Xã hội

Lao động gặp khó bởi dịch Covid-19, kết dư quỹ Công đoàn chi vào đâu?

26/08/2021, 18:04

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa thông tin về nguồn tài chính công đoàn tích luỹ và kết quả chăm lo cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Kết dư quỹ công đoàn qua 4 đợt dịch Covid-19 còn bao nhiêu?

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có thông tin chính thức về nguồn tài chính công đoàn tích lũy và hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của tổ chức Công đoàn.

Cụ thể, liên quan tới nguồn tài chính công đoàn tích luỹ, được Kiểm toán Nhà nước xác nhận tại thời điểm 31/12/2019 là gần 28 nghìn tỷ đồng, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Đây là số dư của toàn bộ hệ thống Công đoàn Việt Nam gồm 4 cấp, không chỉ riêng cấp Tổng Liên đoàn.

Con số này được cập nhật trước thời điểm tổ chức Tết Sum vầy Canh Tý 2020. Với tổ chức công đoàn, thông thường thời điểm chi nhiều tiền nhất trong năm là dịp Tết Âm lịch, gắn với các hoạt động tổ chức Tết Sum vầy; theo đó tùy từng năm, số tiền sẽ được chi từ 20% - 27% để chăm lo cho người lao động”.

img

Công đoàn các cấp hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn bởi dịch Covid-19

Như vậy, tính đến nay, tổng số tiền tích lũy của Công đoàn Việt Nam, còn khoảng 15 nghìn tỷ đồng.

“Công đoàn khác với các tổ chức chính trị - xã hội khác, không được Nhà nước chi ngân sách để duy trì bộ máy và tổ chức hoạt động, mà phải tự cân đối thu – chi trên cơ sở cơ chế thu tài chính công đoàn và đoàn phí. Bên cạnh việc chi hàng năm cho đoàn viên, người lao động, Công đoàn phải dành khoản tích lũy cần thiết để đảm bảo duy trì tổ chức và xử lý các tình huống thực tiễn, vì quyền lợi cho 127.000 công đoàn cơ sở với 10,5 triệu đoàn viên, người lao động”, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.

Nguồn tài chính công đoàn tích luỹ được sử dụng tại 4 cấp của hệ thống công đoàn được sử dụng như sau: Tài chính tích luỹ tại công đoàn cơ sở tại thời điểm 31/12 hằng năm là nguồn mà công đoàn cơ sở chưa chi, dành chủ yếu cho việc chăm lo, thăm hỏi, tặng quà đoàn viên, người lao động vào dịp Tết Âm lịch (Tết Sum vầy). Theo phản ánh của các đơn vị, nguồn tài chính này được chi trong dịp Tết Âm lịch là chủ yếu, từ 60% đến 75%.

Tại công đoàn cấp trên cơ sở đến Tổng LĐLĐ Việt Nam, số tài chính tích luỹ được sử dụng cho các hoạt động chi thường xuyên, tổ chức chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở giai đoạn đầu năm tài chính; cấp kinh phí cho các đơn vị cấp dưới không cân đối được thu chi.

Đối với nguồn tài chính công đoàn tạm thời chưa sử dụng, các cấp công đoàn đã chủ động gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước, toàn bộ khoản tiền lãi phát sinh thu được từ gửi tiết kiệm này được bổ sung vào nguồn thu tài chính công đoàn.

“Các cấp sử dụng nguồn tài chính tích lũy này phải lập dự toán, được cấp trên phê duyệt, hàng năm công khai trong hội nghị ban chấp hành và tại đại hội công đoàn các cấp; được cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán theo các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước”, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Chi gần 4000 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, NLĐ trong mùa dịch Covid-19

Về kết quả chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ nguồn tài chính công đoàn, tính tới 25/8, công đoàn các cấp đã chi gần 3.950 tỷ đồng.

img

Bên cạnh chăm lo cho NLĐ, công đoàn các cấp cũng thực hiện hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch Covid-19

Trong đó có thể kể tới Quyết định số 643/QĐ-TLĐ ban hành tháng 5/2020 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người.

Tháng 1/2021, Tổng LĐLĐ tiếp tục ra Quyết định chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu với mức hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng/người tuỳ từng đối tượng.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Tổng LĐLĐ đã ban hành Quyết định về việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, với mức hỗ trợ từ 500 nghìn đến 5 triệu đồng/người tuỳ từng đối tượng.

Đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung,… được hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/đơn vị; cán bộ công đoàn tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/người/ngày…

Bên cạnh việc chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đối với lực lượng là cán bộ y tế, công an, quốc phòng và các đối tượng khác tham gia công tác chống dịch Covid-19, Tổng LĐLĐ đã hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg với số tiền 1.000.000 đồng /người; giao Công đoàn Y tế Việt Nam hỗ trợ thêm mỗi nhân viên y tế ở các bệnh viện trung ương đi làm nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch mức 2.000.000 đồng/người, mua hỗ trợ Thẻ bảo hiểm an toàn.

Mới đây nhất, Tổng LĐLĐ đã ban hành Quyết định 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 hỗ trợ đoàn viên, NLĐ đang làm việc tại các DN sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” với mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người, tổng số tiền hỗ trợ dự kiến là trên 1.000 tỷ đồng…

Ngoài các gói hỗ trợ nêu trên, Tổng LĐLĐ đã quyết định lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020 và năm 2021. Đối với đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng được miễn đóng đoàn phí công đoàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.