Tất bật đưa cát về công trường
Có mặt tại mỏ cát thứ hai được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù thuộc thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, diện tích 11,74ha, ghi nhận của PV Báo Giao thông, không khí làm việc rất khẩn trương, đảm bảo sớm đưa cát về công trường phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Ông Huỳnh Bảo Châu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Hải Đăng (nhà thầu khai thác cát tại mỏ) cho biết, do không đủ nhân lực, thiết bị nên công ty đã phối hợp với Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp.
Hiện các công nhân thay phiên nhau làm việc trên hai xáng cạp, khai thác 5.000m3/ngày. Thời gian hoạt động từ 7h sáng đến 17h cùng ngày.
Ông Châu thông tin, để có thể đưa cát về công trường phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau như hiện nay là cả quá trình làm việc cật lực của các bên liên quan. Từ khi mỏ được bàn giao cho đến khi khai thác mất khoảng ba tháng mới hoàn thành các thủ tục, bắt đầu khai thác từ ngày 1/12.
Mỏ cát thuộc thị trấn Thường Thới Tiền có tổng trữ lượng được phép khai thác tối đa 862.216m3, công suất 736.216m3/năm, có ý nghĩa rất lớn với dự án, nhất là trong bối cảnh cát đang khan hiếm.
Gói thầu cao tốc Cần Thơ - Cà Mau mà công ty phụ trách thực hiện có tổng chiều dài 13km, số lượng cát cần dùng lên đến 1.800.000m3.
Với mỏ cát đã được bàn giao và đưa vào khai thác, công ty cần thêm 900.000m3 cát nữa để hoàn thành thi công đúng kế hoạch. Số cát thiếu sẽ chờ điều phối từ các cơ quan chức năng.
Lắp camera ngay trên phương tiện để giám sát
Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp, trên mỗi phương tiện khai thác tại mỏ cát được bàn giao theo cơ chế đặc thù đều được gắn hệ thống giám sát kết nối với hệ thống giám sát khai thác tài nguyên của tỉnh.
Ngoài ra, chủ dự án còn lắp đặt thêm camera trên phương tiện khai thác để giám sát quá trình hoạt động khai thác hàng ngày. Tín hiệu từ các thiết bị trên mỗi phương tiện đều được truyền về trung tâm theo dõi được đặt tại Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp.
Tại đây, chuyên viên được phân công nhiệm vụ theo dõi, thường xuyên kiểm tra để kịp thời xử lý khi có những dấu hiệu bất thường xảy ra trong thời gian khai thác từ 7h sáng đến 17h cùng ngày.
Các phương tiện khai thác được hệ thống định vị, vị trí khai thác cát trong khu vực đã được khoanh vùng. Khi phương tiện khai thác (xáng cạp) rời khỏi vị trí đã được khoanh vùng sẵn, hệ thống sẽ thông báo qua điện thoại (SMS hoặc email).
Sau đó, cơ quan quản lý sẽ đề nghị đơn vị được phép khai thác quay trở lại đúng vị trí. Trường hợp cố tình không quay lại, cán bộ theo dõi sẽ đề xuất ngành chức năng xử lý.
Khi cát được múc lên sà lan, đơn vị khai thác sẽ xác nhận khối lượng cát khai thác, xuất hóa đơn thuế theo khối lượng thực tế. Hàng ngày, đơn vị khai thác báo cáo số lượng khai thác và số lượng tiếp nhận tại công trình cho tổ điều phối cát của tỉnh để theo dõi, giám sát.
Cát sau khi được đưa lên sà lan vận chuyển về công trình, có cán bộ của ban điều hành dự án theo dõi và ký xác nhận vào khối lượng để đối chiếu. "Tất cả đảm bảo cát sau khi khai thác được đưa về đúng nơi quy định, không để thất thoát", cán bộ này cho biết thêm.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km, các tuyến nối khoảng 25km, bốn làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 18,1 triệu m3, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3, năm 2024 cần 9 triệu m3.
Ngoài mỏ tại thị trấn Thường Thới Tiền kể trên, tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao 4 mỏ khác cho các nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó một mỏ tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành đã khai thác từ tháng 10; một mỏ tại huyện Lấp Vò khai thác từ ngày 11/12, các mỏ còn lại đang hoàn tất thủ tục liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận