọc biển cả.
Không còn đủ sức lực để gào khóc nữa, sợ bà gục ngã trước hung tin, hàng xóm nấu cháo, ép bà ăn để lấy lại sức lo cho gia đình.
Ngồi cạnh bên, anh Đặng Thế Công (con trai ông Tới) dẫu lòng như nổi sóng nhưng vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ để động viên mẹ. Anh Công cho biết, từ hôm hung tin ập đến, cả nhà vẫn chưa thể tin được chuyện đau lòng này.
Nhưng rồi, nhìn bên thấy mẹ và các chị đau đớn, anh phải ghìm lòng thay cha làm chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Anh tỏ ra cứng cỏi để an ủi từng người.
Thắp lên bàn thờ gia tiên nén nhang, chàng trai trẻ lẩm bẩm trong miệng lời nguyện cầu: "Ông bà phù hộ cho cha con thoát nạn. Nếu cha không còn trên cõi đời này nữa thì phù hộ để các chú, các bác ngoài biển tìm thấy thi thể cha đưa về".
Khấn xong, chàng trai chạy vội ra hiên nhà bật khóc. "Giờ chỉ mong sớm tìm được cha tôi đưa về với gia đình, giờ không biết tình hình cha tôi trôi dạt ở hướng mô (nào) ở ngoài biển khơi. Thật sự lúc này tôi cũng chẳng biết nói gì, ngoài lời cầu nguyện cho cha tôi được bình an", chàng trai trẻ nói đến đó rồi lại bật khóc.
Chúng tôi mất đi những hàng xóm tốt bụng
Con đường bê tông dẫn về làng chài Tam Giang vốn dĩ nhộn nhịp, người đi kẻ lại bán buôn rôm rả, nhưng hai ngày qua không khí ở đây trở nên im ắng. Hơn 2/3 dân số làm nghề biển nối tiếp truyền thống cha ông. Nói như những lão ngư đã "nghỉ hưu" thì đấy là cái nghiệp của đàn ông xứ này.
Giã từ nghề biển hơn 5 năm nay, nhưng với ông Nguyễn Đông, xã Tam Giang thì những người bạn chài không may mất tích trong chuyến đi biển hôm 17/10 vừa qua chẳng khác nào quả đấm thép vào lồng ngực ông, khiến ông vô cùng đau đớn.
"Chúng tôi là hàng xóm của nhau, nhưng thời gian gần gũi, trò chuyện cùng nhau, thậm chí là sống chết cùng nhau còn nhiều hơn với vợ con. Hơn 2/3 thời gian trong năm chúng tôi lênh đênh trên biển, làm bạn với sóng nước. Nên tình cảm anh em bạn chài ngày càng gắn chặt. Nay cái xóm nhỏ này mất cùng lúc 2 ngư dân, buồn lắm", giọng ông Đồng chùng xuống.
Còn ông Nguyễn Tấn Trị, xã Tam Giang, người đàn ông từng có hơn 20 năm "ăn sóng nói gió" bảo rằng, nghiệp biển có lúc tưởng chừng giàu có, tưởng chừng sung túc là vậy khi phiên biển trở về đầy ắp. Nhưng cái nghề này cũng bạc lắm, nó con như con sóng mùa nước lũ ấy, cô đơn, hiu quạnh một mình nơi biển cả suốt đêm. Tờ mờ sáng thì chủ tàu mới đến rước.
"Nghề này đêm cày ngày ngủ, tôi cũng từng lênh đênh trên biển với các bạn chài xấu số. Tôi tuổi già nên "về hưu", còn các bạn chài thì không còn nữa. Đời ngư phủ khi gác nghề mới biết mình còn sống chú ơi. Đám ngư dân già chúng tôi lại mất đi những chiến binh trên biển cả rồi", giọng ông Trị khàn đặc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận