Xã hội

Lao động Việt sẽ được di chuyển tự do trong ASEAN

05/09/2014, 07:18

Chính thức thành lập vào cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong các lĩnh vực xây dựng...

Lao động Việt cần nâng cao tay nghề để nắm bắt cơ hội việc làm khi gia nhập thị trường chung ASEAN vào năm 2015
Lao động Việt cần nâng cao tay nghề để nắm bắt cơ hội việc làm khi gia nhập thị trường chung ASEAN vào năm 2015


Cơ hội lớn 


Tại cuộc đối thoại chính thức quốc gia “Cộng đồng ASEAN: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Bộ LĐ,TB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 4/9, ILO đã công bố kết quả nghiên cứu gần đây của ILO và Ngân hàng Phát triển châu Á về sự thay đổi thị trường lao động ASEAN sau sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Theo đó, AEC sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam chiếm 1/6 tổng lực lượng lao động của khu vực.

"Để tăng cường năng suất, kỹ năng nghề của lao động, Việt Nam cần tập trung cải thiện hệ thống giáo dục dạy nghề, giáo dục trung học; Tăng cường hợp tác với khối tư nhân, đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp và hệ thống giáo dục đào tạo…”.

   

Ông Phu Huynh
Chuyên gia kinh tế và xã hội của ILO

Theo ông Yoshiteru Uramoto - Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực so với các nước khác bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Sự hội nhập AEC sẽ mang lại lợi ích quan trọng về việc làm cho các ngành xây dựng, thương mại, chế biến lương thực và vận tải, bởi dự báo năng suất các ngành này cao hơn hai lần so với năng suất của ngành Nông nghiệp. 

Chính thức thành lập vào cuối năm 2015, AEC sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa của 10 quốc gia thành viên của ASEAN được di chuyển tự do hơn trong khu vực. Ông Phu Huynh - chuyên gia kinh tế và xã hội của ILO cho biết, có 8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong khu vực Hiệp định công nhận kỹ năng nghề trong 8 ngành này giữa các nước trong khu vực ASEAN. Đó là, kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. 

Nỗi lo chất lượng nguồn lao động


ILO dự đoán, trong giai đoạn 2010 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình cũng sẽ tăng nhanh ở mức 28%. Tuy nhiên, những người tìm việc mà thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt được cơ hội việc làm đó. 


Thị trường lao động Việt Nam hiện có tới 82% lực lượng lao động (tương đương 43,5 triệu người) chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp. Theo một nghiên cứu của ILO, năng suất lao động của người lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan, thậm chí chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Ở Việt Nam có sự chênh lệch giữa hệ thống giáo dục và đào tạo trang bị nghề cho người lao động với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. “Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng đáng tiếc là trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động lại cản trở Việt Nam nắm bắt cơ hội không dễ dàng có được đấy” - ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh.


Còn theo ông Cao Quang Đại - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Dạy nghề, điểm yếu của lao động Việt Nam chính là thiếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ và thứ hai là kỹ năng nghề nói chung là thấp… Do khi Việt Nam gia nhập AEC, sự cạnh tranh trên thị trường lao động rất khốc liệt. Lao động Việt Nam nếu không nâng cao tay nghề rất có thể sẽ mất việc ngay trên sân nhà. 


Điển hình là ngành Du lịch, trong cuộc khảo sát về nhu cầu kỹ năng mới đây do ILO thực hiện với hơn 200 doanh nghiệp du lịch ở miền Trung, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu công việc. “Nếu chúng ta không thay đổi cách thức và nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành du lịch thì rất có thể đến năm 2016, chủ yếu người nước ngoài sẽ làm du lịch ở Việt Nam vì họ có khả năng ngoại ngữ tốt, tính kỷ luật làm việc cao hơn” - ông Đại khuyến cáo.

Vũ Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.