Kỳ 1: Đìu hiu bến xe khách liên tỉnh
Xe khách “lơ” bến, doanh thu từ dịch vụ vận tải “lèo tèo”… hai bến xe Tam Kỳ và Bắc Quảng Nam được Quảng Nam đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng hiện không phát huy được hiệu quả khai thác.
Quầy bán vé và phòng chờ cho hành khách Bến xe Tam Kỳ không có một bóng người |
Vắng như… bến xe
Nằm ngay Trung tâm TP Tam Kỳ, nhưng bến xe (BX) Tam Kỳ không có chút gì sôi động, tấp nập của bến xe phố thị. Ngày nào cũng vậy, ngoài mấy lượt xe buýt thay nhau vào đậu đỗ chờ đến phiên, bến xe này chỉ lèo tèo vài chiếc xe khách, chủ yếu là xe khách nội tỉnh, hoàn toàn vắng bóng “thượng đế”.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, giờ cao điểm nhưng cả khu bến rộng 2,6 ha chỉ một chuyến xe Tam Kỳ, Huế, vài xe khách tuyến Tam Kỳ, Đà Nẵng và ngược lại… Thay vì đón trả khách, các xe này chỉ làm nhiệm vụ chính “ký lệnh” xuất bến. Tại Phòng bán vé, phòng chờ… tịnh không bóng hành khách.
Phòng làm việc của “Tổ điều hành vận tải” BX Tam Kỳ dường như cố ý dời ngay cổng bến để tạo điều kiện “đóng lệnh” cho vài chiếc xe lác đác ra vào, rồi phóng vù ra đường chính bắt khách. Tại đây, cơ ngơi chính của Ban Quản lý BX Quảng Nam (quản lý các bến xe trên địa bàn tỉnh) khá khang trang nhưng cũng không giúp BX này tránh thảm cảnh vắng vẻ.
Lãnh đạo Ban Quản lý BX Quảng Nam cho hay, BX Tam Kỳ được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng, thuộc bến xe khách liên tỉnh đầu tiên và cũng là bến xe loại hai duy nhất của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, từ 2006 đến nay, bến xe này chưa có ngày nào khai thác được quá nửa công suất, lưu lượng phương tiện vào bến ngày càng “teo tóp”. Những năm đầu, BX Tam Kỳ có hai doanh nghiệp, với khoảng chục đầu xe khai thác tuyến Quảng Nam - TP HCM nhưng hiện cũng “chết dần chết mòn”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Châu, Giám đốc Ban Quản lý BX Quảng Nam, doanh thu từ dịch vụ vận tải của BX Tam Kỳ mỗi tháng chỉ được vài chục triệu đồng, cộng với các dịch vụ khác như: Cho thuê gara, phương tiện đậu đỗ qua đêm, hay cho doanh nghiệp mua bán ô tô thuê mặt bằng để xe… mỗi tháng cũng chưa đến 100 triệu đồng.
Tương tự, BX Bắc Quảng Nam (huyện Điện Bàn), dù đưa vào khai thác từ năm 2009, nhưng luôn trong tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh”. Vài năm trước, bến xe này được giao cho Công ty TNHH Đầu tư BX Bắc Quảng Nam quản lý khai thác nhưng luôn trong tình cảnh vắng vẻ, dãy nhà kho bỏ không… khó có cách gì cứu vãn. Theo một bảo vệ BX Bắc Quảng Nam, tối tối có vài xe tải về đậu đỗ, còn lại chỉ ít xe chạy qua “đóng lệnh”. Trực bảo vệ ở BX vắng quá cũng… buồn.
Ghi nhận tại BX Nam Phước (huyện Duy Xuyên) có “tuổi thọ” 8 năm nhưng cảnh kinh doanh khó thoát thảm cảnh bết bát. Hiện BX này tăng cường liên kết thêm nhiều dịch vụ khác như: Cho thuê ki ốt kinh doanh ăn uống, phòng bán vé máy bay, cho thuê gara sửa chữa ô tô, phương tiện đậu đỗ qua đêm… tạo nguồn thu để “có đồng ra, vào” chi trả lương nhân viên.
“Tổ điều hành vận tải” nằm giữa hai bên cổng ra vào Bến xe Tam Kỳ, đây cũng là nơi các xe tấp vào ký lệnh xuất bến |
Bất cập, lãng phí
Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho hay: “Trên địa bàn tỉnh có 20 BX, đến nay có 19 BX công bố và đi vào hoạt động. Trong đó, phần lớn các bến được công nhận theo quy định Thông tư số 24, số ít theo Thông tư 49. Riêng BX Việt An (huyện Hiệp Đức), tỉnh dự kiến xây dựng bến xe mới tại vị trí khác nên không đầu tư nâng cấp bến xe cũ. Cảnh vắng vẻ là thực trạng phổ biến ở hầu hết các BX này”.
Theo tìm hiểu của PV, thực tế việc đầu tư một số BX tại Quảng Nam thời gian qua còn nhiều bất cập dẫn đến lãng phí. Cụ thể, BX Tam Kỳ và BX Bắc Quảng Nam từng được quy hoạch ở những vị trí “đắc địa” hơn vị trí cũ nhưng sau đó lại dời ra các vị trí hiện tại. Đáng nói, chỉ riêng QL1 từ “cửa ngõ” phía Bắc TP Tam Kỳ đến “cửa ngõ” phía Bắc tỉnh Quảng Nam có chiều dài khoảng 70 km nhưng có đến ba BX.
Ngoài BX Tam Kỳ và BX Bắc Quảng Nam án ngữ hai đầu, ngay “khúc giữa” còn có BX Nam Phước. Trong khi đó, các BX khác tại Đại Lộc, Nam Phước, Hội An… cũng đã được phép đầu tư và công nhận là bến xe liên tỉnh (bến xe loại 4). Các phương tiện đăng ký đầu tuyến tại BX Nam Phước không cần ký lệnh xuất bến tại BX Tam Kỳ hay BX Bắc Quảng Nam nên nhiều xe không muốn vào bến để chạy “lòng vòng” bên ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, BX Bắc Quảng Nam đã được UBND tỉnh giao cho đơn vị “xã hội hóa”. Trên tinh thần quản lý về ngành, Sở GTVT luôn lắng nghe và theo dõi hoạt động, có gì vướng mắc cùng tham gia chấn chỉnh, phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư để khai thác cho tốt, giảm tình trạng lãng phí BX.
Duy Lợi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận