Khi ông chẳng, bà chuộc
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, qua kiểm soát tải trọng trên 4 tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây phát hiện 59.000 lượt xe chở hàng quá tải. VEC từ chối phục vụ tới 48.000 lượt xe quá tải lưu thông vào cao tốc.
Đây là thực tế rất nhức nhối. “Những xe bị từ chối được nhân viên VEC hướng dẫn quay đầu ra khỏi cao tốc để đảm bảo ATGT, duy trì sự bền vững kết cấu hạ tầng, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng sửa chữa, nâng cao hiệu quả đầu tư”, VEC thông tin.
Tuy nhiên, ông Ngô Quốc Trưởng, Chánh TTGT, Sở GTVT Yên Bái cho biết, VEC gần như chưa đề xuất phối hợp với lực lượng TTGT Yên Bái kiểm tra, kiểm soát, xử lý xe có dấu hiệu quá tải lưu thông qua các nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
“Nhiều doanh nghiệp tại địa phương rất bức xúc về việc cân tải trọng tại 2 nút giao IC12 và IC14 cho kết quả khác nhau, khiến phương tiện không được lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai”, ông Trưởng nói và lấy ví dụ, Công ty CP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái gần đây phản ánh việc có sự chênh lệch về tải trọng khi xe vào nút giao IC14. Ngay sau khi nhận phản ánh, Sở GTVT Yên Bái đã kiểm tra đối chứng tại trạm cân của nút giao IC14. Kết quả chứng minh có sự chênh lệch.
“Với việc bị cân quá tải từ 13 -18% nên 2 chiếc xe của Công ty CP Lâm nông sản Yên Bái không được phép lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu 2 chiếc xe trên di chuyển xuống nút giao IC12 để cân và kết quả 2 xe đều không bị quá tải và được phép lưu thông từ IC12 đi Nội Bài”, ông Trưởng nói và kiến nghị VEC chỉ đạo Công ty CP dịch vụ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhanh chóng sửa chữa lại đường dẫn vào bàn cân.
Tình trạng xe quá tải vẫn đang là vấn nạn của xã hội. Mọi cố gắng để xây dựng, duy tu sửa chữa cầu đường sẽ chẳng có ý nghĩa nếu không chấm dứt được tình trạng quá tải. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật xử lý hành chính trong lĩnh vực này chưa đầy đủ và hoàn thiện, các chế tài chưa đủ mạnh để tác động đến ý thức của cơ quan quản lý, lái xe, chủ phương tiện. Chỉ có quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước cụ thể bằng luật và có cơ chế tiến hành kiểm soát việc chấp hành pháp luật một cách nghiêm túc, đồng bộ mới giải quyết được tận gốc nạn chở quá tải.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Chỉ huy Đội Tuần tra đường bộ cao tốc số 1 (Cục CSGT) phụ trách tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng cho biết có tiếp nhận thông tin, phản ánh của đơn vị quản lý đường cao tốc đề nghị xử lý các trường hợp xe quá tải cố tình chây ì, cố tình vào cao tốc. Dù Đội CSGT đường bộ cao tốc có mặt phối hợp xử lý, nhưng xử lý rất ít vì không có con số cụ thể.
“Cụ thể, tháng 9/2019, từ thông tin của đơn vị quản lý đường cao tốc, chúng tôi đã xử lý trường hợp tài xế Nguyễn Văn Hải điều khiển ô tô tải đầu kéo BKS 19C-078.21 kéo theo rơ-moóc 19R-002.15 chở quá tải 80,48%. Chủ phương tiện là Công ty CP Đại Phong; Hay trường hợp lái xe Trần Tiến Độ, điều khiển ô tô đầu kéo BKS 19C-095.16, kéo theo rơ-moóc BKS 19R-004.52 chở quá tải”, Chỉ huy Đội CSGT tuần tra đường bộ cao tốc số 1 thông tin.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, Thông tư 90 của Bộ GTVT quy định, các đơn vị quản lý khai thác và bảo trì đường cao tốc phải có giải pháp kiểm soát xe quá tải và được phép từ chối phương tiện quá tải, quá khổ. Thông tư cũng quy định, sau khi từ chối, đơn vị quản lý phải phối hợp với lực lượng chức năng có thẩm quyền để xử lý kịp thời xe quá tải.
“Quy định cụ thể như vậy, nhưng thực tế VEC rất thiếu trách nhiệm, yếu kém trong việc kiểm soát xe quá tải. Qua kiểm tra cho thấy, hệ thống cân trên các tuyến cao tốc của VEC hầu hết đã hỏng, không đủ điều kiện để xử phạt vì chưa đáp ứng theo quy định tại Thông tư 06 của Bộ GTVT, đảm bảo các điều kiện về kiểm định độ chính xác và kết nối dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN. Cùng đó, hiện nay hệ thống cân trên các tuyến cao tốc của VEC không kết nối về Tổng cục Đường bộ VN theo quy định nên không dùng để xử phạt được”, ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, Tổng cục Đường bộ VN gần đây nhận được nhiều phản ánh xe quá tải thường xuyên chạy trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý. “Đơn cử như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xe chở quặng thường xuyên lưu thông từ Lào Cai về Hà Nội.
Thậm chí, nhân viên của VEC đã làm giấy phép lưu hành giả cho xe quá khổ, quá tải đi vào cao tốc. Sau khi có phản ánh về tổng cục đã được lực lượng CSGT bắt và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai nhân viên này”, ông Chung nói.
Chỉ từ chối, không xử phạt chẳng tác dụng gì
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc VEC nói: “Hiện chúng tôi chẳng có giải pháp gì để xử lý tình trạng xe quá tải đi vào đường cao tốc ngoài việc từ chối phục vụ”.
Cũng theo ông Nhi, trên tất cả các trạm đầu vào đường cao tốc của VEC đều bố trí các trạm cân để kiểm soát tải trọng phương tiện. “Khi hệ thống cân phát hiện phương tiện quá tải trọng, chúng tôi chỉ được phép từ chối phục vụ phương tiện đó đi vào đường cao tốc theo quy định của pháp luật, còn việc xử phạt, xử lý thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng Nhà nước”, ông Nhi nói và cho biết, về việc phối hợp xử phạt hiện mới chỉ có lực lượng CSGT.
“Hệ thống cân của chúng tôi là cân động, còn cân để xử phạt xe quá tải của lực lượng CSGT là cân tĩnh. Nhưng phải khi có ca trực, CSGT mới làm, còn khi không có ca trực, chẳng có cơ quan nào phối hợp xử lý”, ông Nhi chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Nhi, trước đây, VEC áp dụng các quy định nội bộ để xử lý, cấm các phương tiện vi phạm đi vào trên đường cao tốc, tuy nhiên, hiện nay, Tổng cục Đường bộ VN không cho phép áp dụng nữa, dẫn tới công tác đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc đang “loạn”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Văn Chung cho biết, để dữ liệu từ hệ thống trạm cân trên các tuyến cao tốc được dùng để xử phạt, cần phải kiểm nghiệm độ chính xác và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN theo quy định. “VEC cần chấn chỉnh lại bộ máy, đặc biệt là trang bị lại hệ thống cân theo đúng tiêu chuẩn. Tổng cục Đường bộ VN tới đây sẽ chủ trì để các bên liên quan như: VEC, TTGT thuộc các Sở GTVT trên địa bàn và lực lượng CSGT ký kết quy chế phối hợp. Ngoài việc từ chối phương tiện, phải gửi phiếu cân cho lực lượng chức năng xử phạt”, ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, khi phát hiện phương tiện vi phạm tải trọng, VEC có thể gửi phiếu cân cho lực lượng công an hoặc TTGT xử phạt. “Tuy nhiên, VEC hiện đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên những việc nêu trên phải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo”, ông Chung nói.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, khi xe quá tải vào các tuyến cao tốc, chủ đầu tư chỉ biết từ chối phục vụ mà chưa phối hợp cùng lực lượng chức năng để xử lý là bất cập và lãng phí rất lớn nguồn lực. “Chỉ từ chối, không có biện pháp xử lý chẳng mang lại hiệu quả gì, xe quá tải lại tiếp tục chạy gây hư hỏng cho các tuyến đường khác”, ông Minh nói.
