Giao thông đi trước một bước, dẫn đường cho phát triển
Nhìn lại hơn 2 năm thực hiện đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những "hợp phần" được đầu tư với phương châm "giao thông đi trước một bước, dẫn đường cho phát triển".
Tháng 12/2020, tức là sau 2 tháng diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Lào Cai đã triển khai thi công nút giao Phố Lu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tổng kinh phí đầu tư 150 tỷ đồng.
Đây cũng là một trong những dự án giao thông trọng điểm đầu tiên hiện thực hóa đột phá về kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết Đại hội.
Nút giao kết nối TL152 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao Phố Lu) được xác định là đầu mối giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, kết nối các huyện: Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên và các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần của tỉnh Hà Giang.
Nút giao này còn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển vật tư, vật liệu, sản phẩm của hơn 30 nhà máy thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng) với khối lượng trên 10 triệu tấn/năm.
Với tính chất quan trọng như vậy, tỉnh Lào Cai đã khẩn trương bố trí nguồn lực, tổ chức thi công nhanh nhất có thể để sớm đưa dự án vào khai thác.
Sau 16 tháng thi công, dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng và ngày càng chứng minh được tính hiệu quả trong việc kết nối hạ tầng giao thông từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai tới các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Thắng và các huyện lân cận của tỉnh Hà Giang, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, nâng cao năng lực khai thác tuyến cao tốc, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngoài nút giao IC16, dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 156 đoạn Bản Vược - A Mú Sung (Bát Xát) cũng là dẫn chứng thuyết phục của chủ trương đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông.
Đây là tuyến đường quan trọng, không những kết nối từ thành phố Lào Cai dọc theo sông Hồng lên thượng nguồn mà còn là tuyến đường vành đai biên giới. Do đưa vào khai thác từ lâu nên mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Trên tuyến còn có các ngầm tràn và cầu tràn (Tân Long, Bản Mạc và Trịnh Tường) thường xuyên bị ngập trong mùa mưa, khiến giao thông bị gián đoạn và mất an toàn giao thông.
Do đó, việc đầu tư, cải tạo tuyến đường là rất cần thiết. Ngay sau khi được phân bổ vốn, các đơn vị liên quan đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục để khởi công dự án.
Chỉ mất 5 tháng (từ tháng 10/2022 và đến tháng 2/2023), dự án nâng cấp, cải tạo TL156, trong đó nâng cấp đoạn từ Cốc Mỳ - Trịnh Tường - Cột cờ Lũng Pô với chiều dài 30,2 km đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Đây chỉ là 2 trong nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai nhằm cụ thể hóa chủ trương đột phá về kết cấu hạ tầng mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, có thể nhận thấy kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội được tích cực triển khai và đạt kết quả quan trọng.
Các dự án lớn về giao thông đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường thủy cơ bản đã được phê duyệt chủ trương.
Nhiều dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Dự án Cảng Hàng không Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã giải phóng mặt bằng, đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án.
Tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang lập quy hoạch chi tiết sau khi Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giao thông đường bộ trên địa bàn được quan tâm, triển khai mạnh mẽ. Cụ thể, Bộ GTVT đầu tư nâng cấp sửa chữa gần 200 km quốc lộ qua địa bàn tỉnh (đã hoàn thành 86,2 km; đang thi công 69,2 km và chuẩn bị đầu tư 41,6 km), kết cấu mặt đường chủ yếu bê tông nhựa (chỉ còn 62 km mặt đường láng nhựa).
Trong đó, các tuyến kết nối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế như QL279 đoạn nối từ nút giao IC16 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Lai Châu được khởi công xây dựng tháng 9/2022; QL 4D đoạn Trạm Tôn đến trung tâm thị xã Sa Pa đang được đầu tư nâng cấp và cơ bản đạt quy mô 4 làn xe vào năm 2024; tích cực phối hợp với tỉnh Lai Châu triển khai dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên. Cùng với đó, 772 km đường tỉnh được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa.
Giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đến các trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh dần hình thành và hoàn thiện, trong đó nút giao với đường cao tốc tại Phố Lu được đưa vào khai thác, các nút giao trong khu vực thành phố đang được nâng cấp, mở rộng; đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa được đưa vào khai thác; đường Phố Mới - Bảo Hà hoàn thành cùng với các công trình cầu Làng Giàng, cầu Phú Thịnh đã và đang được đầu tư xây dựng sẽ trở thành cầu nối quan trọng nối huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên với thành phố Lào Cai và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa trong khu vực, đồng thời từng bước cụ thể hóa quy hoạch trục dọc sông Hồng của tỉnh.
Cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới tại xã Bản Vược đã hoàn thành đàm phán cấp nhà nước, đang hoàn thiện các thủ tục để tổ chức ký kết Hiệp định và Nghị định thư. Giao thông đường thủy nội địa trên sông Hồng gắn với phát triển thủy điện, du lịch, một số dự án kết nối giao thông quan trọng đến các khu du lịch, khu kinh tế lớn của tỉnh cũng đang được nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở GTVT - XD tỉnh Lào Cai khẳng định: "Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã huy động, bố trí nguồn lực lớn để đầu tư hạ tầng giao thông với mục tiêu tháo gỡ những nút thắt về giao thông để Lào Cai là trung tâm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và giữa Trung Quốc với Việt Nam, ASEAN và châu Âu.
Chính vì vậy, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Lào Cai đã triển khai đầu tư mạnh các dự án giao thông trọng điểm, giao thông kết nối, giao thông từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã và giao thông nông thôn".
Đột phá về hạ tầng giao thông thời gian qua chính là hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp đường tỉnh đến huyện tối thiểu là cấp IV, thậm chí một số tuyến trọng điểm đạt cấp III; đường huyện đến xã tối thiểu đạt cấp V; đường giao thông nông thôn được mở rộng, mặt đường rộng 3,5 m, nền đường rộng 6,5 m, đảm bảo đi lại thuận tiện cả 4 mùa". ông Huy nói.
Những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là rất quan trọng, tạo động lực để Lào Cai tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối đã đề ra, tạo sự phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Mục tiêu từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh như: cảng hàng không Sa Pa, cầu biên giới qua Sông Hồng tại xã Bản Vược và các cầu qua sông Hồng; tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, phát triển hệ thống đường tỉnh theo quy hoạch, trong đó ưu tiên các tuyến đường kết nối đến cảng hàng không Sa Pa, khu kinh tế, khu du lịch, các khu vực có tiềm năng phát triển của tỉnh như: đường kết nối từ cảng hàng không Sa Pa đến thị xã Sa Pa; kết nối từ cảng hàng không Sa Pa đến khu kinh tế cửa khẩu, theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về đường giao thông nông thôn; hoàn chỉnh các tuyến đường tuần tra biên giới theo quy hoạch được duyệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận