Quản lý

Lắng nghe, nói tiếng nói của người lao động

24/07/2016, 14:17

Công đoàn phải luôn đứng về quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

IMG_4856

Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đường sắt Hà Ninh Trịnh Văn Hoàn trao quà cho người lao động tham gia chiến dịch chống xóc lắc

Thâm niên làm công tác Công đoàn chuyên trách không nhiều, khoảng 10 năm, nhưng những năm tháng trưởng thành từ công nhân đường sắt, lăn lộn trên các công trường, khiến ông Trịnh Văn Hoàn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đường sắt Hà Ninh thấu hiểu, gắn bó và luôn chia sẻ cùng người lao động, kể cả những lúc khó khăn nhất.

Công đoàn phải biết lắng nghe

Ông Hoàn hóm hỉnh kể: “Mình trưởng thành từ anh công nhân kĩ thuật nên đố ông cung trưởng nào “bắt nạt” được mình, đã góp ý cái gì là phải đúng, phải trúng. Nhưng phải hiểu anh em cần gì để có tiếng nói với lãnh đạo tạo điều kiện cho người lao động, nên được cái thuận là anh em cũng tin tưởng”.

Theo ông Hoàn, làm Công đoàn không khó nhưng cũng không phải dễ. Công đoàn phải luôn đứng về quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhưng không cẩn thận sẽ sa vào đòi hỏi chế độ. Do đó, phải nắm chắc các qui định pháp luật. Ngoài thường xuyên đến hiện trường nắm bắt tình hình người lao động, BCH Công đoàn còn họp hàng quý ngay tại cơ sở với sự tham gia đầy đủ của Công đoàn, chuyên môn, người lao động tại khu vực. Người lao động kiến nghị nhiều lắm, nhưng cán bộ Công đoàn phải biết lắng nghe, rà soát, xem kiến nghị nào cần ưu tiên trước rồi đến tận nơi tìm hiểu cho xác thực.

“Làm công tác Công đoàn rất rộng, nhưng cũng phải chuyên sâu nên không chỉ chăm chăm mỗi nghiệp vụ Công đoàn, cán bộ Công đoàn cần phải đồng hành cùng chuyên môn, doanh nghiệp”, ông Hoàn chia sẻ.

Và nói tiếng nói của người lao động

Năm 2015, Công ty Đường sắt Hà Ninh thực hiện các bước tiến hành CPH, trong đó vấn đề giảm khoảng 100 lao động từ 722 người xuống còn 634 người và giải quyết lao động dôi dư rất khó khăn. “Với vai trò bảo vệ người lao động, Công đoàn không thể động viên người lao động nghỉ việc được. Nhưng yêu cầu CPH đặt ra như vậy nên ai nghỉ, ai ở, Công đoàn phải xắn tay vào cuộc thực sự”, ông Hoàn cho biết.

Khi đó, Công đoàn công ty thành lập riêng một tổ tư vấn, xem xét kĩ lưỡng, thận trọng, cân nhắc từng trường hợp. Đối tượng nào nghỉ được, đối tượng nào nên giữ lại để tránh ảnh hưởng nhất đến người lao động. Như trường hợp hai vợ chồng làm cùng cơ quan, hay kiện cáo, gây mất đoàn kết nội bộ nhưng Công đoàn vẫn tham mưu giữ lại một người vì “cả hai vợ chồng nghỉ việc, kinh tế gia đình người ta sẽ khó khăn”. Rồi việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động phải thỏa đáng, anh em có về nghỉ chế độ hay nghỉ việc mới cảm thấy thoải mái, không băn khoăn, đơn từ, khiếu kiện gì.

Anh Trịnh Văn Hoàn là một Chủ tịch Công đoàn không chỉ hiểu về nghiệp vụ, công tác Công đoàn mà còn rất tích cực, chủ động tham mưu, tham gia công tác chuyên môn. Giai đoạn CPH vừa qua, Công ty còn nhiều khó khăn, Công đoàn trở thành chỗ dựa, giúp rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc ổn định sản xuất, tư tưởng người lao động.

Ông Ma Ngọc Yên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường sắt Hà Ninh

Sau CPH, chính thức đi vào hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, Công ty Đường sắt Hà Ninh tích cực tìm kiếm công ăn việc làm cho người lao động, nhất là mở rộng sản phẩm ra ngoài “đôi ray”. Đồng hành cùng chuyên môn, 6 tháng đầu năm, Công đoàn công ty đã phát động 2 đợt thi đua sản xuất, lao động giỏi, đảm bảo ATGT. Công đoàn cùng với giám đốc công ty trực tiếp giải quyết 42 kiến nghị, 2 đơn thư, góp phần ổn định sản xuất và tư tưởng người lao động; Lo đủ việc làm cho người lao động, không có người chờ việc, chế độ ăn ca được nâng lên, các trang bị BHLĐ được cấp phát kịp thời, chất lượng.

Ông Hoàn chia sẻ, để doanh nghiệp cổ phần tiếp tục ổn định, phát triển trong thời gian tới sẽ rất khó khăn. Công đoàn cần phải tiếp tục khẳng định vai trò như tham mưu xây dựng lại nội quy, quy chế mới trên cơ sở đặc thù đơn vị cũng như mô hình doanh nghiệp cổ phần; Ký lại hợp đồng lao động với toàn bộ CBCNV để làm cơ sở pháp lý, nhất là khi có tranh chấp… Ngay việc xây dựng, thỏa thuận thỏa ước lao động tập thể phải cụ thể, không được hình thức và khi ký kết xong Công đoàn phải giám sát thực hiện. Như đề xuất những CBCNV đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở phải tổ chức tham quan, học tập nước ngoài; CBCNV có sáng kiến làm lợi từ 200 triệu đồng trở lên được tăng một bậc lương.

Chỉ còn năm nữa là “hưu”, thôi cái nghiệp “vác tù và hàng tổng”, nhưng ông Hoàn vẫn trăn trở trước những thách thức của tổ chức Công đoàn hiện nay. Ông tâm sự: “Công đoàn cũng phải đổi mới từng ngày. Là thủ lĩnh, người cán bộ Công đoàn phải tuyên truyền để người lao động nghe mình, làm theo, phải nói tiếng nói của người lao động”.

Bài dự thi “Đi trước mở đường” xin gửi về: Báo Giao thông, Số 18 Phạm Hùng, Hà Nội

Email: bangiaothong@baogiaothong.vn

Điện thoại: 0914.799.709

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.