Cần cơ chế sử dụng dữ liệu để xử phạt
Theo thống kê của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hiện nay, trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý vận hành, khai thác đang lắp đặt 27 trạm cân động để kiểm soát tải trọng phương tiện. Trong đó, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (17 trạm), Cầu Giẽ - Ninh Bình (6 trạm) và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (4 trạm). “Chúng tôi chưa thống kê chính xác tổng chi phí đầu tư các trạm cân, nhưng bình quân tạm tính mỗi trạm cân khoảng 1,5 tỷ đồng”, đại diện VEC thông tin và cho biết thêm, hệ thống trạm cân trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai được đưa vào sử dụng từ năm 2015; còn hệ thống trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Ông Lê Xuân Tú, Phó giám đốc Công ty Quản lý bảo trì đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, TCT Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) cho biết, hệ thống trạm cân tải trọng xe được lắp đặt tại tất cả các trạm thu phí đầu vào để ngăn chặn xe quá tải. Theo ông Tú, dữ liệu từ các trạm cân của VIDIFI được truyền về Tổng cục Đường bộ VN. Việc kiểm soát xe quá tải được VIDIFI thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 90 của Bộ GTVT.
“Bình quân một ngày trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chúng tôi từ chối phục vụ gần 20 xe quá tải và yêu cầu quay đầu ra đường khác. Nghị định 46 có quy định việc phối hợp để xử phạt. Tuy nhiên, các Sở GTVT có tuyến đường chạy qua hay lực lượng CSGT chưa bao giờ yêu cầu VIDIFI cung cấp thông tin về dữ liệu xe quá tải trên tuyến để xử lý”, ông Tú nói.
Không chỉ trên cao tốc, nhiều tuyến quốc lộ trên cả nước được đầu tư theo hình thức BOT cũng có các trạm cân tải trọng xe để kiểm soát phương tiện quá tải, nhưng thực tế, dữ liệu của trạm cân này cũng chẳng để làm gì. Chia sẻ với Báo Giao thông, một lãnh đạo nhà đầu tư BOT trên QL1 cho biết, hầu hết các trạm BOT trên cả nước hiện nay đều có trạm cân tại các trạm thu phí để kiểm soát xe quá tải. “Chúng tôi có hai trạm cân tại hai dự án BOT trên QL1 vẫn đang hoạt động bình thường, số liệu cân cũng tương đối chính xác, kịp thời. Nhưng bất cập lớn nhất hiện nay là số liệu đó chỉ để biết chứ chẳng để làm gì, bởi chẳng có cơ quan chức năng nhà nước nào sử dụng. Ngay cả Tổng cục Đường bộ VN, các cục, chi cục quản lý đường bộ cũng không có văn bản nào hướng dẫn chúng tôi cung cấp các số liệu cân xe cho các cơ quan CSGT, TTGT phối hợp xử lý các chủ phương tiện chở quá tải”, vị này cho hay.
“Qua trạm cân, chúng tôi phát hiện xe quá tải nhưng không có thẩm quyền xử phạt và cũng không có quyền cấm phương tiện đi vào đường của mình bởi trong hợp đồng BOT, Bộ GTVT đã ghi rõ là doanh nghiệp dự án không được phân biệt đối xử với khách hàng. Kinh phí đầu tư mỗi trạm cân vào khoảng trên 1 tỷ đồng. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục không đưa ra phương thức sử dụng dữ liệu cân xe tại các trạm cân của dự án BOT thì sẽ rất lãng phí số tiền đã đầu tư, bởi chỉ cần cơ chế là có thể sử dụng dữ liệu đó để xử phạt đối với các phương tiện chở quá tải”, vị này nói và cho biết, việc các dự án BOT phải lắp đặt trạm cân xe là yêu cầu của Bộ GTVT để kiểm soát tải trọng phương tiện.
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, bất cập ở đây là sự kết nối, công tác phối hợp của các lực lượng không chặt chẽ. Mỗi đơn vị một cách làm và chỉ biết mình. “Thay vì từ chối phục vụ nên có cơ chế chia sẻ liên thông thông tin với các cơ quan chức năng để xử lý tận gốc xe quá tải. Nên khai thác tối đa tính năng của thiết bị công nghệ bằng việc có cơ chế chia sẻ thông tin để người dân, báo chí giám sát, phản biện phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị”, ông Minh phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận