Xã hội

Lao động nghèo chật vật xoay xở giữa tâm dịch TP.HCM

14/07/2021, 11:14

Dịch Covid-19 bùng phát và lây lan rất nhanh ở TP.HCM đẩy hàng trăm doanh nghiệp lao đao, hàng triệu người lao động mất việc, giảm thu nhập.

Những ngày giãn cách xã hội, TP.HCM vắng lặng, mất đi sự sôi động vốn có. Các khu chợ và hàng loạt cửa hàng đều đóng cửa, chỉ một số cửa hàng tiện lợi, siêu thị vẫn hoạt động để phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân.

Nhưng đâu đó, ở một số tuyến phố, trên vỉa hè vẫn có những người bán hàng rong lén lút bán mớ rau, quả trứng để kiếm sống qua ngày…

img

Bà Trần Thị Nhiên bán vài bó rau muống để kiếm sống qua ngày

Lay lắt giữa tâm dịch

Trên đường 359 trước kia tồn tại khu chợ tự phát nhộn nhịp nhất phường Phước Long B, TP Thủ Đức, thấy chúng tôi từ từ đi tới, người phụ nữ đon đả: “Mua rau đi cô, 5.000 đồng/bó”.

Ngồi từ chiều trên vỉa hè với mấy bó rau muống bên cạnh, bà Trần Thị Nhiên (57 tuổi, tạm trú phường Phước Long B) chốc chốc lại ngó ra đường xem có công an đi tuần tra hay không.

Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục đứt quãng, vừa bán rau bà Nhiên kể: Hai vợ chồng từ Cần Thơ lên TP HCM làm nghề bán vé số đã 9 năm.

Từ hôm phải nghỉ bán vé số theo yêu cầu của thành phố, chồng bà ở nhà vì cũng chưa nghĩ ra việc gì để làm, còn bà tranh thủ bán mấy mớ rau, kiếm thêm đồng ra đồng vào chi dùng cho sinh hoạt và nuôi đứa con 13 tuổi.

“Mỗi tháng gia đình tôi phải trả tiền nhà trọ 2,5 triệu đồng. Trước kia, mỗi ngày bán vé số, hai vợ chồng kiếm được 200.000 đồng.

Số tiền này tôi để dành đi chợ, lo ăn uống cho cả nhà. Còn giờ thất nghiệp, cả nhà bấm bụng ăn dè sẻn, kham khổ từng ngày.

Chỉ mong sớm được nhận tiền hỗ trợ của thành phố (gói hỗ trợ 886 tỷ đồng - PV). Dù số tiền không nhiều nhưng trong lúc khó khăn này, một đồng cũng quý”, bà Nhiên tâm sự.

Khi tôi hỏi có mong ước gì trong lúc này, rơm rớm nước mắt, bà Nhiên bảo: “Tôi chỉ mong được về quê mà không thể.

Lúc trước còn xe để về thì phải bán vé số và nếu về phải cách ly 21 ngày nên tôi chần chừ. Giờ mỗi ngày bán rau kiếm chút tiền lời sống lay lắt qua ngày, chờ cho hết dịch chứ biết làm sao”.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Thắng mưu sinh bằng nghề giao đồ ăn nhanh.

Ngồi vật vờ trên vỉa hè đường Dương Đình Hội (TP Thủ Đức), anh chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi chạy ra đường để giao hàng cho những khách quen đặt. Chỉ nằm ở nhà suốt thì lấy tiền đâu ra trả tiền trọ, ăn uống.

Mấy tuần trước còn nhận được nhiều đơn hàng, thu nhập tạm ổn chứ giờ mỗi ngày vài chục nghìn, không đủ tiền ăn”.

May mắn hơn, chị Phạm Anh Lê, công nhân làm việc tại khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức đã lên chuyến xe cuối cùng về quê trước ngày thành phố giãn cách xã hội.

Trao đổi qua điện thoại, chị Lê cho biết: “Dịch dã khó khăn, lương giảm, tôi nghỉ việc ở nhà máy từ tháng 6. Lang thang tìm việc làm thêm nhưng các dịch vụ đóng cửa, không nơi nào tuyển.

Thấy không thể trụ được ở thành phố với bao chi phí từ tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tôi và nhiều người khác đã mua vé về quê. Biết sẽ phải cách ly 21 ngày nhưng chúng tôi cùng đường rồi”.

Đau đáu chuyện gạo, tiền

img

Cuộc sống chật vật khiến nhiều người vẫn lén lút buôn bán

Anh Võ Văn Quốc, chủ tiệm games trên đường Trần Thị Diệu, phường Phước Long B, TP Thủ Đức cho biết, kinh doanh trong lĩnh vực không thiết yếu nên khi bị cấm hoạt động gần 3 tháng nay, bản thân anh như ngồi trên đống lửa.

“Hàng tháng phải trả hàng chục triệu tiền thuê nhà, thuế, mạng internet, điện… mà chưa biết xoay kiểu gì”, anh Quốc nói.

Cùng kinh doanh trong lĩnh vực internet, chị Vũ Thị Hà (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Hơn 8 năm kinh doanh internet, tôi không tưởng tượng được dịch bệnh lần này ảnh hưởng lớn đến như vậy.

Hai cửa hàng của tôi phải đóng cửa cùng với các chi phí thuê mặt bằng, điện, nước… trả đều đặn hàng tháng. Đã vậy, hàng ngày tôi còn phải đi chợ nấu nướng nuôi 5 nhân viên thất nghiệp ngồi không trong nhà”.

Trong khi đó, nhẩm tính 1,5 tháng nay phải tạm ngừng hoạt động, anh Đặng Quốc Thể, chủ 4 tiệm cắt tóc, gội đầu ở quận 7, than thở: “Không biết dịch còn kéo dài đến khi nào, tôi đã cho nhân viên nghỉ về quê hết vì không trụ nổi.

Chưa bao giờ, tôi lại rơi vào cảnh éo le như vậy. Doanh thu bằng không trong khi chưa biết sẽ bấu víu vào đâu để trả hàng trăm triệu mỗi tháng thuê mặt bằng”.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết, gói hỗ trợ lần 2 của TP HCM có quy mô 886 tỷ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, bao gồm 230.000 lao động tự do.

Từ ngày 5 đến hết ngày 11/7, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã thực hiện hỗ trợ cho gần 54.000 lao động tự do với tổng số tiền gần 81 tỷ đồng. Mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (chi trả một lần 1.500.000 đồng/người). Cơ quan chức năng các quận, huyện đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân để số lao động tự do còn lại sớm nhận được tiền hỗ trợ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.