Văn hóa - Giải Trí

Lãng tử Trần Nhật Thăng: Hội họa là tu thân

25/01/2018, 07:27

Có họa sĩ đàn anh nói tranh của Thăng là "khuôn mặt của nhân gian".

24

Họa sỹ Trần Nhật Thăng dùng chổi vẽ lên trang phục của người mẫu trong một chương trình biểu diễn - Ảnh: Goldwell

Muốn vẽ, muốn tu thân lại vừa muốn có... ô tô là quá tham lam

Trong giới hội họa, Trần Nhật Thăng là cái tên mà chỉ cần nhắc đến, người ta lập tức nghĩ tới một họa sĩ với những tác phẩm tranh trừu tượng lạ lẫm. Sinh ra tại Hà Nội và là con đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy, nhưng Trần Nhật Thăng lại không đi theo con đường của cha mình. Anh chọn hội họa, và từng khiến giới chuyên môn cũng như công chúng “sốc” với triển lãm mang tên Một mình hoành tráng ngay khi vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996. Thế nhưng, bẵng đi khoảng 9 năm, người ta thấy anh “biến mất” khi không có thêm triển lãm nào. Trần Nhật Thăng lý giải, anh khi ấy không có cảm xúc để cầm bút vẽ, cũng như thấy mình đang tự làm khó mình quá nên dừng lại.

Tuy nhiên, mới đây, Trần Nhật Thăng vừa trở lại và gây hứng thú trong triển lãm Miền, với những miền thanh thản, miền xa lắm, miền hoang hoải… Đi cùng những “miền” ấy là một Trần Nhật Thăng điềm đạm, chín chắn, suy nghĩ nhiều về cuộc đời, cuộc sống. Giới phê bình nhận định, như thể Thăng đã vẽ đường đi hỗn độn của nhân sinh. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, tranh của Thăng là “khuôn mặt của nhân gian”. Với những đối lập giữa hỗn mang của những vết, vun vút và những mảng lớn yên tĩnh, xa xôi, vô định, hoang mang. Thực tế, khi nói về tranh của mình ở thời điểm hiện tại, Trần Nhật Thăng cho rằng mình đã rất thư thái. Anh vẽ tự nhiên, bản ngã, sâu sắc và tĩnh lặng hơn, có thể có màu hoặc không, dán giấy hoặc không, không căng cứng như những giai đoạn trước đây.

Xếp bút vẽ, cất tấm toan, khóa cửa xưởng vẽ để leo lên chiếc xe máy, Trần Nhật Thăng trở về với vai trò người cha mẫu mực trong gia đình. Người ta thấy anh đi đón con gái sau giờ tan học, về nhà thấy anh xắn cổ tay áo tắm cho đứa bé, buộc tóc cho đứa lớn, nói chuyện và chơi với chúng như bạn đồng lứa.

Những tưởng một họa sĩ nổi tiếng như Trần Nhật Thăng sẽ không phải lo toan về cuộc sống mưu sinh nhưng không, anh tự nhận mình là người không giàu có. 9 năm qua, anh đi làm nhiều công việc như vẽ tranh décor, vẽ tranh tường, trang trí… để kiếm sống. 22 năm theo đuổi công việc hội họa, tới giờ, Trần Nhật Thăng hàng ngày vẫn áp lực chuyện kinh tế, tiền bạc nuôi gia đình. Việc bán tranh túc tắc khiến nhiều lúc anh rơi vào khó khăn, phải vay mượn tiền để trang trải. Vất vả là vậy nhưng anh không muốn nhờ tới sự hỗ trợ của bố mẹ vì “bố mẹ già rồi, mình đã không giúp được thì không thể ngửa mặt ra nhờ hỗ trợ được”.

Không giàu có nhưng với Trần Nhật Thăng, anh không thích bon chen, kèn cựa để lấy danh. Bởi anh quan niệm, hội họa là tu thân. Họa sĩ là người có tự do cá nhân, không phải áp lực vị trí như những người khác nên anh luôn tranh thủ điều kiện này để tu thân. Tu thân để có hiểu biết tốt hơn, tâm hồn thanh thản, trở thành người tốt hơn.

“Nhiều người cho rằng, thành công của nghệ sĩ là phải nổi tiếng, bán được tranh, có xe hơi, nhà lầu. Tôi lại nghĩ, thành công của nghệ sĩ chân chính là trưởng thành về nhận thức. Có những giai đoạn không bán được tranh, phải đi vay mượn, tôi nghĩ đó cũng là điều vốn quý và không thể khác được. Rất khó để có thể trôi chảy cả việc muốn tự do, muốn vẽ, muốn tu thân lại muốn có ô tô để đi. Như thế quá tham lam rồi”, anh bộc bạch.

Vẫn có những nghệ sỹ tiếng tăm vẽ "tranh hàng"

Cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, giới làm hội họa cũng rơi vào tình thế khó khăn như mọi ngành nghề khác. Tranh đã khó bán, tranh trừu tượng lại càng khó bán hơn. Chính Trần Nhật Thăng cũng thừa nhận, anh không hiểu vì lý do gì mà mình lại có thể sống được để theo nghề đến tận bây giờ. Ở miền Bắc, đếm trên đầu ngón tay những họa sĩ theo đuổi trường phái trừu tượng như Trần Nhật Thăng. Một phần vì trường phái này khó vẽ, phần khác cũng vì tranh trừu tượng bán không chạy như trường phái tranh hiện thực.

HS Tran Nhat Thang va buc tranh Mien Tim

Họa sĩ Trần Nhật Thăng bên bức tranh Miền tím

“Đời sống như vậy chính là thử thách. Ai dũng cảm, lỳ lợm thì sẽ vượt qua. Còn những người khác bán được tranh, kể cả là người có tiếng tăm nhưng nhìn sâu vào sẽ biết ngay là họ vẽ tranh hàng. Làm tranh hàng thì dễ, nhưng đó không phải lao động nghệ thuật. Tôi rất tách bạch hai điều đó”, họa sĩ tâm sự.

Trần Nhật Thăng là vậy, người luôn tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, anh không trách cứ những họa sĩ phải đi vẽ tranh hàng để kiếm sống. Vì dù sao, một họa sĩ bình thường phải bản lĩnh, đối diện với chính mình đã là điều khó. Đối diện với đời thường điện nước, xe cộ… càng khó hơn. Anh nhận định, có một lứa họa sĩ gần đây phải mưu sinh, lo toan nên họ phải xoay đủ mọi cách. Họ đặt vấn đề mưu sinh quá lớn nên họ phải vẽ tranh hàng để sống. Anh chỉ giận những người đánh lận giữa tranh hàng và nghệ thuật, lừa công chúng.

Cũng bởi tâm huyết như thế nên đó cũng là một phần lý do khiến Trần Nhật Thăng dừng vẽ suốt 9 năm. Đặc biệt, khi anh theo đuổi trường phái hội họa khó như tranh trừu tượng, Trần Nhật Thăng lại càng phải đặt yếu tố cảm xúc lên hàng đầu. Với anh, một tác phẩm hoàn thiện là khi nó được xuất phát từ tấm lòng, trí não, tâm hồn hoàn thiện, trong sáng, tâm trạng của mình. Tâm trạng ấy có thể bình lắng hoặc sục sôi. Nam họa sĩ cho rằng, đã là một họa sĩ hành nghề họa sĩ thì không có cảm xúc vẫn phải ép mình vào công việc. Thế nhưng, điều đó chỉ hợp hơn với trường phái tranh hiện thực còn vẽ tranh trừu tượng không cố được.

“Khi nuôi dưỡng được cảm xúc thì tôi sẽ thể hiện rất trôi chảy. Đó là lý do có đêm tôi vẽ được 10 bức, vẽ xuyên đêm và không ngừng nghỉ. Trong hội họa, tôi nghĩ nên chân thành bằng cái tâm của mình. Làm việc một cách thực sự chân thành. Một khi đã không chân thành thì tranh cũng chỉ là diễn. Điều này nghiệt ngã nhưng nó là sự thật”, Trần Nhật Thăng quan niệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.