Nhờ có hệ thống thiết bị GSHT và camera theo dõi, công việc nạo vét 7 tuyến luồng hàng hải đã ngăn ngừa được tình trạng gian lận |
Giám sát chặt 7/7 tuyến luồng nạo vét
Theo một lãnh đạo Tổng Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam (BĐATHHMN), để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát nạo vét các tuyến luồng hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Tổng Công ty nghiêm chỉnh triệt để thực hiện Quyết định 73 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 28/2014/TT-BGTVT ngày 29/7/2014 của Bộ GTVT.
Tổng Công ty đã yêu cầu nhà thầu phải lắp đặt đầy đủ các hệ thống thiết bị GSHT và camera trên các phương tiện tham gia nạo vét nạo vét luồng. Cũng nhờ đó, đã ngăn ngừa được tình trạng gian lận trong đào đắp, xả thải bùn đất...
Năm 2014, Tổng công ty BĐATHH miền Nam đảm nhận thực hiện nạo vét duy tu và đã hoàn thành toàn bộ 7/7 tuyến luồng hàng hải, bao gồm: Luồng hàng hải An Thới; luồng Định An – Cần Thơ; luồng Sài Gòn – Vũng Tàu; luồng Soài Rạp – Hiệp Phước; luồng Sông Dinh; luồng Vũng Tàu – Thị Vải; luồng Quy Nhơn.
Để công tác nạo vét các tuyến luồng được giao đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định, bên cạnh các phần việc như: Công tác khảo sát, thiết kế, lập bản vẽ thi công; đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; tổ chức thực hiện nạo vét… thì công tác giám sát vận chuyển đổ bùn đất nạo vét được Tổng công ty BĐATHHMN đặc biệt quan tâm trong suốt quá trình thi công các tuyến luồng.
Theo đó, việc kiểm tra, giám sát các máy móc, thiết bị thi công (kể cả việc lắp thiết bị giám sát hành trình và camera đặt tại khoang chứa đất), tập kết tới công trường theo danh mục, quy cách, chủng loại, tính năng kỹ thuật, thời hạn đăng kiểm, chứng chỉ của thuyền viên, bảo hiểm của phương tiện và các yêu cầu cần thiết khác nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Giám sát phương tiện vận chuyển đổ bùn đất nạo vét tại vị trí nạo vét, hành trình đi đổ bùn đất và tại vị trí đổ được phê duyệt.
Không thi công nếu thiết bị gặp sự cố
Việc thu thập, tổng hợp các thông tin, dữ liệu hiện trường (vị trí, vận tốc di chuyển, thời điểm dừng đỗ) từ hệ thống giám sát nạo vét lắp đặt trên phương tiện thi công; chụp ảnh khoang chứa bùn đất của phương tiện vận chuyển tại các thời điểm (bắt đầu nhận bùn đất nạo vét tại khu vực thi công; kết thúc quá trình nhận bùn đất nạo vét để di chuyển đi đổ; kết thúc hành trình di chuyển đến vị trí đổ và kết thúc quá trình đổ bùn đất để di chuyển về khu vực thi công…) đều được ghi lại một cách chi tiết và chính xác.
Bộ phận chuyên trách được duy trì hoạt động giám sát một cách có hệ thống toàn bộ quá trình thi công nạo vét, từ khi khởi công đến khi nghiệm thu, bàn giao; bố trí nhân sự thực hiện công tác giám sát gồm Giám sát trưởng và các Giám sát viên. Trong đó, bố trí đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho công tác giám sát; bố trí đủ cán bộ kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thực hiện giám sát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên toàn bộ quá trình thực hiện của nhà thầu khảo sát, thi công nạo vét đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình cũng như các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Ghi chép toàn bộ kết quả giám sát về quá trình thi công nạo vét và vận chuyển đổ bùn đất nạo vét.
Theo Phòng An toàn Tổng Công ty BĐATHHMN, trong trường hợp hệ thống giám sát nạo vét bị hư hỏng, không hoạt động trong quá trình vận chuyển, nhà thầu thi công phải báo cáo ngay Tư vấn giám sát, Tổng công ty, nhà thầu chính để xử lý kịp thời. Nếu không khắc phục được sự cố thì cho phép phương tiện thực hiện xong việc đổ bùn đất tại vị trí quy định và phải khắc phục xong hư hỏng mới được tiếp tục tham gia thi công.
Trường hợp nhà thầu không thông báo kịp thời về sự hư hỏng, không hoạt động của hệ thống giám sát nạo vét thì không chấp nhận kết quả chuyến vận chuyển đổ bùn đất đã thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận