Chỉ cần Bộ trưởng ra lệnh là dịch vụ lên mạng được ngay
Ngày 14/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với đại biểu bộ, ngành, cơ quan liên quan đến nội dung thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Cổng DVCQG được khai trương ngày 9/12/2019, đến thời điểm 16h ngày 13/2/2020, đã có trên 51.000 tài khoản đăng nhập một lần; trên 1,26 triệu hồ sơ đồng bộ. Tiếp nhận, xử lý trên 4.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ trên 4.000 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096).
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, liên quan xử phạt hành chính, Bộ đã triển khai với Tổng cục Đường bộ và đang xây dựng hệ thống khung cho lĩnh vực này. Do phải xây quy trình xử lý đưa vào cơ sở dữ liệu, thực hiện công tác đào tạo nên Bộ đề nghị thực hiện thí điểm trước ở Tổng cục Đường bộ rồi mới nhân rộng.
Tại đây, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an cho biết, đến hôm nay đã có thể tự tin báo cáo “giờ chỉ cần Bộ trưởng ra lệnh là dịch vụ lên mạng được ngay”.
Theo ông Đức, từ mùng 6 Tết (ngày làm việc đầu tiên sau khi nghỉ Tết Canh Tý), Cục CSGT đã cùng sát cánh với Văn phòng Chính phủ triển khai nhiệm vụ này. Đến 9h tối qua (ngày 13/2) thì cơ bản hoàn thành về quy trình nghiệp vụ.
Về lộ trình thực hiện, Thiếu tướng Lê Xuân Đức đề xuất, giai đoạn 1 nên triển khai thí điểm ở 5 địa phương gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận để đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân cũng như để người dân thấy sự thiết thực của các dịch vụ này.
“5 địa phương này có tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính chiếm một nửa của cả nước”, ông Đức nói và nêu, sau khi thí điểm, Cục CSGT sẽ triển khai trên toàn quốc.
Riêng với thủ tục thu lệ phí trước bạ, lãnh đạo Cục CSGT đề nghị giai đoạn 1 triển khai ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vì tỷ lệ đăng ký phương tiện giao thông ở đây là lớn nhất.
Vì sao tỷ lệ cấp đổi giấy phép lái xe tăng sau khi có Nghị định 100?
Ngay sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Thiếu tướng Đức lý giải rõ hơn cho thắc mắc của dư luận về việc tại sao sau khi áp dụng Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tỷ lệ cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) lại rất lớn?
“Tỷ lệ CSGT xử phạt nghiêm, thu bằng là có, nhưng cũng không loại trừ trường hợp báo mất để xin cấp GPLX thứ hai?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề và hỏi giải pháp của Cục CSGT trong trường hợp này.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có sự kết nối.
“Trước đây một lái xe có thể có 2-3 GPLX, có khi họ báo mất để được cấp lại, hoặc báo mất ở địa phương này để xin cấp ở địa phương khác, nhưng giờ đã có kết nối rất hiệu quả, nếu lái xe báo mất, trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ sẽ kiểm tra được ngay”, Phó Cục trưởng Cục CSGT giải thích. Theo ông, chính sự kết nối này đã khắc phục được tình trạng trên.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, những vấn đề về gian lận, dối trá, khai man để được cấp lại GPLX sẽ được xử lý rất nghiêm.
“Như vậy, việc tăng tỷ lệ cấp, đổi GPLX là nhu cầu thực tế chứ không phải do khai man, báo mất. Cơ quan Nhà nước đã phát hiện ra và khắc phục vấn đề này bằng kết nối chia sẻ giữa các cơ quan”, ông Dũng đánh giá.
50 - 60% đơn vị chưa đảm bảo việc thanh toán online
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, việc thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, hiện các bên cơ bản thống nhất quy trình nghiệp vụ, nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu hai chiều.
Quy định hiện hành thì việc in, sử dụng và quản lý biểu mẫu biên bản xử lý vi phạm giao thông là do công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm, thực hiện chủ yếu bằng giấy. Vì vậy, nếu triển khai dịch vụ này đồng bộ trên toàn quốc vào quý I/2020 là rất khó khăn.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để thực hiện hiệu quả việc thanh toán online với các dịch vụ công, tránh khiếu nại của người sử dụng dịch vụ công, cần phải có đơn vị đầu mối nắm được tình trạng xử lý dịch vụ công, tình trạng xử lý thanh toán của ngân hàng để đối chiếu, trả lời, tra soát, phản hồi cho người dân.
Cùng với đó, là thiết lập hệ thống xác nhận, trường hợp đã thanh toán thì hệ thống ngân hàng, đơn vị thanh toán trung gian sẽ không tiếp nhận tiền lần thứ hai.
Đại diện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - đơn vị xây dựng và vận hành cổng dịch vụ công quốc gia cho hay, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi quy trình thanh toán nhưng hiện có tới 50 - 60% đơn vị chưa đáp ứng được để đảm bảo việc thanh toán online.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc nộp thuế, nộp tiền vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, nếu làm tốt thì sẽ giúp giảm thời gian và chống tiêu cực, minh bạch cho người dân.
Theo Bộ trưởng, việc thực hiện online trực tuyến là phải liên tục, tự động hoá và công khai. Từ đó, ông yêu cầu, Kho bạc Nhà nước phải là đơn vị chủ động để tích hợp, có vai trò trong tra soát, đối soát với CSGT, thanh tra giao thông và cơ quan thuế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận