Chất lượng sống

“Làng đò đu dây” giữa Hà Nội sắp thành ký ức

07/04/2018, 06:10

Dù chỉ cách trung tâm TP Hà Nội chừng hơn 20km nhưng hàng chục năm nay, người dân các xã Tả Thanh Oai...

20

Ông lái đò Phạm Văn Đại

Dù chỉ cách trung tâm TP Hà Nội chừng hơn 20km nhưng hàng chục năm nay, người dân các xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) và xã Mỹ Hưng, Cự Khê (huyện Thanh Oai) ngày ngày vẫn đi lại trên những chiếc đò tạm bợ để qua sông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT…

Nhắm mắt vượt sông

Sáng 5/4, PV Báo Giao thông ghi nhận dọc hai bờ sông Nhuệ đoạn qua các xã Tả Thanh Oai, Mỹ Hưng, Cự Khê dài chừng 7km nhưng có tới 5 bến đò do người dân tự mở. Từ chục năm nay họ đã quen với việc vượt sông trên những con đò tạm bợ.

Tại 2 đầu bến đò nối chùa Dâu (xã Tả Thanh Oai) với xã Mỹ Hưng có 2 chiếc biển làm bằng gỗ gắn trên thân cây ghi số điện thoại của lái đò Phạm Văn Đại (Mỹ Hưng, Thanh Oai). Nhận được điện thoại của khách, dáng người mảnh khảnh và dù bước chân có phần khó khăn vì bị tật, ông Đại vẫn nhanh nhảu xuống đò, vịn vào chiếc dây thép nối 2 bờ sông để sang sông đón khách.

Tuyến đường Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh được UBND TP Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ dài khoảng 7,5km, điểm đầu giao với QL1, thuộc khu vực thôn Nhị Châu, xã Liên Ninh; điểm cuối giao với đường quy hoạch dọc sông Nhuệ tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.

Làm nghề chèo đò từ năm 1965, ông Đại cho biết, những ngày chưa có cầu nối hai bờ, nghề chèo đò đã giúp ông nuôi sống cả gia đình. Khi nhu cầu đi lại, giao thương của người dân tăng dần, ông Đại và nhiều hộ khác cũng chọn nghề lái đò làm kế sinh nhai. “Ban đầu vẫn dùng mái chèo, nhưng khi xe đạp, xe máy phổ biến, mỗi chuyến đò trở nên nặng nề, tôi nghĩ ra cách đóng cọc cố định ở 2 bờ sông để buộc dây vào rồi cứ thế vịn vào dây mà đưa đò và khách qua sông”, đứng chênh vênh trên mũi đò, ông Đại kể và cho biết, có những chuyến ông chở cả 6-7 chiếc xe máy, chưa kể người; giá đi đò của một người và xe từ 5 - 7 nghìn đồng.

Theo quan sát, chiếc đò ông Đại dùng chở khách là đò xi măng, đáy đò được lát một tấm phên nứa, 2 bên thành đò có hàng gỗ chắn giúp khách bám vào khi di chuyển. Ông chia sẻ, chiếc đò này được làm từ năm 1999 và được ông sử dụng đến tận bây giờ.

Ngồi trên chiếc đò chòng chành giữa dòng nước đen sóng sánh bốc mùi hôi nồng nặc vì ô nhiễm, qua đoạn sông rộng khoảng 7m, PV Báo Giao thông nhiều lần thót tim vì chiếc cọc nối dây vịn cứ rung lên từng hồi khi đò di chuyển. Và dù ở xã Tả Thanh Oai hiện đã có 2 cây cầu nối hai bờ sông Nhuệ là cầu Mỹ Hưng (xã Mỹ Hưng) và cầu tạm đi chung với đường sắt (xã Tả Thanh Oai) cách nhau chừng 8km nhưng nhiều người dân các xã Tả Thanh Oai, Mỹ Hưng, Cự Khê vẫn chọn cách qua sông bằng đò vì “tiện”.

Chị Hoa, một tiểu thương sống tại xã Cự Khê, buôn bán ở xã Tả Thanh Oai cho biết, chị bán gà, vịt tại chợ Tả Thanh Oai từ nhiều năm nay. “Hàng hóa chỉ có một chiếc sọt với mấy con gà, vịt, ngày nào đắt hàng thì bán được vài con, ngày ế thì chẳng bán được con nào mà phải đạp xe hay đi xe máy đường vòng qua cầu đường sắt, cầu Mỹ Hưng thì tốn thời gian và xăng lắm. Cứ vịn đò qua sông là tiện nhất, trước đây, chưa có cầu, người già, trẻ em ở đây ai ai cũng từng nhắm mắt vượt sông vì không còn sự lựa chọn nào khác”, chị Hoa kể.

Theo tìm hiểu, thói quen di chuyển của người dân các xã này đã kéo dài suốt mấy chục năm nhưng mãi đến năm 2015, cầu Mỹ Hưng mới được UBND huyện Thanh Oai khởi công xây dựng để nối liền với huyện Thanh Trì. Dù vậy, cầu Mỹ Hưng cũng chỉ phục vụ được nhu cầu đi lại cho một số ít người dân các xã Mỹ Hưng, Cự Khê vì khoảng cách khá xa với khu dân cư.

Nhịp cầu sắp nối bờ vui

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lưu Quý Hợi, Phó chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết, xã đã biết về tình trạng tồn tại một số bến đò tự phát của người dân, cũng mong muốn sớm có cầu để đi lại nhưng vì ngân sách xã hạn hẹp nên việc làm cầu vẫn phải chờ ngân sách từ huyện và thành phố.

“Sông Nhuệ tuy không có sóng lớn nhưng đã bị ô nhiễm nặng, việc người dân di chuyển bằng đò cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên dù nhiều năm nay chưa ghi nhận một tai nạn đò nào trên địa bàn nhưng UBND xã cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chế sử dụng phương tiện này”, ông Hợi nói và cho biết, tới đây, biệt danh “làng đò đu dây” sẽ không còn nữa, bởi một cây cầu mới sắp được dựng lên tại khu vực chùa Dâu trong dự án đường Đại Áng - Liên Ninh - Tả Thanh Oai của UBND huyện Thanh Trì. Dự kiến, tới cuối năm 2019 cây cầu này sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.