PV cùng cán bộ, nhân viên Công ty TM&XD Đông Bắc chi nhánh Nghệ An cùng giám sát việc chấp hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua camera gắn trên xe
Doanh nghiệp hưởng lợi trước
Dịch Covid-19 quay trở lại nước ta và có nhiều diễn biến phức tạp hơn giai đoạn trước. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An đã phải cắt giảm số lượng và tần suất hoạt động.
Giữa lúc khó khăn chồng chất khó khăn, tưởng chừng như việc bắt buộc các doanh nghiệp vận tải lắp đặt camera trên khoang hành khách được cho là “thêm tròng vào cổ”. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy đa phần doanh nghiệp sau khi lắp đặt đều được hưởng lợi ích từ hệ thống này.
Ông Lê Xuân Trường - Giám đốc Công ty CP Vận tải hành khách Trường Vịnh cho biết: Đơn vị có 21 xe khách giường nằm, chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội. Vừa rồi mới lắp đặt hệ thống camera trên khoang hành khách, doanh nghiệp mới thấy hết lợi ích thiết thực mà hệ thống này mang lại.
“Trước đây, muốn giám sát tài xế, phụ xe và hành khách, chúng tôi phải cử một người nhà đi cùng. Giờ thì không cần, bất cứ ngồi ở đâu mà có mạng internet, chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính ra là có thể xem mọi hoạt động đang diễn ra trên xe, dù xe đang ở đâu”, ông Trường nói.
“Chưa có hướng dẫn xử phạt không đeo khẩu trang qua hình ảnh từ camera”
“Virus lây truyền trực tiếp từ người sang người theo đường hô hấp mà chủ yếu là qua các giọt bắn, do vậy khẩu trang sẽ ngăn các giọt bắn ra không khí xung quanh làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho người xung quanh.
Khi đi trên phương tiện vận tải cần thực hiện nghiêm 5K (đeo khẩu trang đúng cách suốt chuyến đi, thường xuyên sát khuẩn tay khử khuẩn bề mặt phương tiện tay vịn, giữ khoảng cách, giãn cách, khai báo y tế để sẵn sàng truy vết nhanh khi cần thiết, hạn chế số lượng).
Người không đeo khẩu trang sẽ bị xử phạt trực tiếp theo Nghị định 117/CP, còn phạt qua hình ảnh camera thì chưa có hướng dẫn”, ông Phạm Tùng Lâm - Cục trưởng Cục Y tế Bộ GTVT.
Là một trong những doanh nghiệp vận tải lớn ở Nghệ An, Công ty TNHH Văn Minh đã tiến hành lắp hệ thống camera giám sát trên khoang hành khách từ 2 năm nay. Và trong giai đoạn hiện nay, hệ thống này lại đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành và UBND tỉnh Nghệ An, thời gian qua, công ty đã yêu cầu mọi hành khách đều phải khai báo y tế khi lên xe. Ngoài ra, thông qua hệ thống camera được lắp đặt trên khoang hành khách, công ty còn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, thông qua hình ảnh video truyền tải trực tiếp từ các xe về, cán bộ và nhân viên Phòng Vận tải sẽ kịp thời nhắc nhở tài xế, phụ xe thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống dịch Covid-19; nhắc nhở hành khách thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y”, ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Văn Minh chia sẻ.
Ông Văn cũng cho biết thêm, việc lắp đặt camera giám sát trên xe đem lại lợi ích thiết thực cho chính doanh nghiệp. Đó chính là việc giám sát thái độ, mọi hành vi ứng xử của lái và phụ xe trong quá trình phục vụ hành khách.
Ví dụ như công ty có quy định cấm tuyệt đối nam phụ xe nằm luồng cạnh giường nằm của khách nữ, nhằm tránh trong lúc ngủ có hành động đặt tay, gác chân không đúng chuẩn mực. Thông qua camera giám sát, đơn vị đã phát hiện và cho nghỉ việc khoảng 10 trường hợp phụ xe vi phạm quy định này.
Tiếp đến là giám sát, điều chỉnh hành vi, hành động của hành khách trên xe. Đây là cơ sở để phát hiện và truy tìm khi xảy ra các tình huống như thất lạc, cầm nhầm đồ đạc, hành lý.
Trong 2 năm qua, chính nhờ camera giám sát, đơn vị đã tìm lại được tài sản cho hơn chục vụ hành khách thất lạc, cầm nhầm hành lí của nhau. Trong đó điển hình nhất là vụ thất lạc 1,5 cây vàng (có đầy đủ giấy tờ) vào năm 2020.
Có cùng quan điểm, đại diện Công ty TM&XD Đông Bắc chi nhánh Nghệ An cho biết thêm: Hệ thống camera giám sát trên xe của công ty còn có định vị và lộ trình hoạt động. Khi phát hiện trên xe có F0 hoặc F1 thì rất nhanh chóng, đơn vị sẽ truy vết được điểm lên, xuống và quá trình tiếp xúc gần của chính hành khách đó.
Thông qua camera giám sát, doanh nghiệp có thể lập tức phát hiện hành khách không chấp hành quy định phòng dịch từ đó yêu cầu tài xế, phụ xe nhắc nhở hành khách
Đề nghị không xử phạt các xe tạm dừng hoạt động chưa lắp camera
Liên quan đến kiến nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019 đối với các hành vi vi phạm về lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2021, ngày 12/5, Tổng cục Đường bộ VN ban hành văn bảnyêu cầu các doanh nghiệp vận tải triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn theo Nghị định 10.
Đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô VN tiếp tục tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng lộ trình quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Bộ GTVT và Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Khi được hỏi về quan điểm của doanh nghiệp trước quy định phải lắp hệ thống camera giám sát trong khoang hành khách trước ngày 1/7, các doanh nghiệp vận tải khách ở Nghệ An, Hà Tĩnh rất ủng hộ chủ trương này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải cho biết, trong hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phương tiện hoạt động cầm chừng. Vì vậy, đề nghị ngành chức năng không xử phạt đối với những phương tiện không hoạt động trong thời gian nghỉ dịch.
Đại diện Công ty TM&XD Đông Bắc chi nhánh Nghệ An cho biết: Đơn vị có trên 100 đầu xe buýt, kinh phí để lắp đặt camera mỗi xe ước khoảng 6-7 triệu đồng. Như vậy, tổng kinh phí lắp đặt cho toàn bộ số xe này lên đến gần 1 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay 1/3 số lượng xe phải tạm dừng hoạt động, các xe còn lại cũng hoạt động cầm chừng, với lượng khách rất ít.
“Quy định tất cả các doanh nghiệp phải lắp đặt hệ thống camera trước ngày 1/7 thì doanh nghiệp phải cố gắng hoàn thành. Tuy nhiên trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn như thế này, đề nghị cơ quan chức năng không xử phạt đối với những xe không hoạt động do dịch. Khi nào xe hoạt động trở lại, doanh nghiệp cam kết sẽ lắp đặt ngay”, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị.
Sau 1/7, không lắp camera bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm về thiết bị GSHT đối với lái xe và doanh nghiệp.
Đối với lái xe, Nghị định quy định xử phạt 1 - 2 triệu đồng hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.
Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định; Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên xe ô tô theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận