Anh Hoan rèn dao theo cách thủ công truyền thống |
Độ bền đến... nửa đời người
Theo các bậc cao niên trong làng Đa Sỹ (nay là phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), nghề rèn có từ thời Hùng Vương thứ 18. Tuy nhiên, khi đó, người dân trong làng mới chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất. Phải đến thời nhà Trần, Đa Sỹ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đến từ Thanh Hoá truyền dạy cho dân làng bí quyết nghề rèn để tạo ra các sản phẩm tinh xảo.
Cụ Hoàng Văn Thuỷ (72 tuổi, thủ từ đình làng Đa Sỹ), gia đình có nhiều đời cha truyền con nối nghề rèn cho hay: “Cũng chẳng rõ nghề rèn chính xác có từ bao giờ, nhưng từ thời cha ông tôi đã có, đời này truyền đời kia. Trước đây nguyên liệu sắt thép rất khó khăn, dân làng phải đi khắp nơi mua thanh nhíp ô tô hỏng, thanh ray đường tàu thanh lý... Các sản phẩm từ rèn như cuốc, xẻng, dao, kéo, liềm... trước đều làm thủ công, nay nguyên liệu dồi dào, lại có máy móc hỗ trợ nên cũng đỡ nhiều công sức”.
Cụ Thủy cho hay, công đoạn để làm ra một sản phẩm dao, kéo ở Đa Sỹ rất công phu. Dao phải chọn thép tốt, tốt nhất là nhíp (dùng để rèn dao chặt) hoặc tanh lốp ô tô (dùng rèn loại dao nhỏ). Sau đó, thép được đưa vào lò nung đủ độ. Đặc biệt, để nung thép cho chuẩn, người ta thường dùng xỉ than, là thứ than đã qua lửa một lần. Khi rèn xong phải ủ vào tro củi để thép nguội từ từ, bởi nếu nguội nhanh thép sẽ giòn. Khi ủ xong mới vỗ cho nhẵn, giũa lưỡi cho sắc ngọt. Khi đã hoàn thiện, mỗi con dao rựa, dao chẻ củi nặng khoảng 1kg, loại dao thái cũng nặng từ 200- 500gram.
Không giấu vẻ tự hào, cụ Thủy chia sẻ: “Vì đã có thương hiệu hàng trăm năm cũng như độ tinh xảo nên dao Đa Sỹ làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu, thậm chí khách đặt còn phải đợi. Nếu dùng máy móc thì năng suất lao động tất nhiên sẽ cao nhưng chất lượng sản phẩm không bằng làm thủ công. Với những con dao được rèn thủ công nếu người dùng bảo quản tốt, độ bền có khi lên tới vài chục năm”.
Dao, kéo được bày bán ngoài mặt đường vào làng Đa Sỹ |
Yêu nghề, nghề chẳng phụ
Tới thăm nhà ông Hoàng Văn Cung (SN 1963), gia đình có bốn đời làm nghề rèn, ngay từ ngoài cổng, chúng tôi đã thấy vợ chồng ông cùng ba người con trai người quai búa, người thổi bễ nhịp nhàng bên bếp lửa rực hồng. Ông Cung kể, năm 12 tuổi ông đã bắt đầu học theo nghề cha ông. Đến nay, dù đã có máy móc hiện đại, rút ngắn thời gian gia công các sản phẩm, song ông vẫn lựa chọn cách làm thủ công để giữ uy tín và thương hiệu. Mỗi ngày, gia đình ông cũng làm được khoảng chục con dao chặt và gần 100 con dao loại nhỏ theo đơn đặt hàng khắp từ Bắc chí Nam.
Cũng chọn cách rèn thủ công, gia đình anh Nguyễn Bá Hoan (SN 1975) vợ là Nguyễn Thị Quyên (SN 1976) chỉ chuyên sản xuất dao chặt, một loại bằng sắt và một loại bằng thanh nhíp ô tô. Giá loại dao chặt làm bằng sắt bán buôn chỉ 40.000 đồng/con, nhưng nếu làm bằng nhíp ô tô thì đắt gấp 3 lần.
“Tiền nào của đấy, đối với sản phẩm dao chặt làm bằng nhíp ô tô có độ bền rất lâu, dao này chặt xương không bao giờ bị mẻ”, anh Hoan nói và cho hay, dù không có nhiều nhân công như các hộ khác trong làng, mỗi ngày anh chị cũng kiếm được khoảng 500.000 - 600.000 đồng tiền lãi. Số tiền tuy không phải quá lớn nhưng nhờ theo nghề cha ông để lại, anh chị cũng lo cho con cái học hành đàng hoàng, cuộc sống có chút dư dả.
Cũng kiếm được chừng đó tiền lãi mỗi ngày, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bom (70 tuổi) lại chọn cách chỉ rèn các loại dao nhỏ. Trước đây, ông cũng rèn dao theo lối thủ công truyền thống, nhưng vài năm gần đây, do sức khỏe không còn được như trước nên ông đã tìm đến sự hỗ trợ của máy móc.
“Tôi làm dao theo đặt hàng của thương lái, mỗi con chỉ có giá vài ngàn đồng. Nhưng nhờ máy móc rút ngắn công đoạn nên mỗi ngày cũng kiếm được 500.000 - 600.000 đồng. Thay vì rèn thủ công, thép được đưa vào máy, trải qua mọt vài công đoạn nữa là xong chứ không kỳ công như rèn truyền thống. Tất nhiên, loại dao làm bằng máy không thể bền như dao truyền thống được”, ông Bom nói và cho hay, đến nay nhiều thanh niên trong làng không muốn gắn bó bởi nghề rèn vất vả, độc hại, lại rất gò bó. Đã xác định gắn với nghề thì quanh năm suốt tháng cũng chỉ ngồi một chỗ mà thôi.
Nỗi lo hàng nhái
Cụ Hoàng Văn Thuỷ cho biết, sản phẩm làng rèn Đa Sỹ từ lâu đã đạt đến độ tinh xảo và nổi tiếng khắp cả nước. Bởi thế mà không khó hiểu khi hiện nay, trên thị trường xuất hiện tràn lan dao kéo nhái sản phẩm của làng Đa Sỹ.
Làng khoa bảng Theo sử sách, trước đây làng có tên là làng Sẽ, sau đổi thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ, và cuối cùng làng được đổi thành Đa Sỹ từ giữa thế kỷ XVIII. Cái tên Đa Sỹ được dùng cho tới ngày nay mang ý nghĩa là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ. Làng Đa Sỹ là nơi sản sinh ra 11 tiến sĩ, 1 lưỡng quốc trạng nguyên được lưu danh trên văn bia Quốc Tử Giám. Nổi bật trong số đó là tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, làm quan qua 4 triều vua, là người có công lập nên “Vườn học” duy nhất của nước ta dưới thời Lê. Còn lưỡng quốc trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú được người đời truyền tụng với Sớ 7 điều dâng vua. Dân làng lập miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa được vinh danh là “Lương y dược đại vương” dưới thời Lê, hậu duệ đời đời ghi ơn với 208 bài thuốc trị bệnh cứu người, được coi là ông tổ ngành quân y Việt Nam và tôn thờ làm Thành Hoàng làng. Có 38 đạo sắc phong vua ban cho các tiến sĩ làng Đa Sỹ được lưu giữ tới ngày nay. |
Theo cụ Thủy, để làm thành một con dao đem bán ở chợ rất đơn giản, người ta chỉ cần đi mua tôn loại 1 hoặc 2 ly, mang về cho vào máy cắt thành hình thù con dao rồi đưa vào máy mài và cho vào tôi là xong. Nhưng về chất lượng thì độ bền của những con dao đó chỉ đáng 1% nếu so với dao Đa Sỹ chính hiệu. Loại dao này chỉ chặt một vài lần là mẻ lưỡi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đại Đồng (57 tuổi, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cho biết, đến nay hiệp hội đã thành lập được 16 năm. Hiện tại, Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ có hơn 800 xã viên tham gia sinh hoạt, vừa sản xuất nghề truyền thống vừa cùng nhau quảng bá thương hiệu làng nghề rèn dao kéo Đa Sỹ.
Ông Đồng cho hay, hướng phát triển mà Hiệp hội làng nghề đang hướng tới là vận động xã viên tăng cường đầu tư trang thiết bị máy móc để giảm ngày công lao động, tăng thu nhập. Trước đây làm thủ công rất lâu, giờ đưa công nghệ máy móc vào, làm ra một sản phẩm dao, kéo nhanh hơn. Ví dụ, nếu cả gia đình làm thủ công trong một ngày chỉ được khoảng 100 sản phẩm dao, kéo nhưng khi đầu tư máy móc có thể làm ra 200 sản phẩm. Tất nhiên, dù có đưa máy móc vào thì bí quyết nghề vẫn phải được sử dụng để đảm bảo chất lượng chứ không phải tất cả đều phụ thuộc vào máy móc.
Ông Đồng cho biết thêm, sản phẩm dao, kéo của Đa Sỹ không những nổi tiếng và được tiêu thụ khắp cả nước mà còn được xuất khẩu sang cả Lào, Campuchia, thậm chí sang tận Pháp.
Mặc dù chất lượng của dao kéo Đa Sỹ là không phải bàn cãi, nhưng theo ông Đồng, sản phẩm vẫn có một nhược điểm là nếu để lâu không sử dụng dễ bị hoen gỉ. Vì vậy, Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cũng đang tìm hiểu công nghệ xử lý triệt để nhược điểm này để sản phẩm được tiêu thụ mạnh hơn, rộng rãi hơn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các hội viên hơn. “Để giữ thương hiệu sản phẩm dao Đa Sỹ, mỗi gia đình khi làm ra sản phẩm đều có kí hiệu tên gia đình sản xuất trên con dao để đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm, cũng là uy tín và thương hiệu mà cha ông chúng tôi đã hàng trăm năm gìn giữ”, ông Đồng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận