Camera lắp trên cụm đèn tín hiệu sẽ lưu lại hình ảnh các phương tiện cố tình vi phạm khi qua đường ngang (Chụp tại Km 26+500 đoạn Như Quỳnh, Hưng Yên) - Ảnh: Thanh Thúy |
Cần chắn tự động nhiều lần bị đâm nát
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại đường ngang cảnh báo tự động Km 18+806 tuyến đường sắt Bắc - Nam, khu vực đường đi vào chùa Đậu (Thường Tín), lưu lượng phương tiện luôn đông nghịt, rất nhiều xe tải nặng. Cứ trước mỗi chuyến tàu, các thiết bị cảnh báo đường ngang như đèn tín hiệu, chuông kêu, cần chắn hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện cố vượt khi đã có tín hiệu, chuông đèn cảnh báo, không dừng lại trước đường ngang chờ tàu.
Chỉ vào chiếc cần chắn bị gãy, mới được hàn lại, anh Đặng Giáp Mệnh, Công ty CP Quản lý xây dựng đường bộ 1 Hà Nội đang trực cảnh giới tại đây bức xúc: “Cần này bị ô tô đâm gãy đấy. Mà không phải một lần đâu, 3-4 lần rồi, chúng tôi phải hàn lại để tiếp tục sử dụng. Ban đêm, nhiều lái xe cố tình chạy ẩu, cần chắn đã xuống rồi họ vẫn bất chấp nguy hiểm lao qua khi không có người cảnh giới”.
"Qua theo dõi hình ảnh online tại trung tâm giám sát, nếu có vấn đề bất ổn tại đường ngang, ngành Đường sắt có thể cử nhân viên khu vực xử lý kịp thời, đảm bảo đường ngang hoạt động tốt, an toàn chạy tàu”. Ông Trương Bình |
Anh Mệnh cho biết, theo quy định, có tiếng chuông, đèn đỏ là mọi người phải dừng lại trước đường ngang, nhưng nhiều ô tô vẫn cố vượt, đúng lúc cần chắn tự động hạ xuống nên đâm phải. Cũng có trường hợp “thoát” được cần bên này, cần bên kia đóng nên ô tô nằm giữa đường ngang, đành cố tình tông vào cần để thoát ra, không sẽ bị tàu đâm.
Ông Trương Bình, Phó phòng Kĩ thuật - An toàn Công ty CP Thông tin tín hiệu Hà Nội cho biết, tình trạng lái xe chạy ẩu xảy ra hầu hết tại 45 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn do công ty quản lý. Tại nhiều đường ngang các cần chắn bị “đâm nát phải sửa chữa nhiều lần”.
Ông Bình lấy ví dụ tại đường ngang Km 18+806, tính từ đầu năm đến giữa tháng 7/2017 đã xảy ra 6 vụ ô tô đâm, va làm hỏng, gãy cần chắn; tại đường ngang km 14+700 tuyến Bắc - Nam xảy ra 10 vụ… Đặc biệt, tại Km 26+500 tuyến Gia Lâm - Hải Phòng (Như Quỳnh, Hưng Yên) đã xảy ra tới 24 vụ ô tô đâm hỏng cần chắn. Cũng tại đường ngang Km 26+500, gần đây nhất xảy ra vụ tàu đâm cần chắn gãy, văng vào đường ray, may mà lái tàu phát hiện, dừng tàu kịp thời, nếu không tàu đi qua với tốc độ cao rất dễ bị trật bánh.
Hình ảnh trích xuất từ camera: cần chắn tự động bị ô tô tải vượt ẩu va hỏng tại đường ngang km 26+500 (Ảnh cắt từ clip) |
Lắp camera giám sát để “phạt nguội”
Tình trạng các phương tiện giao thông đường bộ, nhất là ô tô vượt ẩu, đâm hỏng thiết bị thông tin tín hiệu, cần chắn phổ biến tại các đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động gây thiệt hại lớn cho ngành Đường sắt. Bởi, các thiết bị này rất đắt tiền, nhất là bộ thiết bị cần chắn tự động.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu Vinh cho biết, một bộ thiết bị cần chắn tự động tiêu chuẩn của Ý hiện đang lắp trên đường sắt Việt Nam có giá khoảng 370 triệu đồng, chưa kể các thiết bị liên quan khác như cảm biến… “Còn 1 chiếc cần chắn cũng có giá khoảng 10 triệu đồng tùy theo chiều dài. Mỗi lần bị đâm hỏng, sửa chữa xót lắm. Đó là chưa kể giá trị bộ động cơ, thiết bị rất lớn, nếu bị hư hỏng hay mất mát sẽ tốn kém chi phí khắc phục. Vì vậy, ngành Đường sắt đã yêu cầu các công ty phải lắp thử nghiệm camera giám sát để theo dõi”, ông Hưng cho hay.
Cũng theo ông Hưng, việc lắp camera tại đường ngang cảnh báo tự động rất hiệu quả. Qua camera cho thấy toàn bộ hoạt động tại đường ngang. Vì vậy, các trường hợp phương tiện tham gia giao thông gây hư hỏng thiết bị thông tin tín hiệu như: Đâm hỏng cột đèn, cột thông tin hay đâm hỏng, gãy cần chắn, công ty lấy dữ liệu hình ảnh, biển số xe và thông báo cho công an để tìm đối tượng vi phạm, xử lý. Đa phần các vụ này khi có dữ liệu qua camera chuyển qua công an đều xử lý kịp thời, các đối tượng vi phạm đều tự nguyện nộp lại mức thiệt hại gây ra.
Như tại địa bàn Công ty Thông tin tín hiệu Vinh quản lý, có khoảng 35 vụ phương tiện đường bộ đâm va hỏng cần chắn, trong đó 18 vụ xảy ra tại đường ngang không có camera nhưng đơn vị phải tự bỏ kinh phí sửa chữa vì không có chứng cớ vi phạm. Còn 17 vụ tại đường ngang có camera hầu hết đều tìm được đối tượng vi phạm, xử phạt bồi thường thiệt hại.
“Ban đầu chỉ là lắp để tìm và xử lý đối tượng vi phạm nhưng qua thực tế, chúng tôi thấy việc lắp camera giám sát có tính ngăn ngừa tai nạn cao. Vì lắp camera như kiểu có người theo dõi nên các tài xế ô tô qua các đường ngang này chú ý hơn, điều khiển xe qua đường ngang tuân thủ tín hiệu cảnh báo hơn. Vì thế, tại các đường ngang có camera, lúc đầu vẫn còn nhiều ô tô vượt ẩu, giờ cũng ít hơn. Hoặc nếu có vượt cũng quan sát kĩ càng hơn”, ông Hưng nói và cho biết, hiện Công ty Thông tin tín hiệu Vinh đã lắp đặt camera tại 16 đường ngang, sắp tới sẽ triển khai lắp đặt tại các đường ngang khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận