Sáng nay, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của UBTVQH và Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
16 huyện, 631 xã thuộc diện sáp nhập
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đề ra nhiều vấn đề quan trọng về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến năm 2021.
Theo đó, trong năm 2019 phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích và quy mô dân số, dự kiến, cả nước có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã.
“Sở dĩ ngay trong năm 2019 phải sắp xếp xong số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn là để sớm ổn định đơn vị hành chính, nhằm có thời gian chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng” - ông Tân giải thích.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn là chủ trương lớn của Đảng. Đặc biệt, đây là vấn đề khó, được dư luận xã hội quan tâm, có tác động lớn đến hoạt động quản lý nhà nước, cuộc sống của nhân dân, tâm tư của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị hành chính tiến hành sắp xếp.
Bộ trưởng Nội vụ cũng mong muốn các đại biểu góp ý vào nội dung sắp xếp, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để giải quyết chế độ, chính sách dôi dư và nguồn kinh phí triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn. Ông cho rằng, đây là những nội dung rất được các địa phương quan tâm, đảm bảo cho việc sắp xếp được thuận lợi, thành công.
Có chính sách ưu tiên cho các cán bộ dôi dư
Lãnh đạo Sở Nội vụ Thanh Hoá chia sẻ tại Hội thảo, Thanh Hoá là địa phương có diện tích và dân số lớn. Tuy nhiên hiện nay, đa phần các đơn vị hành chính cấp xã của Thanh Hoá có quy mô nhỏ, không đồng đều giữa các vùng miền, chưa có sự tương đồng, phù hợp giữa diện tích và dân số, đơn vị hành chính ở đồng bằng có diện tích nhỏ nhưng dân số lớn, ở miền núi diện tích lớn nhưng dân số bé.
Cụ thể, tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 463 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích. 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 101 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn dân số. 66 đơn vị hành chính cấp xã và không có đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số.
Như vậy, Thanh Hoá là đơn vị có số đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp rất lớn, 66 xã không đạt các tiêu chí, chiếm khoảng 10% tổng số đơn vị của cả nước.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Thanh Hoá, tỉnh đã chủ động chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng đơn vị hành chính, xây dựng lộ trình, kế hoạch sắp xếp. Tuy nhiên, do thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể của Trung ương, nguyên tắc, lộ trình, thời gian, phương án tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ công chức viên chức nên địa phương lúng túng trong thực hiện.
Vị lãnh đạo này cũng kiến nghị bổ sung quy định các đơn vị hành chính đã sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 thì tuỳ theo điều kiện thực tế xem xét sắp xếp trong giai đoạn 2022-2030 nhằm bảo đảm sự ổn định của đơn vị hành chính, tránh sắp xếp nhiều lần trong giai đoạn tiếp theo.
Theo quy định về số lượng lãnh đạo, biên chế công chức viên chức sau khi sắp xếp, sáp nhập không cao hơn số lượng hiện có của đơn vị trước khi sắp xếp. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Nội vụ Thanh Hoá cho rằng cần nghiên cứu, đề ra giải pháp cụ thể cho phù hợp với luật thì mới khả thi khi thực hiện.
Cụ thể, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thường trực HĐND cấp xã có Chủ tịch và một Phó chủ tịch HĐND, UBND có không quá 5 thành viên, vì vậy việc sắp xếp số lượng lãnh đạo của HĐND và UBND cấp xã của đơn vị hành chính mới, nhất là cấp phó, nếu bố trí tăng thì trái luật, nếu không bố trí tăng thì rất khó giải quyết những trường hợp sau khi sáp nhập, ngoài việc số lượng cán bộ công chức tăng lên còn xem xét bố trí cho trưởng các đoàn tổ chức chính trị xã hội.
Ông Nguyễn Huy Độ, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương cho biết Hải Dương có 12 huyện, thị xã; 265 xã, phường, thị trấn. Trong đó, cấp huyện có 1 đơn vị đủ cả hai tiêu chí, 11 đơn vị thiếu một trong hai tiêu chí. Trong 265 xã, phường, thị trấn có 28 xã thiếu cả hai tiêu chí.
Ông Độ bày tỏ nhiều băn khoăn về công tác sắp xếp cán bộ. “Nếu thực hiện theo quy định, ví dụ có xã nhập vào có 3 đồng chí bí thư xã, 3 đồng chí chủ tịch, 3 phó chủ tịch mà chỉ có giảm, không bao giờ có vượt lên thì việc sắp xếp thế nào là cả một vấn đề. Mỗi xã bình quân có 21 cán bộ, nhân ba lên thì giải quyết thế nào, chưa kể số cán bộ không chuyên trách?” - ông đặt vấn đề.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay cán bộ công chức cấp xã có đủ điều kiện, tiêu chuẩn có thể được xem xét để chuyển thành cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên.
Hai ba xã nhập vào, đang có 2,3 chủ tịch xã thì chỉ có một người làm chủ tịch thôi, những trường hợp khác nếu tới đây chúng ta liên thông (không phân biệt công chức xã và công chức huyện trở lên) thì chúng ta sẽ thực hiện theo một chính sách khác, mang tính chất tiếp nhận, điều động công tác.
Ông Tuấn cũng gọi ý, có thể nên ưu tiên nếu kế hoạch tuyển dụng của tỉnh, kể cả bộ, ngành, trung ương thì cho những người đang làm cán bộ công chức cấp xã đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có nguyện vọng dự tuyển vào làm việc công chức ở các cơ quan từ cấp huyện trở lên. Theo ông, đây là chính sách ưu tiên và cũng là giải pháp giải quyết việc vướng về bố trí sắp xếp khi có nhiều phó, nhiều trưởng.
“Tôi nghĩ đúng ra một xã có một chủ tịch UBND và 3 phó chủ tịch. Nhập lại cũng chỉ nên thế thôi. Còn những trường hợp cũng có năng lực, sức khoẻ, có đủ phẩm chất, đủ tiêu chuẩn thì tạo điều kiện, ưu tiên cho họ chuyển đến những cơ quan nhà nước ở trong tỉnh từ cấp huyện trở lên mà còn thiếu biên chế” - ông Tuấn nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận