“Lão nông” Lê Văn Thành bên chiếc cầu Vườn Bộng |
Cả đời làm nông dành dụm được 110 triệu đồng, lão nông Lê Văn Thành (55 tuổi, thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn, Bình Định) dành toàn bộ số tiền tiết kiệm đó để xây cầu cho người dân.
“Kệ nhà rách, miễn dân có cầu đi”
Nhà cấp 4 của ông Thành nằm khuất sau rặng tre già cuối con đường ngoằn ngoèo xóm Thọ Phú Nam, thôn Thọ Lộc 1. Sát bên hông căn nhà là chuồng bò. Mỗi ngày ông Thành tất bật với nghề nông truyền thống. “Người dân 2 thôn Thọ Lộc 1 và Thọ Lộc 2 vốn bị chia cắt giao thông. Con sông nhỏ chạy dọc 2 thôn, chưa đầy 6 m nhưng việc đi lại vô cùng khó khăn. Địa phương vận động làm cầu tre nhưng rồi hỏng, nguy hiểm”, ông Thành chia sẻ.
Nhìn học sinh Trường Tiểu học Nhơn Thọ và Trường THPT Nhơn Thọ thường xuyên qua lại cầu tre vô cùng nguy hiểm, ông Thành không đành lòng. Ông kể: Có nhiều em qua cầu sảy chân bị rơi xuống nước nhưng được người lớn phát hiện cứu kịp thời. Đến mùa vụ, người dân phải chật vật dùng đôi gánh chuyển nông sản qua cầu chứ không thể dùng xe chở qua chiếc cầu tre tạm bợ. Mỗi mùa mưa qua đi, cây cầu tre cũng trôi theo dòng nước, người dân hai thôn tại tiếp tục dựng những cây cầu tre khác đi tạm.
Trong lần qua cây cầu tre ọp ẹp, ông Thành lóe lên ý tưởng “sao không làm cầu cho dân”. Nghĩ thì dễ nhưng tiền đâu? Không nản lòng, ông quyết định dùng hết số tiền tằn tiện định để trùng tu lại căn nhà. Năm 1988, ông Thành tự tay xây cất nhà mình cho tiết kiệm chi phí. 3 năm trời ông mới hoàn thành căn nhà cấp bốn rộng chừng 90m2 chỉ với 120 bao xi măng, còn lại dùng vôi. Đến nay, lớp vữa tô tường đã bong tróc, gạch cũng không còn nguyên vẹn, chỉ chọc tay vào là vỡ. “Định sửa sang cái nhà, nhưng thấy bà con cực quá không chịu được. Lúc tôi đưa ra ý định đóng góp hết 110 triệu đồng làm cầu bê tông, cả nhà can ngăn nhưng sau đó ai cũng đồng lòng”, ông Thành chia sẻ.
Bà Trương Thị Hoa, vợ ông Thành cười bảo: Thấy mất tiền ai chẳng tiếc. Nhà có điều kiện không sao, mình bữa đói bữa no. Số tiền ông ấy tiết kiệm miết định để sửa lại cái nhà, giờ bỏ ra làm việc của thiên hạ, không lo sao được. Tôi ban đầu phản đối dữ nhưng rồi cũng bị ông ấy thuyết phục. Tiền bạc làm ra chết cũng không mang theo được, làm việc gì có ích cho xã hội thì làm, còn tích đức về sau cho con cái nữa chứ. “Bữa trước trời chập choạng tối, tôi đạp xe ngoài đồng về, đến nửa cầu thì cả người lẫn xe nhào hết xuống sông, may có hàng xóm thấy thả gậy kéo lên. Thế đấy, mình giúp người, người giúp mình. Không ai mất không cái gì cả”, bà Hoa nói như chiêm nghiệm.
Cầu “cổ tích”
Được gia đình đồng thuận, khoảng giữa năm 2015, ông Thành lên trình tự triển khai. Trong các cuộc họp thôn, xóm, ý tưởng xây cầu của ông Thành được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Ngay sau đó, ông liền nhờ Trưởng thôn đến trình bày với chủ tịch UBND xã Nhơn Thọ. Ông Nguyễn Tấn Hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn Thọ nhớ lại, ngày ấy nghe ý tưởng này tôi vui quá, trực tiếp mời ông Thành đến làm việc, hướng dẫn làm đơn nêu nguyện vọng. Sau đó UBND xã Nhơn Thọ nhờ Công ty TNHH xây dựng Thiên Phát đóng trên địa bàn làm bản vẽ thi công cầu.
Mặc dù ngôi nhà đang ở xuống cấp trầm trọng nhưng ông Thành vẫn quyết định góp hết tài sản xây cầu cho dân đi |
Ngày 2/9/2015, cây cầu bê tông cốt thép mang tên cầu Vườn Bộng được khởi công với sự tham gia của người dân hai thôn Thọ Lộc. Từng có kinh nghiệm 15 năm trong nghề thợ nề nên ông Thành cũng là 1 trong 3 thợ chính xây dựng cầu. Người dân ai rảnh giờ nào phụ làm giờ nấy.
Sau 23 ngày thi công, cầu Vườn Bộng dài 6 m, rộng 3,5 m chính thức khánh thành, tổng kinh phí xây dựng 157 triệu đồng, trong đó riêng ông Thành đóng góp gần 110 triệu đồng, người dân trong làng người 1-2 chục ngàn, người khá hơn thì một vài trăm ngàn, góp nhặt thêm được 2,8 triệu đồng nữa, khoản còn lại được tính vào 150 ngày công dân làng đóng góp trong quá trình xây dựng cầu. “Tôi nghĩ đơn giản là xây cho có cây cầu, không tính đến chuyện làm lễ khánh thành. Thế nhưng do người dân trong làng phấn khởi quá đứng ra tổ chức, có cả lãnh đạo UBND xã Nhơn Thọ tham dự, buổi lễ được tổ chức hoành tráng và cảm động lắm”, ông Thành xúc động.
Anh Lê Văn Sơn, người dân ở xóm Thọ Phước, thôn Thọ Lộc 2, địa phương bên kia cầu, bày tỏ: “Nghe ông Thành làm cầu, tôi vui mừng khôn tả, tham gia xây dựng cầu từ đầu đến cuối, không vắng buổi nào. Từ nay nông dân hai thôn không còn phải gánh lúa qua cầu tre nữa, thoải mái vận chuyển lúa qua lại bằng xe cơ giới trong những vụ thu hoạch. Mừng nhất là lũ học trò không còn lo sợ bị trượt xuống cầu tre nữa”.
Đứng nhìn chiếc cầu bê tông kiên cố bắc ngang dòng sông, ông Thành chia sẻ: “Nhìn bà con trong làng vui mừng tôi thấy hạnh phúc lắm”.
Ông Nguyễn Tấn Hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn Thọ nhận xét: “Ông Thành là nông dân nhưng dám bỏ ra hơn 100 triệu đồng xây cầu cho dân đi là rất đáng quý, là việc làm vô cùng thiết thực. Từ khi có cây cầu vững chãi, người dân ở đó không phải chật vật trong các vụ mùa như trước, học sinh đi học cũng an toàn hơn. Vừa qua TX An Nhơn cũng đã tặng bằng khen cho ông Thành, tuyên dương “Gương người tốt việc tốt và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuối năm 2016, sau khi xã Nhơn Thọ cán đích nông thôn mới sẽ tiếp tục tuyên dương tấm gương của ông Thành”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận