Tàu vận chuyển container từ Hải Phòng về Hà Nội - Ảnh: K.Linh |
Tiềm năng lớn
Đường sắt Đông - Tây là tuyến vận tải kết nối đi qua các tỉnh, thành phố Hải Phòng - Hải Dương - Hưng Yên - Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, khu vực này có khoảng 20 tuyến nhánh đi vào cảng biển, cảng sông và các nhà máy, khu công nghiệp như: Nhà máy Supe & Phốt phát hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ), đường nhánh Đức Giang Công ty Xăng dầu Hà Nội (Gia Lâm, Hà Nội); đường nhánh vào đường sắt công nghệ mỏ (Xuân Giao - Lào Cai); đường nhánh vào Cảng ICD (Ga Lào Cai)… rất thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa. Đặc biệt, khu vực Hải Phòng còn có đường nhánh vào các cảng Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, Vietconship, Vật Cách… là các cảng biển có khối lượng hàng hóa qua cảng lớn.
Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, các mặt hàng tại đây rất phong phú. Luồng hàng nội địa thông qua chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các nhà máy phân bón từ mỏ apatit Lào Cai, các khu công nghiệp Phúc Yên, Bắc Ninh vào phía Nam khoảng 2 triệu tấn/năm. Luồng hàng liên vận quốc tế thông qua chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc (phân bón, hóa chất) đi các tỉnh khu vực miền Trung; các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc gồm lưu huỳnh 180 nghìn tấn/năm, quặng kẽm 100 nghìn tấn/năm. Ngoài ra còn các mặt hàng nông sản khu vực miền Trung, Hải Phòng xuất khẩu sang Trung Quốc…
Theo lãnh đạo các công ty vận tải đường sắt, cùng với các giải pháp về hạ tầng kết nối, ngành Đường sắt cần có chính sách thu hút khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng đó, về chính sách giá, đường sắt cần điều chỉnh hợp lý trên từng tuyến đường, từng thời điểm và xây dựng chính sách khuyến mãi nhằm thu hút các chủ hàng truyền thống có khối lượng lớn. |
Trong khi đó, ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng, một doanh nghiệp tư nhân chuyên làm vận tải đường sắt và logistics cho biết, cơ hội tăng sản lượng vận tải đường sắt tại đây rất có tiềm năng. Đường sắt với ưu thế vận chuyển khối lượng lớn, đi xa, an toàn được nhiều chủ hàng ưa thích.
Theo tìm hiểu của phóng viên, riêng vận chuyển container trên tuyến chạy suốt Hải Phòng - Lào Cai đã lên tới hơn 69 nghìn TEU. Dự báo hàng hóa trên tuyến vận tải này sẽ tiếp tục gia tăng, có thể đạt 101,6 triệu tấn vào năm 2018 và 131,5 triệu tấn vào năm 2020. Đây là cơ hội rất tốt để vận tải đường sắt tăng sản lượng, doanh thu nếu biết tận dụng cơ hội, thực hiện nhiều giải pháp kích cầu.
Tiềm năng là vậy, nhưng thị phần vận tải đường sắt trên tuyến rất nhỏ. Theo khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, năm 2016, trên đoạn Hải Phòng - Hà Nội, sản lượng vận tải đạt 49,6 triệu tấn hàng hóa, trong đó đường sắt chỉ chiếm 3%. Đoạn Hà Nội - Phú Thọ đạt 34,3 triệu tấn, nhưng đường sắt chỉ 7%. Khả quan hơn, đoạn Phú Thọ - Lào Cai là đường sắt chiếm tỷ lệ lớn với 31% trên khối lượng hàng hóa vận tải khoảng 8,7 triệu tấn.
“Khó khăn nhất là thiếu kết nối hai đầu cả về phương tiện và hạ tầng đường nhánh vào cảng. Điều này khiến hàng hóa muốn lên tàu phải qua nhiều công đoạn xếp dỡ rồi cả vận chuyển đường ngắn. Điều này khiến tổng chi phí vận tải bị đội lên cao”, ông Hùng nói.
Cấp thiết đầu tư hạ tầng kết nối
Một cán bộ làm công tác vận tải hàng hóa (đề nghị giấu tên) chia sẻ, trong nhiều tuyến vận tải đường sắt hiện nay, tuyến Đông - Tây là tuyến tiềm năng nhất, khả thi nhất để tăng thị phần vận tải vì có nhiều đường nhánh, khu công nghiệp, khối lượng hàng vận chuyển tương đối ổn định. Vấn đề là cần đầu tư về hạ tầng kho bãi và áp dụng các cơ chế ưu đãi, thu hút khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Lào Cai cho rằng, để phát triển tuyến đường sắt Đông - Tây, nhất thiết phải đầu tư thêm hạ tầng kho bãi, đường xếp dỡ. Như tại ga Xuân Giao, hiện chỉ có một đường xếp dỡ dùng chung với đường khám chữa toa xe nên hạn chế số toa xe mỗi lần xếp dỡ.
Theo ông Đỗ Văn Hoan, hiện nay khu công nghiệp Tằng Loỏng nhu cầu vận tải tăng cao với trên 600 nghìn tấn/năm; theo phương án quy hoạch của tỉnh Lào Cai, trong tương lai sẽ đầu tư mở rộng thêm 300ha và đầu tư quy hoạch thêm một khu công nghiệp mới tại phía Tây Nam của tỉnh với quy mô 850ha. Vì vậy, cần nhanh chóng đầu tư đường sắt nhánh kết nối vào khu công nghiệp này để sớm nắm bắt cơ hội tăng sản lượng vận chuyển.
Cũng theo ông Hoan, đường sắt vào TP Hải Phòng và các cảng Vật Cách, Hoàng Diệu, Chùa Vẽ hiện rất khó khăn. Chủ trương của Hải Phòng là di dời cảng Hoàng Diệu ra khỏi thành phố sẽ càng khó khăn hơn cho vận tải đường sắt, vì vậy cần có hướng đi vòng ra các cảng khác khi xây mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận