Cuộc làm việc "đặc biệt"
Ngày 28/6, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đã có buổi làm việc với chính quyền 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An về công tác GPMB dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2019 (đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt).
Đây là một cuộc làm việc "đặc biệt" của Thứ trưởng, bởi lẽ những người được mời đến dự và nêu ý kiến đều là lãnh đạo các xã, phường, thị trấn, nơi có tuyến cao tốc đi qua.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: Trong công tác đền bù GPMB dự án thì địa phương và ở đây là chính quyền cấp xã là đơn vị làm trực tiếp, đơn vị đầu mối nắm bắt các khó khăn vướng mắc phát sinh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, trong giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ đã yêu cầu các Ban QLDA phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, nắm bắt và giải quyết sớm các kiến nghị của địa phương, để tạo tiền đề thuận lợi nhất, khi triển khai GPMB, thi công dự án.
Tại buổi làm việc, lần lượt các chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã nơi có tuyến cao tốc đi qua nêu lên những vấn đề đang vướng mắc, phát sinh tại địa phương.
Đơn cử như tại xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch xã này lo ngại: Địa hình xã là vùng bán sơn địa, nước chảy từ Tây sang Đông, tuyến cao tốc hình thành dù thiết kế có các cống tiêu nước nhưng không làm kênh thoát, hố thu nên sẽ có thể gây úng ngập cục bộ một số khu vực, nguy cơ ảnh hưởng đến một số diện tích đất sản xuất của người dân.
Hay như kiến nghị của chính quyền xã Hưng Tây đối với Bộ là người dân mong muốn có thêm các hầm chui dân sinh để phục vụ đi lại và sản xuất. Số lượng hầm chui, đường gom như phương án vẫn chưa hợp lý, sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân sau này.
Các địa phương ở vùng trũng, vùng hay bị ngập lụt thì đề nghị Bộ khi làm đường gom nên xem xét cao trình phù hợp, có khả năng kết nối với các tuyến giao thông hiện hữu. Đặc biệt, cho làm phần kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng, thay thế bê tông nhựa, để nâng cao tuổi thọ của đường.
Một vấn đề khác cũng được nêu ra tại buổi làm việc chính là đề xuất nắn tuyến tránh nghĩa trang và xây dựng hoàn trả công trình công cộng.
Đại diện chính quyền thị trấn Hưng Nguyên cho biết: Phong tục của người dân địa phương là phải chôn 3 năm mới cất bốc. Chắc chắn khi thực hiện GPMB, di dời mồ mả sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án. Đề nghị Bộ xem xét cho nắn tuyến để địa phương thuận lợi hơn khi GPMB.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa thì cho rằng: Các công trình công cộng như: Trường học, công sở, chợ, nhà văn hóa…do sử dụng đã lâu, theo quy định khi xác định giá trị bồi thường sẽ tính trên cơ sở khấu hao tài sản. Do đó giá trị bồi thường công trình rất ít, thậm chí giá trị bằng không. Lúc xây dựng hoàn trả công trình lại là làm mới theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương, thì làm tăng vốn đầu tư, vượt khả năng địa phương.
Không để vấn đề mặt bằng làm tăng vốn, chậm tiến độ dự án cao tốc
Trước các kiến nghị của các xã, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tuyến cao tốc là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH. Với ý nghĩa đó ta phải ưu tiên cái lâu dài, không vì một vài vướng mắc trước mắt mà nắn tuyến làm giảm công năng, tốc độ khai thác của tuyến đường. Các huyện, xã phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu, đồng thuận vì cái chung, cái lâu dài.
Đối với những kiến nghị chính đáng của người dân như: Bổ sung cống chui, đường gom, bồi thường phần diện tích đất kẹt, đất thừa không sản xuất được..., Bộ GTVT và tỉnh sẽ có cơ chế giải quyết thỏa đáng. Với các khu tái định, các huyện phải tính toán xây dựng hạ tầng phù hợp, giảm thiểu sự chênh lệch về giá giữa nơi ở cũ với nơi ở mới. Bổ sung quy hoạch khu nghĩa trang sau khi di dời.
Ông Vinh cũng đề xuất Bộ cho cơ chế để tỉnh mượn vốn từ công tác GPMB xây dựng hạ tầng khu tái định cư và hoàn trả khi quyết toán dự án. Bởi nếu chờ tỉnh bố trí ngân sách xây dựng thì chắc chắn sẽ các địa phương sẽ không đảm bảo được tiến độ GPMB.
Giải đáp các kiến nghị của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Ban QLDA phải cử cán bộ về phối hợp, làm việc với từng địa phương, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của người dân với tinh thần cầu thị nhất. Sau đó, tập hợp lại giải quyết dứt điểm, những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Bộ.
Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các xã khi thực hiện bồi thường GPMB phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật như: Luật đất đai, Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường GPMB, làm tái định cư. Các cấp chính quyền địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt công tác chuẩn bị để khi bắt tay vào thực hiện không để xảy ra sai sót, vướng mắc.
“Chính phủ đặt quyết tâm là tới tháng 4/2020 sẽ tiến hành khởi công dự án và cơ bản thông tuyến vào năm 2021. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tới tìm hiểu, mua hồ sơ mời thầu dự án. Tuy nhiên, điều các nhà đầu tư lo ngại vẫn là vấn đề mặt bằng - yếu tố chính dẫn đến việc tăng vốn, chậm tiến độ ở các dự án xây dựng cơ bản. Vì vậy, yêu cầu đặt ra lúc này với Bộ và các địa phương là phải tập trung làm tốt công tác này, đảm bảo đúng tiến độ mà Chính phủ đã đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận