Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình tại Quốc hội về dự thảo Luật Quy hoạch |
Hạn chế quy hoạch thiếu tầm nhìn, kém chất lượng
Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quy hoạch. Trước đó, dự thảo này đã được các ĐB thảo luận tại tổ. Nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng và tính ổn định của quy hoạch, bên cạnh đó là tính tuân thủ quy hoạch để quy hoạch không bị thường xuyên điều chỉnh. Nếu quy hoạch được phê duyệt rồi mà không quy định về điều chỉnh quy hoạch thì sẽ không còn ý nghĩa gì, bởi khi điều chỉnh quy hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề quản lý. Đơn cử như quy hoạch đô thị, nếu không có quy định chặt chẽ thì sau khi quy hoạch được phê duyệt, người có thẩm quyền lại phê duyệt điều chỉnh khác đi.
Theo ĐB Phạm Quang Dũng (Nam Định), nhiều khi lãng phí trong quy hoạch còn lớn hơn tham ô, tham nhũng trong khi việc này chưa được xem xét. “Rất nhiều lãng phí về quy hoạch nhưng chúng ta chưa xem xét đến, tôi nghĩ có Luật Quy hoạch sẽ giải quyết được bài toán này”, ĐB kỳ vọng.
Góp ý về thời kỳ quy hoạch, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, cần quy định thời kỳ quy hoạch dài hơn so với dự thảo, cụ thể thời kỳ quy hoạch tối thiểu chung cho các loại quy hoạch là 20 năm, tầm nhìn là 30 năm, quy hoạch ngành, vùng phải có tầm nhìn 50 năm. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải có tầm nhìn từ 50 - 70 năm. “Quy hoạch có dài hơn như vậy mới đảm bảo tính ổn định cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành nền kinh tế và trong đầu tư phát triển không bị động, không sợ thay đổi. Quy định dài như vậy cũng tạo áp lực cho các cơ quan lập quy hoạch phải có những dự báo đánh giá dài hạn, đồng thời phải có sự đầu tư công phu cho công tác lập quy hoạch, tránh tình trạng dò dẫm, cóp nhặt, chắp vá”, ĐB nêu quan điểm.
Một thực tế khác cũng được ĐB nêu ra là việc lập và phê duyệt, triển khai quy hoạch ở nước ta thường rất chậm. Có những quy hoạch cho một thời kỳ nhưng khi được phê duyệt đã đi được 1/3 thời kỳ, phê duyệt xong đã không còn phù hợp và phải điều chỉnh. Khi điều chỉnh các dự án phải chờ đợi, đó là lý do vì sao nhiều quy hoạch treo, không được thực hiện và nhiều công trình thực hiện dở dang phải tạm dừng đợi điều chỉnh quy hoạch hoặc nếu cứ triển khai thì rơi vào tình trạng không theo quy hoạch, gây lãng phí lớn cho xã hội. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc).
Giải trình thêm về thời hạn của quy hoạch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng tình quan điểm phải kéo dài hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, cũng tùy cấp độ của từng loại quy hoạch để có thời gian phù hợp. Quan điểm được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là, Luật Quy hoạch ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng, gây thất thoát lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước, phân tán không hiệu quả dẫn đến tùy tiện, chia cắt, cát cứ và xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương; Hướng tới tăng cường liên kết vùng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương và phát huy hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu nên được lựa chọn biện pháp cảnh vệ
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh vệ. Liên quan đến biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng: Chúng ta quy định ba biện pháp bảo vệ cứng trong luật là bảo vệ tiếp cận, bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang, canh gác thường xuyên nơi ở, tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết. “Quy định cứng như vậy nghĩa là thực hiện bắt buộc ngay cả khi những vị nguyên lãnh đạo đó không muốn. Chúng ta đều biết mỗi biện pháp cảnh vệ đều hạn chế quyền tự do của con người, tự do của công dân. Khi các vị lãnh đạo cao cấp đã nghỉ không còn giữ những trọng trách của đất nước, trở lại cuộc sống của công dân nên để cho họ lựa chọn là phù hợp nhất. Trường hợp các đồng chí đó không có yêu cầu cảnh vệ thì thực hiện theo nguyện vọng của họ”, ĐB Hùng góp ý.
Về quy định lực lượng cảnh vệ được nổ súng đề cập đến trong luật, ĐB Dương Văn Thông (Bắc Giang) góp ý: “Nổ súng là hành vi cần thiết được quy định với lực lượng cảnh vệ, tuy nhiên cần được quy định chặt chẽ, cụ thể để vừa đảm bảo quyền thực thi nhiệm vụ của chiến sỹ cảnh vệ, vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân”. Ông Thông đề nghị dự thảo cần quy định theo hướng phân biệt giữa các đối tượng được cảnh vệ, nổ súng để bảo vệ yếu nhân, nổ súng để bảo vệ sự kiện, khu vực cảnh vệ, nổ súng khi thực hiện công vụ có tổ chức và sự kiện độc lập, đồng thời quy định cụ thể trường hợp cụ thể hình thức tấn công trực tiếp nào để sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Giải trình thêm, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cho biết, Ban soạn thảo nhận thấy các ý kiến góp ý của các ĐBQH là hợp lý nên ban soạn thảo xin tiếp thu. Riêng về quy định nổ súng, Ban soạn thảo dự kiến sẽ chỉnh lý để quy định trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng cảnh vệ một cách cụ thể để đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện cho lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận