Đường băng hiện tại của Tân Sơn Nhất chỉ có thể đạt tối đa 43 - 45 triệu khách/năm |
Chuyện lấy đất sân golf để làm đường băng nâng công suất CHK quốc tế Tân Sơn Nhất "nóng" trên mọi diễn đàn từ nghị trường Quốc hội đến báo chí, mạng xã hội những ngày gần đây. Bất chấp việc nhiều nghiên cứu, báo cáo đã chỉ rõ, xây đường băng thứ 3 là bất khả thi, vì phải giải tỏa tới hàng trăm nghìn hộ dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh - xã hội với thời gian xây dựng kéo dài cả chục năm.
Thực tế, nên hay không cần đầu tư mở rộng nâng công suất Tân Sơn Nhất không phải là chuyện mới. Từ hơn 3 năm trước, khi bàn việc xây sân bay Long Thành, vấn đề này đã được mổ xẻ kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học và cả bài toán kinh tế.
Thời điểm đó, phía Bộ GTVT cũng đã liên tục tổ chức các hội thảo khoa học tại cả miền Bắc và miền Nam, mời nhiều chuyên gia, nhà khoa học để trưng cầu ý kiến, bao gồm cả ý kiến phản biện và góp ý nhằm tìm phương án tốt nhất cho Tân Sơn Nhất, CHK quốc tế Long Thành.
UBND TP.HCM khi đó cũng đã liên tục có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cơ quan thẩm tra Dự án CHK quốc tế Long Thành cũng như gửi Bộ GTVT về sự tương quan trong mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và sự cần thiết đầu tư CHK quốc tế Long Thành.
Cụ thể, trong Văn bản số 4748 ngày 16/9/2014 gửi Bộ GTVT, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký nêu rõ: Nếu nâng công suất lên trên 50 triệu lượt khách/năm thì sân bay Tân Sơn Nhất phải được mở rộng về phía Bắc, diện tích bồi thường GPMB thêm 641ha, tổng chi phí GPMB hơn 9,1 tỷ USD.
Cũng theo văn bản trên, với quy mô mở rộng này, hệ thống giao thông xung quanh sân bay hiện hữu sẽ bị quá tải, dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên diện rộng. Nếu xây dựng các tuyến kết nối với sân bay như metro số 2, 4, 5, tuyến tàu điện một ray monorail số 2, tuyến đường trên cao số 1… đáp ứng nhu cầu sẽ cần khoảng 8,31 tỷ USD nữa.
Văn bản số 4748 ngày 16/9/2014 của TP.HCM gửi Bộ GTVT |
“Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng đến môi trường do phải di dời - tái định cư nhiều hộ dân, ô nhiễm tiếng ồn và khí thải vượt xa tiêu chuẩn. Mặt khác, sau khi hoàn thành mở rộng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ hạn chế rất lớn việc quy hoạch phát triển đô thị do bị khống chế phễu bay, chưa tính đến các yếu tố liên quan đến quy hoạch, quản lý vùng trời của Bộ Quốc phòng”, văn bản của UBND TP.HCM khẳng định.
Sau văn bản ông Tín ký, ngày 2/10/2014, ông Tất Thành Cang khi đó là Phó chủ tịch UBND TP.HCM (nay là Phó bí thư thường trực Thành ủy) cũng tiếp tục ký Văn bản số 5032 gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội với nội dung tương tự, đồng thời khẳng định UBND TP.HCM nhận thấy việc xem xét mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo hướng xây thêm đường băng không phải là giải pháp hiệu quả.
Vậy mà chỉ sau hơn 3 năm, mọi điều kiện hạ tầng, nguồn lực chưa có gì thay đổi, lại có nhiều ý kiến khác từ lãnh đạo TP.HCM.
Văn bản do ông Tất Thành Cang khi đó là Phó chủ tịch UBND TP.HCM (nay là Phó bí thư thường trực Thành ủy) ký gửi Ủy Ban kinh tế Quốc hội |
Có thể nói, chuyện làm sân bay Long Thành hay nâng cấp, mở rộng Tân Sơn Nhất đã được cân nhắc thiệt hơn, đã được nhiều cơ quan cấp cao, Bộ GTVT và các nhà tư vấn, chuyên gia và cả báo chí bàn bạc khá kỹ lưỡng. Quốc hội cũng mổ xẻ nhiều và nhận thấy dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chuyện bây giờ nên bàn và hữu ích hơn rất nhiều cho đất nước là làm thế nào có thể xây sân bay Long Thành nhanh nhất, để sớm có một sân bay tầm cỡ cạnh tranh với khu vực và thế giới, đồng thời phải xác định lại quy hoạch chung của TP.HCM, tính toán phương án hiệu quả cho sân bay Tân Sơn Nhất trong điều kiện cho phép, khả thi nhằm giải quyết nhanh tình trạng đang quá tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận