Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội tranh luận lại với ĐBQH Dương Trung Quốc về vụ Đồng Tâm |
Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng nay, 7/11, ĐBQH, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã tranh luận làm rõ ý kiến mà ĐBQH Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội liên quan đến thông tin ông Lê Đình Kình được cho là bị đánh, bắt trong vụ Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).
Theo ông Đào Thanh Hải, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã rất nghiêm túc thành lập đoàn thanh tra do Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn. Quá trình thanh tra cũng đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của Công an TP. Hà Nội.
Đại tá Hải cũng thông tin sự việc xảy ra khi cơ quan điều tra tiến hành bắt ông Lê Đình Kình, gia đình ông Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân.
“Sau đó ông Kình có tố giác một cán bộ đã đánh ông bị gãy chân. Thực tế trong quá trình điều tra, kiểm tra lại, thấy người cán bộ công an đó tuy có mặt tại hiện trường nhưng không hề tham gia vào việc bắt giữ. Căn cứ vào kết luận thanh tra thì không có vấn đề gì về việc lực lượng thi hành nhiệm vụ. Đây hoàn toàn là trong quá trình giằng co nên xảy ra việc đáng tiếc như vậy!”, ông Đào Thanh Hải cho biết.
Ngay sau phát biểu của ông Đào Thanh Hải, ĐB Dương Trung Quốc đã giơ biển nhưng không tranh luận mà muốn “bình luận”.
“Tại sao bây giờ thông tin này mới đến được Quốc hội? Phải chăng đó là cách làm của công an Hà Nội? Tôi lại nhớ lại câu chuyện trên cầu Thăng Long là “gạt tay trúng má”. Tốt nhất ta công khai để người dân bình luận rằng ông già 82 tuổi có tự gãy chân không? Chưa kể theo luật, đây là người cao tuổi thì không làm vậy dù người ta có tội”.
Trước đó, trong phiên thảo luận cuối cùng về tình hình kinh tế, xã hội tại hội trường Quốc hội sáng 2/11, ĐBQH tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc đã đề cập đến một vấn đề mà ít có ĐBQH nào đề cập tới, đó là vấn đề lòng tin.
"Chúng ta phát biểu nhiều về các chỉ tiêu phát triển kinh tế, nhưng giá như chúng ta có thêm chỉ tiêu về lòng tin thì chắc chắn sẽ làm cho sự phát triển kinh tế thêm bền vững", ĐB Dương Trung Quốc nói.
Từ đó, ông dẫn dắt trở lại câu chuyện về điểm nóng Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) cách đây một kỳ họp.
Ông cho rằng, vụ việc đó là một sự khủng hoảng niềm tin chứ không phải thuần tuý là một vụ án hình sự, và tất cả những gì diễn ra ở đó có một yếu tố mà Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm, đó là việc các đề đạt ý kiến, những khiếu nại của dân không được quan tâm, xem xét một cách kịp thời, nó tích tụ lại nên mới có cảnh "tức nước vỡ bờ".
Theo ĐBQH Dương Trung Quốc, tính đến thời điểm nay, Chính phủ và Hà Nội đã có những chỉ đạo rất sát sao trong việc giải quyết vụ Đồng Tâm, nhưng 2,5 tháng nay, dân Đồng Tâm có kiến nghị liên quan đến kết luận của thanh tra TP Hà Nội nhưng chưa được một cơ quan nào trả lời.
Ông cũng chia sẻ, tại kỳ họp trước vào tháng 6/2017, ông đã viết thư cho các lãnh đạo cao nhất của T.Ư và Hà Nội, trong đó nêu vấn đề và đặt ra nhiều câu hỏi.
"Tại sao một lực lượng tinh nhuệ nhất, được huấn luyện, trang bị tốt nhất lại bị bắt giữ? Câu trả lời duy nhất là vì họ giữ được phẩm chất của CAND, họ không coi dân là kẻ thù và họ chấp nhận giải pháp như vậy. Tôi đã chứng kiến cảnh người dân và những người bị giữ chia tay nhau. Người dân bỏ tiền túi nuôi dưỡng anh em, và họ nói con cháu ở nhà còn không được như thế. Vậy mà chúng ta xử lý thế nào?", ĐB Quốc nói.
Ông thể hiện quan điểm tán thành việc thượng tôn pháp luật, phải xử lý đến cùng, tuy nhiên, ông băn khoăn khi cơ quan chức năng đã khởi tố những người dân Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những công an đánh dân, bắt dân bất hợp pháp lại hoàn toàn đứng ngoài vòng pháp luật, điều đó gây bức xúc cho người dân.
Một vấn đề khác liên quan đến thực thi pháp luật, vừa qua Công an Hà Nội kêu gọi những người dân Đồng Tâm bắt giữ cán bộ ra đầu thú, nhưng ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, dùng từ đầu thú là không ổn. "Chúng ta mất ngôn ngữ đối thoại với dân rồi sao?", ông đặt câu hỏi.
Theo vị ĐBQH này, để bắt giữ được đội ngũ cán bộ ấy chắc chắn không chỉ có một vài người, không phải chỉ là số ít mà hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, trong đó có cả phụ nữ, người già và trẻ em, vậy chúng ta có nên dùng từ đầu thú không? Tại sao không xuống với dân, lắng nghe và gạn lọc thông tin để có bước xử lý?
Ông cho rằng, chúng ta phải rút ra bài học sâu sắc, để không lặp lại những vụ việc như Đồng Tâm. ĐB mong các cơ quan chức năng trả lời kiến nghị của người dân về việc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận