Đường sắt

Lặng lẽ giữ cho tàu qua những cây cầu an toàn

01/06/2016, 18:18

Trưa, toa tàu dập dình, lắc lư như đưa võng, khiến mắt tôi díu chặt lại, chỉ muốn một giấc ngủ ngon lành...

11

Tàu qua đèo Hải Vân

Trưa, toa tàu dập dình, lắc lư như đưa võng, khiến mắt tôi díu chặt lại, chỉ muốn một giấc ngủ ngon lành. Nhưng tàu qua Lăng Cô rồi, sắp lên đèo Hải Vân. Không thể bỏ qua cơ hội ngắm biển trời bao la, xanh ngắt cùng cây cối hoang dại đẹp đến nao lòng từ ô cửa con tàu đang trườn đi giữa lưng chừng đèo.

Tàu vẫn lăn bánh chầm chậm qua đèo. Hành khách dán mắt vào ô cửa, không ngại ngùng reo lên thích thú trước cảnh đẹp thiên nhiên. Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng tôi lại thấy cả hình ảnh người công nhân đường sắt đang giơ cờ làm tín hiệu đón tàu mỗi khi tàu qua một cây cầu sắt nhỏ. Nhìn xuống qua cửa kính, chỉ thấy cái lan can bằng sắt đã nâu xì vì nắng gió thời gian và dưới nữa là vực sâu thẳm hay con suối, nước chảy hiền hòa.

Chiều ra, khi tàu qua đèo, trời đã tối đen. Dẫu không thấy người nhưng thấy ánh sáng cây đèn người công nhân giơ lên đón tàu khi qua cầu, lòng tôi thấy an tâm hẳn.

Một cán bộ quản lý cầu đường ngành Đường sắt cho biết, trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam còn nhiều cây cầu sắt cũ như thế, to thì bắc qua sông, nhỏ qua con suối, cái khe, thậm chí hẻm núi, vực sâu. Có cây cầu đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có cây cầu được xây dựng từ thời kháng chiến chống Mỹ. Mưa lũ dễ gây xói lở mố, trụ cầu đã đành, ngay cả với những cầu bắc qua khe, qua vực, lở núi, sạt đá cũng dễ phá kết cấu cầu. “Nếu không có lực lượng tuần gác thường xuyên chốt trực, kiểm tra, không may sự cố xảy ra, hậu quả thật khó lường”, người cán bộ nhấn mạnh.

Còn anh Đoàn Thanh Bảo, nhân viên tuần cầu cầu Sông Vệ (Km 941+273, Quảng Ngãi) do Cung cầu đường Hòa Vinh Tây (Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình) quản lý cho biết, người tuần cầu khi lên ban phải kiểm tra thanh, dầm, nhịp bên trên đến mố, trụ bên dưới cầu, thậm chí từ cái bu lông, để phát hiện kịp thời những hư hỏng, báo đơn vị sửa chữa, đảm bảo an toàn cho tàu qua.

Anh Bảo chia sẻ: “Nghề tuần cầu như chúng tôi tự chịu trách nhiệm là chính vì toàn ở xa dân, 12 tiếng đồng hồ lên ban có một mình, cũng buồn chứ. Nhưng ngoài những lúc đón tàu, mình phải tự giác đi tuần, có đảm bảo an toàn mới yên tâm cho tàu qua. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa lũ nguy hiểm lắm, không biết nước lũ phá cầu lúc nào”.    

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.