Xã hội

Lao động tăng, lương cao, vì sao hiệp hội vẫn “kêu cứu” vì thiếu người làm?

06/07/2022, 13:29

Đó là vấn đề được báo chí quan tâm tại họp báo “tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022” diễn ra sáng nay 6/7.

Lao động và thu nhập đều tăng

Thông tin tại họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê khẳng định, thị trường lao động đã phục hồi và có tính chất bền vững, thông qua con số lao động có việc làm tăng và tiền lương tăng.

Cụ thể, trong quý II/2022, số người có việc làm phi chính thức là 21,4 triệu người, tăng 54,5 nghìn người so với quý trước và tăng 499 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

img

Họp báo “tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022” diễn ra sáng nay 6/7

Số người có việc làm chính thức trong quý này cũng tăng 449,3 nghìn người so với quý trước, lên ngưỡng là 17,1 triệu người và tăng 1,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

“Như vậy, so với cả quý trước và cùng kỳ năm trước, số người có việc làm trong khu vực chính thức tăng cao hơn nhiều so với số người có việc làm trong khu vực phi chính thức. Đây là minh chứng rõ nhất cho sự phục hồi thị trường lao động”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II cũng tăng thêm 206 nghìn đồng so với quý I, lên mức 6,6 triệu đồng. Đây là mức thu nhập đáng khích lệ trong bối cảnh phục hồi sau Covid-19.

Đơn cử, một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá là: Khai khoáng đạt mức 9,7 triệu đồng, tăng 17,1%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,4 triệu đồng, tăng 12,4%, tương ứng tăng khoảng 818 nghìn đồng; sản xuất và phân phối điện đạt 9,6 triệu đồng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 928 nghìn đồng; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 6,2 triệu đồng, tăng 10,2%, tương ứng tăng 572 nghìn đồng.

Ngay cả ngành gặp nhiều khó khăn do sự biến động của giá xăng dầu như ngành vận tải kho bãi cũng có mức tăng trưởng thu nhập khá, đạt mức 8,9 triệu đồng trong quý II năm 2022, tăng 4,2% so với quý trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Qua quan sát thu nhập bình quân của người lao động theo từng quý trong những năm gần đây, chuyên gia của Tổng cục Thống kê cho biết, kể cả những năm chưa chịu tác động của đại dịch Covid-19, biến động thu nhập của người lao động trong quý II so với quý I năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước.

Vì sao doanh nghiệp vẫn “kêu cứu” vì thiếu người làm?

“Vậy, vì sao số người có việc làm tăng, lương cao hơn, nhưng các hiệp hội và doanh nghiệp vẫn "kêu cứu" vì thiếu người làm?”, Báo chí đặt câu hỏi.

Đại diện Vụ Thống kê Dân số và Lao động lý giải, tỷ lệ thiếu việc làm toàn ngành kinh tế là 2,48%, trong đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đứng đầu với tỷ lệ là 3,9%, xây dựng 1,1%, dịch vụ là 1,55%...

Thực tế, ở Việt Nam, tình trạng thiếu việc làm xẩy ra phần lớn ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và ở khu vực nông thôn. Vì thời gian dành cho công việc của họ ít hơn những người làm việc ở doanh nghiệp,nhà máy, khu vực dịch vụ, xây dựng…

“Do đó, bài toán đặt ra, không phải là giải quyết tình trạng thiếu người làm cho doanh nghiệp mà phải giải quyết việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông, lâm, thủy sản sang lĩnh vực khác… Cậu chuyện này lại phải đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chính sách thu hút lao động và đạo tạo lao động”, theo đại diện Vụ Thống kê Dân số và Lao động.

img

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Nói thêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh, doanh nghiệp thiếu lao động phần lớn tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Do đó, để giải quyết, cần có một kế hoạch đào tạo bài bản.

Ông Tiến cho rằng, bây giờ là thời điểm thích hợp để thực hiện, bởi, ngành nông nghiệp sử dụng lao động đơn thuần nhất cũng đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Vì thế, các bộ ngành cần nghiên cứu, đánh giá và triển khai ngay việc đạo tạo này, trong bối cảnh áp dụng khoa học công nghệ ngày càng nâng cao, đặc biệt là ứng dụng số hóa gần như bắt buộc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thay vì chờ đợi, thì cần sốt sắng kết hợp với các trung tâm đào tạo để chủ động triển khai.

“Không có gì nhanh bằng việc chủ động đào tạo từ doanh nghiệp, có như vậy mới làm nhanh được”, ông Tiến nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.