Thuyết phục ông Trump không vội vã thỏa thuận ngừng bắn với Nga
Theo hãng tin Reuters, dù 2 chuyến công du được tiến hành riêng nhưng mục đích cuối cùng của cả hai lãnh đạo Anh, Pháp được cho là cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên vội vàng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với ông Putin bằng mọi giá.
Ngoài ra, 2 nhà lãnh đạo Anh và Pháp sẽ cùng bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ tạo điều kiện để châu Âu tham gia vào các cuộc đàm phán và thảo luận về những bảo đảm về quân sự cho Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer đang tìm cách thuyết phục Tổng thống Trump không nên vội vã tìm kiếm thỏa thuận về cuộc xung đột Ukraine với Nga (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Pháp Macron vốn có mối quan hệ tốt đẹp với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của cả 2 nhà lãnh đạo, nhấn mạnh việc chấp nhận thỏa thuận tồi với Nga chẳng khác nào Ukraine đầu hàng đồng thời phát đi tín hiệu về sự yếu kém của Mỹ tới các đối thủ như Trung Quốc, Iran.
"Tôi sẽ nói với ông Trump: Ông không thể tỏ ra yếu đuối trước Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đó không phải là con người thực sự của ông và cũng không phù hợp với lợi ích của ông", Tổng thống Pháp phát biểu trong một buổi hỏi đáp trực tuyến trước thềm chuyến thăm Nhà Trắng vào ngày 24/2.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer, người dự kiến có mặt tại Washington trong ngày 27/2, cảnh báo không nên để việc chấm dứt xung đột tại Ukraine chỉ là khoảng dừng tạm thời trước khi ông Putin một lần nữa phát động tấn công.
Chuyến thăm Washington của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer diễn ra trong bối cảnh thời gian qua căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky leo thang nhanh chóng. Cả ông Trump và ông Zelensky đã có những lời lẽ không mấy dễ chịu nhằm vào nhau.
Bên cạnh đó, hồi cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump dù ca ngợi cả 2 nhà lãnh đạo là "những người rất tốt" nhưng công khai chỉ trích ông Macron và ông Starmer chưa làm được gì giúp kết thúc cuộc chiến ở Ukraine.
Giáo sư Philip Golub, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Mỹ ở Paris, nhận định những động thái đột ngột và bất ngờ của ông Trump trong thời gian đầu nhậm chức cùng với những tuyên bố từ các quan chức Mỹ khác, đã ra gây cú sốc lớn cho cả châu Âu.
"Họ không thể ngờ từ bên trong nước Mỹ lại nổi lên một liên minh các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể thách thức tiếng nói của châu Âu trong vấn đề quốc tế một cách rõ ràng và mạnh mẽ đến vậy", Giáo sư Golub nhận định.
Theo Giáo sư Golub, Tổng thống Pháp Macron tin ông đã có vai trò lịch sử khi đến Washington nhằm đảm bảo châu Âu có thể tham gia các cuộc đàm phán cuối cùng về Ukraine. Tuy nhiên, việc ông Macron có đạt được mục tiêu trong chuyến công du lần này hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Sẵn sàng cho kịch bản hậu chiến ở Ukraine
Trong khi đó, Reuters đưa tin, giới chức phương Tây cho hay, quân đội Anh và Pháp đã bắt đầu lên kế hoạch cho các kịch bản hậu chiến ở Ukraine mùa Hè năm 2024. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã được đẩy nhanh vào tháng 11/2024 sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cả Anh và Pháp hiện đã loại trừ khả năng trực tiếp đưa quân đến Ukraine song vẫn tính đến khả năng tập trung cung cấp viện trợ về không quân, hải quân, lục quân và an ninh mạng cho Ukraine nhằm ngăn chặn Nga tiến hành các cuộc tấn công trong tương lai.

Ukraine đang rất cần vũ khí trang thiết bị quân sự để duy trì cuộc chiến với Nga trước thềm các cuộc đàm phán (Ảnh Shutter Stock).
Cụ thể, các loại vũ khí, trang thiết bị không quân và hải quân của 2 nước có thể được triển khai tại Ba Lan hoặc Romania nhằm đảm bảo duy trì không phận và hải phận an toàn tại khu vực Biển Đen phục vụ cho các hoạt động vận tải quốc tế.
Bên cạnh đó, Anh và Pháp cũng tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình sang Ukraine. Dù việc triển khai quân có thể không cần đến sự hiện diện trực tiếp của binh sĩ Mỹ, song các biện pháp răn đe dưới hình thức tên lửa tầm trung và vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn sẽ đóng vai trò then chốt.
Theo giới chức châu Âu, lực lượng gìn giữ hòa bình nói trên sẽ không trực tiếp tham gia bảo vệ khu vực tiền tuyến hoặc đường biên giới dài 2.000 km của Ukraine mà tập trung bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng biển hoặc các nhà máy điện hạt nhân nhằm trấn an người dân Ukraine.
Một quan chức quân sự Pháp cho hay còn quá sớm để bàn về số lượng binh sĩ gìn giữ hòa bình sẽ được triển khai tại Ukraine bởi điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận cuối cùng giữa các bên và liệu các lực lượng ngoài châu Âu có cùng tham gia hay không.
"Điều quan trọng không phải là số lượng quân ở Ukraine, mà là khả năng huy động và sắp xếp mọi lực lượng thành các đơn vị có thể phối hợp hiệu quả", vị quan chức này cho biết.
Một quan chức phương Tây nhận định, khi đó ngay cả 30.000 binh sĩ cũng có thể được coi là con số quá lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận