“Ngập” trong họp hành
Sau nhiều lần thất hẹn, đến 19h ngày 13/11, PV Báo Giao thông mới chính thức làm việc được với ông Nguyễn Dũng, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai để tìm hiểu về con số kỷ lục về các cuộc họp lãnh đạo Sở này đã tham trong thời gian qua mà ông đã đề cập đến trong một cuộc họp trực tuyến của tỉnh Gia Lai.
Theo thống kê của Sở này, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến 11/11, lãnh đạo Sở đã tham gia 926 cuộc họp tại cơ quan trung ương và tỉnh, đồng thời chủ trì trên 400 cuộc họp khác tại cơ quan để triển khai công việc. Theo đó, hầu như mỗi ngày lãnh đạo Sở đều phải tham gia nhiều cuộc họp, áp lực họp đã ảnh hưởng đến nội dung công việc của ngành.
“Tôi thương các anh em cấp dưới vì áp lực với công việc. Đều đều, 6h tối, đáng lẽ đã về nhà với gia đình lại phải ngồi ở đây để đọc tài liệu, ký tá giấy tờ… Mà tôi ở đây thì anh em cấp dưới phải giúp tôi tài liệu, giải thích những nội dung công văn, giấy tờ tham mưu nữa chứ. Có khi cán bộ của tôi đón con về cơ quan cho chơi ở khuôn viên để đợi xong việc mới chở về nhà. Khổ lắm!”, vị giám đốc Sở này tâm tư.
Trong phòng Giám đốc Sở này "ngập" tài liệu, văn bản chờ trình ký, chờ ý kiến xử lý. Các phòng làm việc khác tại sở này cũng như các nhân viên cũng phải ở lại để giải quyết công việc trong ngày. Nguyên do làm việc quá giờ này là phải “gồng” mình họp hành, công việc thì nhiều.
Nêu vấn đề họp nhiều, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai viện dẫn, trong tháng 1/2019, Sở này tham gia tới 40 cuộc họp. Tương tự, tháng 5/2019, sở này không đủ cán bộ lãnh đạo đi họp nên cử các lãnh đạo phòng tham gia tất cả 53 cuộc họp. Chỉ riêng trong 11 ngày đầu tháng 11, sở này đã tham gia 14 cuộc họp… Số cuộc họp trên chưa thống kê các cuộc họp giải quyết công việc ở Sở.
Bên cạnh các cuộc họp là những văn bản đến trong ngày cần phải xử lý. Sở Tài chính tỉnh Gia Lai cho biết, có ngày Sở này nhận tới gần trăm văn bản công văn đến cùng với số lượng hồ sơ quá nhiều. Bốc ngẫu nhiên trong tập báo cáo công văn đến ngày 22/10, bảng thống kê công văn dày 3 trang thống kê có tới 96 văn bản trong ngày; ngày 30/10, Sở này nhận 82 văn bản.
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai Nguyễn Dũng cho biết, “Sở Tài chính dự họp trên 900 cuộc thì các cơ quan tổng hợp khác như Văn phòng UBND, Sở KHĐT cũng tương tự. Rất nhiều trường hợp cứ sáng nhận công văn hoả tốc, chiều xách cặp đi ….họp. Lịch họp quá nhiều, thời gian quá gấp, không thể chuẩn bị nội dung đầy đủ và còn phải xử lý việc nội bộ của cơ quan. Thế nên, bản thân khi tham gia các cuộc họp cũng không hài lòng vì chất lượng cuộc họp vì không có sự nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị từ trước”, vị giám đốc sở này nói.
Đảo lộn công việc
Liên quan đến việc họp hành trên, PV Báo Giao thông liên hệ với một lãnh đạo Sở khác ở tỉnh Gia Lai để tìm hiểu.
Vị này cũng cho biết đang họp và than phiền nhanh về văn bản "hoả tốc" mời dự họp, khá ảnh hưởng đến công việc cơ quan.
Do họp quá nhiều và có tình trạng sáng nhận công văn hoả tốc, chiều phải xách cặp đi họp nên công việc của cơ quan bị đảo lộn.
"Một lãnh đạo Sở đi họp phải kéo thêm một trưởng phòng hoặc chuyên viên đi theo. Trong khi đó, Sở thiếu biên chế lãnh đạo (chỉ mới có 1 phó giám đốc, còn thiếu 2 cấp phó chưa bổ sung). Họp nhiều nên không có người xử lý công tác nội bộ, đó là chưa kể đến việc mất thời gian đi lại, tốn kém tiền xăng xe, tiền in ấn tài liệu, công văn giấy tờ…”, ông Dũng cho biết.
“Công văn đóng dấu “Hoả tốc” là điều áp lực nhất đối với công việc của sở. Nhiều khi lên lịch làm việc cụ thể tại sở nhưng công văn đóng dấu “Hoả tốc” đến lại phải dời lịch làm việc sang thời điểm khác, ngày khác. Công việc cứ thế kéo dài ra và nhiều việc bị đảo lộn phải sắp xếp lại…”.
Ông Dũng cho biết, trong bối cảnh cả nước triển khai cải cách hành chính và tinh giản biên chế thì họp quá nhiều ảnh hưởng lớn đến tình hình chung của địa phương. Trong đó, có nhiều cuộc họp không có kết quả và vẫn phải họp đi họp lại nhiều lần vẫn chưa hồi kết…
Nêu ví dụ về việc xử lý quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp đối với công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai, tính đến nay đã có 26 cuộc họp mà không biết hồi nào xử lý dứt điểm; đối với họp xử lý thanh lý gỗ lâm sản tịch thu do vi phạm cũng diễn ra hàng chục cuộc họp, kéo dài nhiều tháng; Đặc biệt, hằng tuần đều phải tham gia cuộc họp tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh…
Vị giám đốc sở này cũng đề ra giải pháp để tỉnh cần phải thay đổi nhằm giảm bớt họp hành và nâng cao chất lượng cuộc họp, ông nêu: “Họp quá nhiều và không khoa học đang làm ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động chuyên môn của các cơ quan khác cũng như xử lý công việc sự vụ ở địa phương. Nhiều cơ quan không có trong thành phần cũng phải xách cặp đi họp. Lên ngồi nghe mà không thể xử lý công việc ở cơ quan.
Đáng ra, trước khi tổ chức một cuộc họp ít nhất phải thông báo trước 3 ngày kèm theo nội dung, tài liệu. Việc này là để cơ quan chuyên môn nghiên cứu góp ý và cũng để người chủ trì dễ dàng kết luận sau mỗi cuộc họp”, ông Dũng nêu.
“Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45 ngày 9/11/2018 cũng quy định về việc họp hành này”, ông Dũng nói và cho biết để cải cách hành chính ngay trong việc họp hành tại địa phương. Cụ thể, cơ quan chủ trì phải chịu trách nhiệm gửi tài liệu để tạo điều kiện cho người chủ trì kết luận. Trong kết luận cuộc họp, người chủ trì phải giao nhiệm vụ cụ thể và phần việc thực hiện. Việc cải cánh hành chính thay vì xách cặp đi họp thì sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ thay cho họp hành.
Việc tổ chức cuộc họp phải đúng phân cấp, đúng thành phần; Bố trí biên chế, bố trí bộ máy phải đảm bảo về số người, người có năng lực, tinh thông nghiệp vụ. Nếu cơ quan, đơn vị nào chậm trễ do không chủ động phối hợp hoặc thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực thì cần phải xử lý trách nhiệm. Cán bộ nào không có năng lực thì phải thay thế ngay, chứ không thể bố trí ngồi đó mãi mà công việc không trôi chảy. Không thể vì những cán bộ này mà gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp cản trở việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Dũng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận