Xã hội

Lào Cai: Người dân "tố" nhiều trạm trộn bê tông “bức tử” môi trường Sa Pa

13/12/2020, 21:18

3 trạm trộn bê tông “án ngữ” ngay trong khu du lịch Quốc gia Sa Pa đã và đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc.

img

Trạm bê tông Hòa An Phát nằm ngay ngã ba giữa quốc lộ 4D và đường tránh Lai Châu, không những gây ô nhiễm môi trường mà nó còn là điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Thời gian qua, Báo Giao thông nhận được nhiều ý kiến của người dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cũng như khách du lịch phản ánh về việc tại địa phương này đang tồn tại 3 trạm trộn bê tông ngay trong khu du lịch Quốc gia Sa Pa, ngày đêm “bức tử” môi trường khu du lịch, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT và tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch của địa phương.

Có mặt tại thị xã Sa Pa, PV dễ dàng nhận thấy trên cung đường đến điểm du lịch Thác Bạc, tại phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa hiện có 2 trạm trộn bê tông đang hoạt động. Một trạm có tên là Hòa An Phát và trạm còn lại là Fansipan. Trạm trộn Hòa An Phát nằm chính diện ngã ba điểm giao cắt giữa Quốc lộ 4D và đường tránh thị xã Sa Pa.

Khu đất đặt trạm trộn bê tông này có diện tích rộng khoảng 1.000m2 và được chủ nhân cho ngăn cách với đường giao thông bằng những tấm tôn phế liệu cao chừng 1,5m; các tấm tôn này không có tác dụng ngăn bụi xi măng, cát, đá phát tác ra môi trường xung quanh.

Phía trong khu vực trạm trộn, cát, đá, xi măng tập kết, chất đống cao hơn bờ rào và không được che chắn. Đặc biệt, toàn bộ chất thải rắn và nước thải từ trạm trộn bê tông này không được thu gom, xử lý mà được đổ thẳng xuống ta luy âm phía sau, khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc. Cần nói thêm rằng, trạm trộn bê tông Hòa An Phát nằm tại vị trí ngã ba đường giao thông nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai giao thông do bị hạn chế về tầm nhìn.

Bà Nguyễn Thị Mão, tổ 1, phường Ô Quý Hồ cho biết, 2 năm trước cũng có một doanh nghiệp đến thuê đất nhà tôi để làm trạm trộn bê tông thương phẩm với giá thuê 4 triệu/tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó mới chỉ hoạt động được vài tháng, người dân khiếu kiện vì gây ô nhiễm môi trường, nên đã phải tháo dỡ chuyển đi nơi khác. Thế nhưng trạm trộn bê tông Hòa An Phát chỉ cách nhà tôi 50m, tồn tại từ lâu, người dân liên tục kêu về tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng không hiểu sao trạm trộn này vẫn hoạt động?.

img

Trạm bê tông của Công ty mặt trời Fansipan nằm sát quốc lộ 4D, nước từ bên trong trạm trộn chảy lênh láng trực tiếp ra môi trường.

Cách Trạm trộn bê tông Hoà An Phát không xa, Trạm trộn bê tông Fansipan của Công ty cổ phần mặt trời Fansipan, có mức độ gây ô nhiễm môi trường cũng không thua kém gì. Cụ thể, trạm trộn bê tông Fansipan nằm ở bên phía ta luy dương đường Quốc lộ 4D, cao hơn so với mặt đường khoảng 30m. Quan sát cho thấy, dòng nước đục ngàu từ trong trạm trộn bê tông chảy lênh láng ra đường và cống thoát ngước của người dân. Trong vòng bán kính 150m, lá cây phủ kín một lớp bụi xi măng trắng bạc.

Một du khách “ngao ngán” nói với chúng tôi rằng, khu du lịch quốc gia Sa Pa đẹp là vậy mà đi tới đâu cũng “ngộp thở” vì ô nhiễm môi trường do bụi cát, đá phát tán từ các trạm trộn bê tông. Các trạm trộn bê tông đặt trong khu du lịch Quốc gia là trăm cái hại mà không một cái lợi, cái lợi nếu có thì chỉ là lợi cho doanh nghiệp mà thôi.

img

Trạm bê tông của doanh nghiệp Đình Chinh - không biển, không hàng rào, không có hệ thống xử lý bảo vệ môi trường...

Tại trạm trộn bê tông nằm trên đường lên thôn Hang Đá, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa. Trạm trộn này không có bảng hiệu cho biết là của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào?, vị trí đặt trạm trộn bê tông này nằm sát đường giao thông (chỉ cách chừng 0,5m) và không có bất kỳ một hàng rào nào ngăn cách với đường giao thông. Do đó, vật liệu và các chất thải rắn của trạm trộn đổ tràn ra cả đường. Còn nước thải chảy xuống thung lũng Mường Hoa, nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất Sa Pa. Trạm trộn nằm trên một khúc cua, che khuất tầm nhìn khiến các phương tiện tham gia giao thông qua đây rất bức xúc.

Anh Lý A Giáng, nhà cách trạm trộn bê tông này khoảng 50m cho biết: Trạm trộn bê tông này là của doanh nghiệp Đình Chinh Sa Pa đã đặt ở đây hơn 3 năm nay, làm cho cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Trạm trộn hoạt động chủ yếu vào ban đêm, tiếng ồn rất lớn làm nhiều người không ngủ được. Chất thải của trạm trộn xả trực tiếp ra môi trường, khiến một số ruộng bậc thang của người dân ở phía dưới bây giờ không thể trồng lúa và trồng màu như trước.

"Chúng tôi bức xúc lắm, ý kiến nhiều rồi mà chưa nhận được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền", anh Lý A Giáng nói.

Làm việc với ông Nguyễn Trường An, PGĐ Công ty mặt trời Fansipan, là một trong 3 đơn vị có trạm trộn bê tông đang hoạt động trên địa bàn thị xã Sa Pa, bác bỏ phản ánh của người dân cũng như những hình ảnh mà chúng tôi đã ghi nhận tại hiện trường. Vị đại diện Công ty này khẳng định: “Trạm bê tông của tôi có đầy đủ giấy phép và là đơn vị thực hiện nghiêm túc nhất công tác bảo vệ môi trường. Vậy mà, “doanh nghiệp chúng tôi thường xuyên bị các cơ quan chức năng và báo chí vào làm việc xác minh này lọ mệt mỏi lắm”. Trong khi các trạm trộn khác không có giấy phép, gây ô nhiễm môi trường vẫn ngang nhiên hoạt động”?

Ông An cho biết thêm, tất cả nguyên vật liệu đầu vào như cát, đá, xi măng các trạm trộn bê tông ở Sa Pa đều phải vận chuyển từ dưới thành phố Lào Cai lên (cách khoảng 35 km - P/v) nên không làm ảnh hưởng gì đến cảnh quan khu du lịch Sa Pa. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi, vậy sao doanh nghiệp không đặt trạm trộn gần vùng nguyên liệu đầu vào để giảm chi phí thuê mặt bằng, cước vận chuyển và góp phần làm đẹp mỹ quan, môi trường khu du lịch Sa Pa? Ông An nói rằng, như vậy việc cung ứng không được kịp thời và chất lượng bê tông không đảm bảo.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND phường Ô Quy Hồ, ông Sùng A Sình, phó Chủ tịch phường xác nhận: Khu vực đặt 2 trạm trộn bê tông Fansipan và Hòa An Phát như hiện nay trên địa bàn là không hợp lý, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu du lịch và đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ TNGT, chính quyền phường đã nhiều lần ý kiến với các ngành chức năng của thị xã và tỉnh, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Ông Sùng A Sình, cũng cho rằng, Sa Pa là khu du lịch Quốc gia, hàng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng, vấn giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường và mất ATGT từ các trạm trộn bê tông trên địa bàn thị xã du lịch, xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch, đẹp, văn minh là việc không thể kéo dài, để du lịch Sa Pa phát triển bền vững.

Hơn bao giờ hết người dân thị xã Sa Pa và khách du lịch mong chờ sự vào cuộc sớm nhất của các ngành chức năng có thẩm quyền tỉnh Lào Cai xử lý các sai phạm và di dời các trạm trộn này ra khỏi khu du lịch Quốc gia Sa Pa?

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.