Theo đó, Bộ chỉ số mới được ban hành theo Quyết định 3019/QĐ-UBND bổ sung các chỉ tiêu về hạ tầng cấp tỉnh, huyện, xã theo Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công văn số 2516/BTTTT-CĐSQG ngày 30/06/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Quyết định ban hành Bộ chỉ tiêu và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp xã và cấp huyện giai đoạn 2023-2025.
DTI được đánh giá theo nguyên tắc: Việc đánh giá mức độ chuyển đổi số phải đảm bảo tính công khai, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng, kết quả chuyển đổi số của từng cơ quan, đơn vị, địa phương tại thời điểm đánh giá; Cho phép các cơ quan, đơn vị có thể tự đánh giá và đối chiếu với kết quả đánh giá của UBND tỉnh thông qua việc công khai phương pháp đánh giá, cách tính điểm đối với từng nội dung đánh giá.
Bộ chỉ số mới được ban hành cũng sửa đổi, bổ sung các chỉ số thành phần về Dịch vụ công trực tuyến liên quan đến chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Đồng thời, rà soát, bổ sung các chỉ tiêu về ứng dụng chuyển đổi số theo thực tế: Tỷ lệ người dân kích hoạt định danh điện tử mức độ 2; Tỷ lệ cài đặt Vneid, VSSID, Lào Cai Số…., cụ thể: Về cấu trúc chỉ số DTI các cơ quan cấp tỉnh có thủ tục hành chính: Bao gồm 06 chỉ số đánh giá chính với 55 chỉ số thành phần (trước là 35 chỉ số thành phần), thang điểm 1.000 điểm (Các chỉ số thành phần mới chủ yếu bổ sung 7 chỉ số về ATTT và điều chỉnh, bổ sung 12 chỉ số về dịch vụ công trực tuyến).
DTI các cơ quan cấp tỉnh không có thủ tục hành chính, bao gồm 6 chỉ số đánh giá chính với 43 chỉ số thành phần (trước là 28 chỉ số thành phần), thang điểm 800 điểm (Các chỉ số thành phần mới chủ yếu là bổ sung 7 chỉ số thành phần về ATTT).
DTI cấp huyện được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, bao gồm 08 chỉ số đánh giá chính với 109 chỉ số thành phần (trước là 65 chỉ số thành phần), thang điểm 1.000 điểm (Các chỉ số thành phần mới chủ yếu bổ sung 7 chỉ số về ATTT và điều chỉnh, bổ sung 12 chỉ số về Dịch vụ công trực tuyến, 10 chỉ số về hạ tầng số và một số chỉ số về Kinh tế số, xã hội số)
DTI các cơ quan cấp huyện bao gồm 6 chỉ số đánh giá chính với 47 chỉ số thành phần (trước là 30 chỉ số thành phần), thang điểm 1.000 điểm (Chỉ số thành phần mới chủ yếu là bổ sung 6 chỉ số thành phần về ATTT).
DTI cấp xã được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, bao gồm 8 chỉ số đánh giá chính với 85 chỉ số thành phần (trước là 62 chỉ số thành phần), thang điểm 1.000 điểm (Chỉ số thành phần mới chủ yếu là bổ sung 5 chỉ số về ATTT, 5 chỉ số về hạ tầng số, 12 chỉ số về dịch vụ công trực tuyến và một số chỉ số thành phần về kinh tế số, xã hội số).
Việc đánh giá chuyển đổi số của các địa phương, cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh theo Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số được tổ chức định kỳ hàng năm; thời hiệu số liệu được tổng hợp từ ngày 01/01 đến ngày 10/12 của năm đánh giá; Các cơ quan cấp huyện, UBND cấp xã gửi số liệu đánh giá trước ngày 15/12 của năm đánh giá; Các đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện gửi số liệu đánh giá trước ngày 25/12 của năm đánh giá; Hội đồng xác định chỉ số DTI kiểm tra số liệu, đánh giá xếp hạng xong trong tháng 01 của năm kế tiếp.
Đồng thời, việc đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương, giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thành các mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 20-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận