Ông Huệ cùng bộ sưu tập của mình |
Dùng những con tem bưu chính có hình ảnh về Hoàng Sa - Trường Sa gửi đi các nước rồi yêu cầu người nhận gửi lại cho mình khi đã có dấu ấn chỉ của bưu điện nước sở tại trên đó là cách lão nông Trần Hữu Huệ (68 tuổi), ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã làm để tạo ra bộ sưu tập: “Thế giới công nhận Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam qua con tem bưu chính”.
Lão nông có khát vọng “khác người”
Một buổi chiều muộn cuối tháng 5/2018, chúng tôi ghé nhà ông Trần Hữu Huệ, người nông dân miền Tây ấp ủ khát vọng minh chứng “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” qua bộ sưu tập tem bưu chính. Bước vào nhà, chúng tôi thấy 3 mái đầu, một của ông lão tóc đã bạc trắng cùng hai đứa trẻ tựa vào nhau nghiên cứu một quyển album tem.
Sau vài câu chào hỏi, biết được ý định muốn tìm hiểu về bộ sưu tập tem với chuyên đề: “Thế giới công nhận Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam qua con tem bưu chính” của chúng tôi, ông Huệ không ngần ngại chia sẻ câu chuyện về “tham vọng” của mình.
Là người đam mê những con tem bưu chính từ nhỏ, năm 1966, ông bắt đầu sưu tầm những con tem bưu chính quý hiếm. Đến nay, ông đã sở hữu hơn 200 nghìn con tem có giá trị, trong đó có bộ tem chủ đề: “Hoàng Sa - Trường Sa” được Bưu điện Việt Nam phát hành vào năm 1988.
Ông Huệ kể:“Năm 2014, khi Trung Quốc mang giàn khoan vào thềm lục địa của ta để khảo sát tìm mỏ dầu. Cũng từ lúc đó, cả nước có phong trào mọi người tìm tư liệu để chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Lúc này tôi liền nhớ tới bộ tem Hoàng Sa - Trường Sa. Và tôi có ý nghĩ mang những tư liệu này phổ biến giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế”.
Theo ông Huệ, con tem như là danh thiếp của một quốc gia. Quốc gia nào cũng giới thiệu những danh lam thắng cảnh, danh nhân văn hóa, sự kiện lịch sử… của đất nước trên con tem. Khi những cánh thư mang theo những chứng cứ về Hoàng Sa - Trường Sa, vượt không gian đến với bạn bè khắp năm châu, cái mà họ cầm trên tay chính là những tư liệu rõ ràng nhất chứng tỏ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Bộ sưu tập chuyên đề “Thế giới công nhận Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam qua con tem bưu chính” được trưng bày, chính là phương thức tuyên truyền hữu hiệu nhất về điều này.
Ông cho biết, ông chọn bộ tem này để thực hiện ý định của mình, vì đây là mẫu tem Việt Nam đầu tiên và duy nhất về chủ đề Hoàng Sa - Trường Sa, có giá trị lịch sử to lớn góp phần khẳng định với thế giới về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Theo đó, bộ tem này do họa sĩ Trần Lương thiết kế, gồm 2 mẫu với chủ đề “Đội Hoàng Sa” thế kỷ XVII- XVIII và “Bản đồ cổ” được Tổng cục Bưu điện phát hành vào ngày 19/1/1988. Mẫu “Đội Hoàng Sa”, tức là đội thăm dò, khai thác sản vật, thủy hải sản thành lập từ thời triều Nguyễn, mô tả chiếc thuyền ba buồm căng gió lướt sóng trên hành trình biển vào triều đại Gia Long (1802 - 1820). Trong tem, người lính triều đình hiện lên với khí thế hiên ngang, miệng thổi tù và bằng ốc biển, tay cầm mái chèo vững chắc hoa văn trên áo cũng mang hình ngọn sóng “Thuận Hóa, tháng 3 đi, tháng 8 về”.
Với mẫu tem “Bản đồ cổ” gồm 2 phần: Bản đồ lớn bên trái là hình ảnh toàn cảnh Quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa rộng lớn. Phần bản đồ lớn được vẽ theo một phần của tấm bản đồ được in trong một quyển sách kể về chuyến đi của thủy thủ Jan Huyghen vanLinschoten đến xứ Đông Ấn của người Bồ Đào Nha (1579-1592) xuất bản năm 1596 tại Hà Lan.
Phần bản đồ nhỏ bên phải tập trung cận cảnh nổi bật của quần đảo. Đây là bản đồ có từ thời Nguyễn Gia Long (đời Minh Mạng 1820 - 1840) in trong sách “Đại Nam nhất thống toàn đồ 1840”. Phía chân mẫu tem, có hàng chữ đậm nét “Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ”.
Bộ tem in hai màu đen và nâu đậm nhạt sắc màu chân phương cổ kính, thể hiện ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, tôn vinh thêm hình tượng lãnh thổ Tổ quốc trên tem.
Kỳ công thực hiện, truyền lửa đam mê
Để có bộ sưu tập tem với chủ đề “Thế giới công nhận Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam qua con tem bưu chính”, từ năm 2014 đến nay, ông Huệ đã gửi 77 bì thư mang các mẫu tem khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ rộng trên thế giới với mục đích lấy dấu nhật ấn của các nước đó. Đây là việc làm hết sức công phu và tốn rất nhiều thời gian. Để có được những con tem đã được phát hành từ cách đây hơn 30 năm là một điều không dễ.
Ông cố gắng liên hệ hết tất cả các bạn chơi tem mà mình quen biết để xin mua lại. Nhưng số lượng gom về cũng chẳng đáng là bao. May mắn, sau đó ông được một người bạn công tác tại Hội Tem Việt Nam đồng ý bán cho 40 bộ tem với 80 con để giúp ông thực hiện ý định của mình.
Sau đó, tìm lại địa chỉ những người bạn cùng niềm đam mê chơi tem hiện cư trú ở nước ngoài, ông gửi những bì thư có dán mẫu tem trên cho họ. Nếu tại quốc gia nào đó mà không có bạn bè sinh sống, ông Huệ lên mạng Internet, tìm địa chỉ đại sứ quán và gửi thư đi. Trong những bì thư này, ông ghi chú bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, đề nghị những bạn hữu, các đại sứ quán khi nhận được bì thư có dán tem Hoàng Sa - Trường Sa đã được đóng chứng thực của chính quyền sở tại vui lòng cho vào phong bì mới, gửi lại cho ông và nếu đóng được dấu nhật ấn của bưu điện sở tại thì điều đó càng quý.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như mong đợi, có những cánh thư mãi 2, 3 tháng mới nhận được phản hồi, nhưng lại cũng có khi bặt vô âm tín. “Năm 2015, tôi gửi thư cho Đại sứ Trần Hải Hậu tại Singapore. Người nhận thư là Đại sứ hiện tại Trần Tiến Minh. Tuy nhiên, lúc nhận được thư, đại sứ lỡ xé rách vào con tem. Sau khi biết rõ ý định của tôi, đại sứ đã phản hồi cho tôi rằng, ông đánh giá cao sáng kiến và lấy làm tiếc khi đã lỡ làm hỏng con tem của tôi. Ông đề nghị tôi gửi lại một tem thư khác, ông sẽ đóng dấu vào đó. Đây chính là nguồn động lực giúp tôi giữ vững quyết tâm của mình ”, ông Huệ bày tỏ.
Hơn 3 năm qua, trong tổng số 77 bì thư gửi đi chỉ có 49 bì thư hoàn về. Trong đó, châu Á có 26 bì thư qua 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Âu có 30 bì thư qua 15 quốc gia; châu Mỹ có 12 bì thư qua 5 quốc gia; Châu Phi có 6 bì thư qua 6 quốc gia; châu Đại dương có 3 bì thư qua 3 quốc gia. Và điều làm lão nông ấy cảm thấy vui mừng nhất là hiện tại ông đã lấy được dấu nhật ấn từ đất nước Trung Quốc thông qua việc mình đã làm.
Dù có nhiều khó khăn, nhưng nhờ vào phản hồi tích cực từ mọi người, mà đặc biệt là từ phía gia đình nên ẩn sâu trong ông lão dáng lưng còng ấy là cả một sự nhiệt huyết.“Ổng là vậy đó, đam mê với tem lắm, mà đam mê tem cũng có cái lợi. Hơn nữa việc làm của ổng có ý nghĩa như thế, làm sao chúng tôi lại đi phản đối cho được”, bà Vương Thị Mùi Em, vợ ông Huệ chia sẻ.
Không chỉ “tham vọng” minh chứng chủ quyền lãnh thổ bằng những con tem bưu chính, ông Huệ còn là người “góp lửa” cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, biển đảo... của đất nước.
Ông Huệ hiện là thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB Tem trường THCS thị trấn Núi Sập. Cứ đến mỗi buổi chiều thứ bảy hàng tuần, hơn 30 em học sinh của trường lại quây quần để nghe ông Huệ kể chuyện về Hoàng Sa - Trường Sa, dẫn dắt một thế hệ trẻ cùng hướng về biển Đông, thắp sáng cho các em niềm tin yêu về đất nước, quê hương...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận