Anh Huy bên chiếc tủ gỗ và cuốn thư thiếp vàng trị giá 300 triệu đồng |
Một vốn... chục lời
Tại khu Tân Tiến, trung tâm xã Hải Minh, có hàng chục cửa hàng buôn bán đồ cổ nằm san sát, trưng bày hàng trăm món từ đồng đến sành sứ, nhiều món giá trị vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Trong hàng trăm món tại cửa hàng đồ cổ Sao Huy, nhiều món được định giá vài trăm triệu đồng như cuốn thư thiếp vàng giá 300 triệu đồng; tủ áo ba buồng gỗ trắc 300 triệu đồng; đôi chóe gốm sứ giá 250 triệu đồng; câu đối khảm ốc 150 triệu đồng…
Anh Trần Lưu - Phó Chủ tịch Hội Cổ vật Thiên Trường cho biết, ở Hải Minh có khoảng 50 trùm buôn bán đồ cổ, chưa kể hàng trăm “cò” chuyên môi giới, săn lùng đồ cổ về bán “lướt” lại cho các “trùm”. Ngoài ra, Hải Minh còn có khoảng 1.000 hộ làm đồ giả cổ cao cấp. |
Hay dưới nếp nhà ngói thoạt trông rất bình dị của anh Trần Lưu, nhẩm sơ cũng thấy đồ cổ dùng làm nội thất, trang trí, sử dụng có tổng giá trị vài chục tỷ đồng, như bộ bàn ghế uống nước khảm trai và tủ chè nạm ốc mỗi món 1 tỷ đồng, sập gụ chạm trổ 700-800 triệu, đôi chóe sứ 300 triệu đồng...
Nhớ lại những ngày đầu kinh doanh đồ cổ, anh Huy - chủ cửa hàng Sao Huy kể, hôm ấy, có một bà lão tay ôm khư khư chiếc túi cám con cò đến tiệm. Lần giở túi lấy ra một chiếc điếu cổ gốm sứ tích vẽ chim hoa, bà lão ngỏ ý muốn bán giá 1 chỉ vàng. Vui mừng nhận 1 chỉ vàng ra về, bà lão không biết rằng, vài ngày sau chiếc điếu đã được anh Huy bán giá 1 cây vàng. Vụ buôn bán đầu tiên “một vốn mười lời” đã khiến anh Huy gắn duyên với những chiếc điếu cổ, để rồi trở thành biệt danh Huy “điếu” như hôm nay. Một “trùm” đồ cổ khác là ông Thiện kể đã từng mua được chiếc bát cổ chế tác từ thời vua Thiệu Trị nhờ lần hành nghề đồng nát tại Thái Bình, giá mua cũng 1 chỉ vàng và giá bán tới 1,2 cây vàng.
Anh Lưu tiết lộ, nhiều người sở hữu đồ cổ nhưng không biết giá trị nên dân buôn có cơ hội “trúng đậm”, lãi có thể gấp 10-20 lần vốn bỏ ra, thậm chí hơn. “Chính vì thế, nhiều dân buôn đồ cổ trở thành tỷ phú chỉ sau vài năm gia nhập nghề. Ở Hải Minh, những tỷ phú đồ cổ tầm 35-45 tuổi, có trong tay vài chục tỷ đồng không hiếm”, anh Lưu khoe.
Xuất ngoại săn đồ cổ
Tuy nhiên, anh Lưu cũng chia sẻ, nhiều món đồ cổ, anh phải mất hàng chục năm “săn” mới có duyên được sở hữu. Như chuyện mua đồ cổ ở nhà cụ Lang Thành, huyện Trực Ninh, Nam Định, anh đã dượm ý từ hàng chục năm trước, nhưng cụ Lang không ưng bán. Kiên trì làm thân với gia đình, đến khi cụ bà ốm, anh sang chơi, ngồi chờ từ 8h sáng đến 11h30 mới khẽ khàng vào thưa chuyện, lúc đó mới được ông bà đồng ý chuyển nhượng cho 10 món đồ sứ cổ.
Kinh nghiệm của dân buôn đồ cổ, đã rời nhà phải ôm theo tiền, gia chủ đồng ý bán là phải chồng tiền, không mặc cả, chần chừ hay rời đi là rất khó để mua được nữa. Bởi người có đồ cổ thường lưu luyến món đồ của mình, rất dễ thay đổi quyết định; hoặc trong gia đình đó sẽ có người cản phá, không muốn bán. Do đó, dân buôn đồ cổ thường phải đi 2 - 3 người, người này thuyết phục không được thì người kia lại vào. Gia chủ đồng ý bán, sẽ có người lập tức tháo đồ, ôm chạy trước, người còn lại trả tiền sau. “Tôi đã từng mua một bộ cửa, gia chủ đồng ý bán, tôi lập tức tháo cánh cửa ôm chạy vượt qua bãi tha ma về nhà, để cậu em ở lại trả tiền và tháo nốt phần bản lề sau. Lúc đó, gia chủ có thay đổi quyết định cũng không được nữa “, anh Huy kể.
Để lùng được một món đồ cổ, thực hiện giao dịch thành công là cả một hành trình nhọc nhằn. Những trùm đồ cổ như Huy “điếu”, Ngoạn “đồng hồ”, Trọng “cửa”... thường phải “đi sứ” hàng tháng, dọc ngang các ngõ phố, quán xá, sang cả Lào, Thái Lan... Đóng vai đồng nát để săn đồ cổ cũng là kế được dân buôn đồ cổ ưa chuộng, vì họ dễ dàng xâm nhập địa bàn, phát hiện, tìm kiếm đồ cổ. Vì thế, sẽ chả có gì là lạ khi hàng ngày, vẫn thấy các tỷ phú đồ cổ Hải Minh rời xe hơi, nhà lầu, bước xuống chiếc xe máy, xe đạp cà tàng “đi sứ” khắp nơi...
Hải Quỳnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận