Xã hội

Lập Ban tư vấn kiểm soát quyền lực ở đặc khu kinh tế?

04/04/2018, 11:18

Có ý kiến cho rằng nên lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu kinh tế, nhưng nhiều ĐBQH không đồng tình.

dac-khu-kinh-te.

Ảnh minh hoạ

Sáng nay (4/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Đặc khu kinh tế).

Một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến là việc tổ chức cấp chính quyền địa phương ở đặc khu và có nên lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu.

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu được chỉnh lý đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của Hội nghị Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, dự thảo luật bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của T.Ư đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Ban này không trùng lặp với chức năng tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền đặc khu, chức năng giám sát của HĐND đặc khu cũng như công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị HCKTĐB.

“Việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu” – ông Định nói.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc thành lập tổ chức mới như Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu không phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy tinh giản biên chế theo Nghị quyết T.Ư 6 khoá XII.

Dẫn quy định cơ cấu tổ chức, quyền hạn của Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu cũng như trách nhiệm nghĩa vụ của Chủ tịch UBND và UBND đặc khu phải thực hiện, ĐB Tô Văn Tám - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng hàng loạt vấn đề phải xin ý kiến Ban này trước khi quyết định là chưa phù hợp.

“Nay đã xác định có cấp chính quyền thì giám sát có từ HĐND, cấp tỉnh, Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội... Nếu thêm Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu thì vô hình trung làm mất tính chủ động, thêm sự ràng buộc với UBND và Chủ tịch UBND. Do đó, không cần thiết có ban này” – ông Tám nêu quan điểm.

Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cũng không đồng tình với quy định Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu. “Đơn cử như việc nếu Chủ tịch UBND đặc khu không đồng ý với ý kiến của Ban tư vấn thì phải giải trình bằng văn bản nói rõ lý do. Đây là bước có thể sẽ kéo lùi, làm chậm thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND và UBND đặc khu” – bà Lan phân tích.

Hơn nữa, việc tổ chức Ban ngay trong đặc khu kinh tế là chưa phù hợp chủ trương của T.Ư về tinh gọn tổ chức bộ máy cũng như chưa tạo điều kiện phát huy hiệu lực hiệu quả của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu. Do đó, bà Lan đề nghị không tổ chức Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu tại các đặc khu.

Ở góc nhìn khác, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm lại cho rằng, việc thành lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển là cách làm mới nhằm giám sát và cân bằng quyền lực khi thẩm quyền trao cho các đặc thu là rất lớn. Theo đó, những vấn đề lớn cần xin ý kiến Ban này, tránh tình trạng cứ làm rồi khi xảy ra sai phạm lại đi xử lý cán bộ.

“Trong trường hợp UBND không thống nhất với ý kiến của Ban tư vấn hỗ trợ phát triển thì có văn bản giải trình là nhằm đảm bảo sự theo dõi của cơ quan cấp trên, nếu cần thiết thì cấp trên can thiệp trực tiếp để tránh gây hậu quả” – ông Hàm phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.