Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đỉnh điểm, có đến 80% lao động ngành hàng không nghỉ không lương, đến nay con số này vẫn còn khoảng 30%
Hơn 80% lao động GTVT bị giảm lương
Trong số các lĩnh vực ngành nghề chịu tác động của đại dịch Covid-19, lao động ngành GTVT bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, so với mặt bằng chung, tỉ lệ bị giãn, ngừng việc/nghỉ việc luân phiên của lao động ngành GTVT cao nhất, chiếm tới 88,8%.
Tầm ảnh chịu hưởng rộng nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn nơi tập trung mật độ dân cư cao, lưu lượng vận tải lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, tháng 4-5/2020
Với ngành GTVT, dưới các lệnh cấm và hạn chế đi lại trong thời gian giãn cách xã hội, người lao động của ngành này bị ảnh hưởng sớm nhất, rõ rệt nhất.
Đặc biệt, với những lao động phải vay mượn để đầu tư phương tiện vận tải phục vụ việc vận chuyển hành khách như taxi cổ phần, grab, thực sự lâm vào khó khăn lớn do công việc bị ngưng trệ, trong khi vẫn phải trả các khoản vay.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.
Khảo sát được thực hiện tại 124 cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; với trên 115.000 lao động trong cả nước.
Kết quả cho thấy trong thời gian cao điểm của đại dịch (từ tháng 4-5/2020), gần70% người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng việc làm.
Cụ thể, 38,9% bị giãn việc/ nghỉ việc luân phiên; 26,4% bị ngừng việc tạm thời.
Về thu nhập, 80,4% người lao động trong ngành GTVT bị giảm lương (số liệu chung của tất cả các ngành là khoảng 50%).
Với nhóm kinh doanh vận tải tư nhân, mức giảm lên đến 90-100% do không thể làm việc trong điều kiện người dân hạn chế tối đa việc đi lại, tiếp xúc công cộng, cũng như thời điểm thực hiện cách ly xã hội.
Trong khối GTVT, ngành hàng không bị tác động rõ rệt và thiệt hại nhất. Thời gian cao điểm phải dừng toàn bộ các chuyến bay thương mại trong nước và quốc tế để phòng chống dịch bệnh, gần như toàn bộ nhân viên khối bay (phi công, tiếp viên) phải nghỉ việc.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho biết, thời điểm dịch bệnh bùng phát đỉnh điểm, có đến 80% người lao động nghỉ không lương hoặc tạm hoãn, tạm giãn hợp đồng lao động và đến nay, con số này vẫn còn 30%.
Ngành hàng hải là trường hợp duy nhất đi ngược với bối cảnh chung của nhóm vận tải. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2020, ngành hàng hải cũng chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhưng nhờ đặc điểm tương đối độc lập của vận tải biển và nhu cầu thị trường giao thương, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, dù không cao. Do đó, việc làm, thu nhập của người lao động hầu như không bị ảnh hưởng tiêu cực.
GTVT cũng là ngành có số lượng người bị cắt giảm đóng BHXH với 21,3% nhiều thứ hai trong các lĩnh vực lao động (nhiều nhất là lao động ngành dịch vụ - du lịch với 31,7%). Lý do là bởi tỷ lệ cao người lao động làm việc luân phiên khiến không đủ điều kiện để đóng bảo hiểm theo quy định. Đây cũng được xem là một trong những thiệt thòi lớn của người lao động so với các ngành khác.
Giảm thịt, ăn nhiều rau và mì tôm hơn
Nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy trong khoảng thời gian ở nhà được nghỉ làm, giãn việc, hay mất việc do Covid 19,7% lao động ngành GTVT chỉ có thể ở nhà chăm con. Có 11,7% tìm kiếm việc làm khác để kiếm thêm thu nhập.
Về tình hình kinh tế, tài chính của gia đình, 71,4% phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, 38,1% phải sử dụng tiền tiết kiệm và 13% phải vay mượn người thân/ngân hàng. Đây là những khó khăn rất lớn mà lao động ngành GTVT phải đối mặt.
Chi tiết hơn, nghiên cứu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ ra bữa ăn và chế độ dinh dưỡng của người lao động còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng: 44,5% giảm thịt do giá thịt cao tiết kiệm chi phí, 39,6% ăn nhiều rau xanh hơn, 21% ăn nhiều mì tôm hơn, 20,3% giảm bữa, gộp bữa, 20,3% sử dụng lương thực, thực phẩm do người thân ở quê cung cấp, hỗ trợ.
Tuy nhiên, cũng ghi nhận những yếu tố tích cực của lao động ngành GTVT trong bối cảnh đại dịch khi có đến 62,8% tăng cường tập luyện thể chất rèn luyện ở nhà, 68,7% thường xuyên đeo khẩu khi ra khỏi nhà và 45% mang nước rửa tay khô khi ra khỏi nhà.
Đặc biệt, với đặc trưng thường xuyên phải di chuyển trên đường, ít có thời gian dành cho gia đình, con cái, nhờ những đợt giãn cách xã hội, 76% người lao động ngành GTVT cho biết có nhiều thời gian hơn để gần gũi, thấu hiểu, chia sẻ với gia đình.
Tuy nhiên, nhìn toàn cục, đại dịch Covid 19 chủ yếu làm ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực đối với lao động ngành giao thông – vận tải, không chỉ trong thời điểm đại dịch mà còn cả trong tương lai. Hàng loạt dự định, kế hoạch của bản thân và gia đình người lao động bị đình trệ, không thể thực hiện.
Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, tháng 4-5/2020
Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu rộng, nhưng GTVT lại được cho là có tiềm năng khôi phục hoạt động nhanh hơn các ngành sản xuất, chế biến. Do đó, chúng ta tin tưởng rằng cùng với sự khôi phục của nền kinh tế, đặc biệt là tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 đang ngày càng được đẩy nhanh cả trong và ngoài nước, lao động GTVT sẽ sớm được quay trở lại công việc, ổn định tình hình việc làm và đời sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận