Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu thực hiện một số giải pháp cấp bách để không còn xảy ra tàu thủy đâm hỏng, sập cầu |
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nêu rõ, từ các vụ tàu đâm cầu An Thái, Ghềnh, Cơn Độ vừa qua đã cho thấy lỗ hổng trong quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trên. Sau khi nghe ý kiến lãnh đạo các Tổng cục, Cục, đơn vị, Thứ trưởng Trường yêu cầu thực hiện 4 giải pháp khẩn cấp để không tái diễn các vụ việc tương tự. Theo đó, Cục Đường thủy nội địa VN kiểm tra các cầu và bố trí điều tiết giao thông đường thủy 24/24h tại các cầu có nguy cơ cao; Bổ sung phao tiêu, báo hiệu kích cỡ lớn, có sơn phản quang để người điều khiển phương tiện dễ nhận biết, cũng như cảnh báo từ xa về kích thước khoang thông thuyền.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT phối hợp với TEDI nghiên cứu, đề xuất một số mẫu trụ chống va xô tại cầu trọng yếu. Trong tháng 5/2016, khảo sát và triển khai ngay tại một số cầu yếu như cầu Đuống (Hà Nội), cầu Tam Bạc (Hải Phòng)… “Khi chưa làm được cầu mới, lãnh đạo các đơn vị khẩn trương triển khai nhiệm vụ để sau cuộc họp này không để xảy ra các vụ tàu đâm gây hư hại, sập cầu như vừa qua. Việc xây dựng các trụ chống va xô cầu đường sắt do ngành Đường sắt thực hiện, tại cầu đường bộ do đường bộ thực hiện”, Thứ trưởng Trường nói.
Tổng cục Đường bộ VN, Tổng công ty Đường sắt VN, Cục Đường sắt VN, Cục Đường thủy nội địa VN được giao báo cáo danh sách các cầu có nguy cơ bị sập nếu xảy ra đâm va, kể cả cầu trên tuyến đường thủy địa phương trước ngày 30/4/2016.
Liên quan đến quản lý phương tiện, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Cục Đăng kiểm VN rà soát, thống kê các phương tiện thủy trọng tải lớn đang lưu hành nhưng chưa đăng kiểm hoặc quá hạn đăng kiểm để đề nghị Sở GTVT, lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, xử lý và kiên quyết đình chỉ lưu hành.
Bên cạnh đó, Cục Đường thủy phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện, doanh nghiệp vận tải vi phạm Luật GTĐT nội địa, nhất là đưa tàu cỡ lớn lưu thông trên tuyến có cấp kỹ thuật nhỏ hơn, như thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, chứng chỉ điều khiển phương tiện.
Thứ trưởng Trường chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN tham mưu cho Bộ để chỉ đạo địa phương chấn chỉnh công tác quản lý, để đảm bảo hiệu quả quản lý đường thủy nội địa đến tất cả tuyến sông có vận tải thủy. Trong đó đặc biệt chú trọng các tuyến có tàu trọng tải khoảng 500 tấn hoạt động. Việc xử lý cầu yếu trọng điểm đã có lộ trình nhưng do thiếu nguốn vốn nên tiến độ thực hiện chậm. Vì vậy, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí gói tín dụng đầu tư thay thế cầu yếu để đến năm 2020 giải quyết dứt điểm các cầu yếu trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho cầu yếu đường sắt.
Đề cập công tác quản lý Nhà nước về đường thủy, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, hiện nhiều địa phương vẫn buông lỏng, dẫn đến lỗ hổng lớn trong quản lý thuyền viên, phương tiện, cảng bến, đảm bảo an toàn giao thông đường sông trên tuyến địa phương… Sắp tới, Bộ GTVT làm việc với các địa phương để yêu cầu thực hiện quản lý đường thủy theo Luật GTĐT nội địa.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, hiện có 34 cầu vượt sông có nguy cơ xảy ra tai nạn đâm va cao nhất và ảnh hưởng đến kết cấu cầu. Đây là các cầu được đề nghị bố trí điều tiết giao thông 24/24h. Mới đây, Cục đã tạm đình chỉ một số trưởng đại diện cảng vụ, thanh tra đường thủy để làm rõ trách nhiệm trong vụ tàu đâm cầu An Thái, Ghềnh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Cục trưởng Đường thủy nội địa VN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các cảng vụ, đơn vị đường thủy quản lý trực tiếp liên quan, cũng như đề xuất phê bình Sở GTVT nếu có trách nhiệm liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận