Sách

“Lão khổ” Hoàng Tuấn Phổ đã hết khổ

09/08/2021, 06:00

Biết tin ông về trời, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ một ông cụ uyên bác, thâm sâu, nhưng đời quá lận đận bởi “án oan” ngay tại nơi mình cống hiến.

Nhà nghiên cứu về cổ sử mà cái tầm lẫn cái tâm của cụ Hoàng Tuấn Phổ từ lẩu lâu đã vượt khỏi địa hạt của xứ Thanh. Những cuốn xuất bản từ đầu những năm ‘60 và sau này như: “Thanh Hóa ngàn xưa lưu dấu”, “Bà Chúa Liễu”, ‘Ngàn Nưa”, “Những làng cổ xứ Thanh”... luôn níu người đọc trước nay.

img

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ lúc sinh thời

Nội ý kiến với sức nặng về tầm học thuật của cụ đã góp phần quyết định năm 1029 (được ghi chép trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” trong bộ Quốc sử thời Nguyễn) được chọn là năm xuất hiện sớm nhất của danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương.

Từ bài thơ đến “án oan”

Tết năm Tý 1984, Báo Thanh Hóa có tổ chức cuộc thi “Xướng họa thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột”. Bài “Xướng” do ông Mai Bình, Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa chấp bút. Thơ rằng:

Năm Tý về đây nhắc chuyện đời/ Không coi chừng chuột, chuột sinh sôi! Chùm nem sơ hở con chù vọc/ Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi!/ Lạ nhỉ? chơi không toan gọn lốm/ Ơ kìa! ngồi rỗi chực ngon xơi!/ Hẹn nhau sắm bả phòng năm chuột/ Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi!

Bài “Họa” của Cao Đăng (tức Hoàng Tuấn Phổ, Hội viên Hội Văn nghệ tỉnh):

Giống chuột làm sao vẫn sống đời?/Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi!/Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu/Của để tớ thầy hợp sức lôi/Tiếc lọ chê ai đành chuột phá/Hoài cơm trách bạn để mèo xơi!/Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc/Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!

Nhưng bài họa của Cao Đăng (Hoàng Tuấn Phổ) bất ngờ lại được soi chiếu dưới nhiều ánh nhìn tò mò, quy kết, suy diễn ấu trĩ, vô lối. Rằng: “Con đàn cháu lũ” có ý gì đây? Phải chăng nói đến “con ông cháu cha” đời nối đời hưởng đặc quyền đặc lợi? “Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu, Của để tớ thầy hợp sức lôi” là ám chỉ chuyện vây bè, kéo cánh, ăn cắp của công, tham ô, hối lộ, móc ngoặc với nhau phải thế không?...

Rồi Cao Đăng viết tiếp “Tiếc lọ” ma “lọ” cũng là “bình”. Mà “bình” không chỉ ông Chủ tịch Hội Mai Bình thì còn ai vào đây?

Thế là họa lớn! Chín tháng trời ròng rã, Cao Đăng - Hoàng Tuấn Phổ chỉ làm mỗi công việc trần tình, kiểm điểm rằng bài thơ họa được viết với động cơ xuyên tạc sự thật, nói xấu chế độ.

Sau những cuộc kiểm thảo liên miên ngày này qua tháng khác, Ban thường trực Hội kết luận Hoàng Tuấn Phổ là “thái độ kiểm điểm không thành khẩn kéo dài” (9 tháng).

Vẫn tiếp kiểu suy diễn, phán xét ngớ ngẩn nhưng nguy hiểm, cộng với việc đọc duyệt tác phẩm, một bộ phận trong lãnh đạo Hội Văn nghệ Thanh Hóa đã hệ thống, quy tụ các hiện tượng để khẳng định ở Thanh Hóa có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng do Hoàng Tuấn Phổ cầm đầu!

“Chỉ thị của lãnh đạo cấp trên là Ban thường trực Hội phải làm sáng tỏ vấn đề chống Đảng của một số văn nghệ sĩ trong tỉnh. Vậy anh phải viết ngay bản tường trình về tất cả những gì anh biết về tổ chức này, về những cuộc tọa đàm mà anh được dự!”.

Không hiểu sao, họ còn sáng tác ra chuyện ông Hoàng Tuấn Phổ nhà có… 3 đời chống Đảng (?!) Buồn nhất là thời điểm đó, làm việc với một vị lãnh đạo Hội, vị này còn bộc bạch với chúng tôi là ông Phổ có truyền thống chống phá.

Năm 1977, ông Phổ khi đó là cán bộ Phòng văn hóa huyện Quảng Xương tham gia công trình thủy lợi sông Lý đã viết bài thơ phản động! (Nghe kỹ thì hóa ra là bài ca dao hò vè để phục vụ dân công).

Số là tại cơ quan chỉ đạo công trường có hai cái giếng. Tình cờ, ngẫu nhiên thôi, có một cái giếng hình vuông dùng làm nước ăn, nước uống cho Ban chỉ huy. Một cái giếng hình tròn dành riêng để tắm rửa, giặt giũ.

Ông Phổ nổi hứng làm mấy câu: Giếng vuông là giếng chỉ huy/Giếng tròn là giếng người đi công trường/Giếng nào cũng thấy yêu thương/Những khuôn mặt những tấm gương sáng ngời!

Người ta tách riêng hai câu đầu ra để kiểm điểm ông từ chặp tối đến 1 giờ sáng, vì cho ông ám chỉ lãnh đạo “có góc cạnh” còn quần chúng thì “tròn như hòn bi”, bắt lăn đi đâu thì lăn.

Ban chỉ huy công trường huyện Quảng Xương do ông Chủ tịch huyện làm Trưởng ban khép ông vào tội chống phá việc đào sông Lý!

Kết cục, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ với hơn chục đầu sách và nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã bị khai trừ ra khỏi Hội, đuổi về quê. Kết thúc đợt công tác, tôi về báo cáo cơ quan là vụ ấy khó viết lắm!

Cha được minh oan, con chưa hết khổ

img

Một số tác phẩm của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ

Tôi có dịp ngồi lại với ông khi cái quyết định kỷ luật oái oăm ấy đã khép lại. Nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa Hoàng Tuấn Phổ đã được trở lại làm công việc nghiên cứu yêu thích của mình.

Nói đến nhà nghiên cứu họ Hoàng xứ Thanh này không thể không nhắc tới hai người con trai của cụ. Về Hoàng Tuấn Liêm, người con trưởng cụ Phổ, không biết gọi ông này là gì? Họa sĩ, điêu khắc gia, nhà khảo cổ hay sưu tầm đều đúng.

Nhưng có lẽ nổi trội cái hồi Tuấn Liêm chủ trì việc phục chế công trình Điện Lam Kinh Thanh Hóa được giới khảo cổ và di sản dẫu khó tính vẫn tấm tắc hợp lý đến từng xăng ti mét!

Hiện giờ Tuấn Liêm đang được chọn mặt gửi công trình xây dựng phục chế Di tích Phủ Trịnh ở làng Biện Thượng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa mà như Tuấn Liêm nói là một thử thách, một chướng ngại lớn bởi những đòi hỏi ngặt nghèo khắt khe về quy mô, chất lượng mỹ thuật.

Có lẽ cũng phải thêm ít dòng về người em trai của Liêm, con út cụ Phổ là cán bộ ở Sở NN&PTNT Thanh Hóa. Viên công chức trẻ tuổi này mấy năm trước đã làm kinh động giới học thuật với tác phẩm phản biện cuốn từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân.

Hoàng Tuấn Công (SN 1984) phải rời TX Thanh Hóa, không được học ở Trường cấp 3 Lam Sơn, phải về quê học trường huyện Quảng Xương theo cả nhà bởi cái án ông bố bị kỷ luật chống Đảng!

Mãi đến mấy tháng sau thời điểm ông Lê Huy Ngọ về thay ông Hà Trọng Hòa, nghi án có hay không một tổ chức chống Đảng ở Hội Văn nghệ Thanh Hóa mới được làm sáng tỏ.

Tháng 9/1989, ông Lê Huy Ngọ, Bí thư mới của Thanh Hóa đã quyết định trao lại cây bút cho nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ. Ông lại được điều về Hội Văn nghệ tỉnh.

Vượt thoát những buồn nản ì xèo đồn thổi, thóa mạ vu cáo và đời sống túng đói không tem phiếu lương thực ở quê nhà, vợ chồng ông Phổ cắn răng bới đất, lật cỏ rau cháo với một đàn con dại.

Ông vẫn không lơi lỏng thói quen bày vẽ cho cậu con trai Hoàng Tuấn Công những kiến thức cơ bản về Hán học, thứ mà ông rành thạo từ hồi trẻ, kiến thức phong phú về về dư địa chí về phong tục… Hệt thời gian trước khi ông bị vu cáo.

Không phụ niềm tin của người cha, luôn tự hào về kiến thức uyên bác phần nhiều do nghị lực tự học của cha, Công giắt lưng dần dà vốn ngoại ngữ phức tạp văn dai như chão chữ vuông như hòm này qua những năm đại học Sử bằng cách đi học thêm lớp ban đêm…

Ra trường, chắc hơi bị hiếm trong trật lứa mới tốt nghiệp đại học lại không chuyên ngành Hán Nôm như Công mà giắt lưng vững kiến thức của bộ Tứ Thư gồm 4 quyển: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử.

Hoàng Tuấn Công hơi giống cha ở cái dáng lừ đừ từ tốn. Và cả khả năng hoạt ngôn kém tháo vát xoay xỏa. Phải vậy chăng mà khi ra trường xin việc đâu cũng khó, Công trở về quê Thanh.

Bảo tàng, thư viện, Đài truyền hình, Báo, đài tỉnh… cậu gõ cửa đều bị lắc. Công một bữa theo người quen ghé hú họa Sở Nông nghiệp tỉnh. May ở đó, tại Trung tâm khuyến lâm khuyến ngư người ta đang thiếu cái chân thông tin tuyên truyền.

Thời gian ở Trung tâm khuyến nông trực tiếp xuống với nông dân, ra ngoài ruộng đồng, đến với những trang trại chăn nuôi trồng trọt, để thực hiện những phóng sự truyền hình về các mô hình sản xuất... Công cũng có tác phẩm đầu tay Từ điển… Phê bình và phản biện.

Có lẽ sự tích cóp lao tâm khổ tứ với kiến thức bách khoa, vốn tiếng Hán cùng phương pháp làm việc khoa học đã kết hợp dồn tụ để có một thứ BigBang như cuốn sách đầu tiên của cuộc đời cậu con trai thứ nhà ông lão Hoàng Tuấn Phổ.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ (sinh năm 1934), được biết đến với hàng loạt tác phẩm, công trình nghiên cứu về xứ Thanh như: “Núi rồng sông Mã”, “Chúa Trịnh”, “Thanh Hóa nghìn xưa lưu dấu”, “Vua Lê Đại Hành”, “Bà chúa Liễu”…

Ông từ trần hồi 8h55 ngày 7/8/2021 (tức ngày 29 tháng 6 năm Tân Sửu), hưởng thọ 88 tuổi. Lễ viếng từ 14h15 ngày 7/8/2021. Lễ an táng 7h ngày 8/8/2021 (tức ngày mùng 1 tháng 7 năm Tân Sửu) tại nghĩa trang thôn Hòa Văn, Quảng Hòa, Quảng Xương, Thanh Hóa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.